Thế giới 'ra sức' giảm lạm phát, Trung Quốc nỗ lực làm điều ngược lại

Trong khi phần lớn thế giới đấu tranh để giảm giá cả tăng cao, thì Trung Quốc đang cố gắng làm điều ngược lại. Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các hộ gia đình tiếp tục gửi tiền tiết kiệm, thay vì đi ra ngoài để chi tiêu và các công ty vẫn cảnh giác với việc thực hiện các khoản đầu tư mới.

Thế giới 'ra sức' giảm lạm phát, Trung Quốc lại nỗ lực làm điều ngược lại. (Nguồn: Getty Images)

Tháng 3/2023, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Trung Quốc chỉ tăng 0,7% so với năm trước. Trong khi đó, tại Mỹ, CPI tháng 3 vẫn ở mức 5%, dù đã giảm mạnh. Ở Liên minh châu Âu (EU) là 8,3% và ở Vương quốc Anh là 10,1%.

Giá cả đang đình trệ hoặc giảm ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bất chấp việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất, bơm tiền vào hệ thống tài chính để thúc đẩy nền kinh tế và việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của Covid-19 vào cuối năm ngoái.

Giảm phát đã bắt đầu

Các hộ gia đình Trung Quốc tiếp tục gửi tiền tiết kiệm, thay vì đi ra ngoài để chi tiêu và các công ty vẫn cảnh giác với việc thực hiện các khoản đầu tư mới. Điều đó làm dấy lên nỗi ám ảnh về một vòng xoáy của giá cả và tiền lương giảm mà từ đó nền kinh tế có thể phải vật lộn để phục hồi.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ANZ Research nhận định: “Quan điểm của chúng tôi là nền kinh tế Trung Quốc đang giảm phát".

Ông Yeung cho biết thêm, mặc dù GDP tăng 4,5% trong quý đầu tiên năm 2023, nhưng mức tăng trưởng đó phần lớn phản ánh tác động của nhu cầu dồn nén của người tiêu dùng sau ba năm bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19.

Nhà kinh tế này dự đoán: "Nếu loại bỏ điều đó, tăng trưởng GDP sẽ chỉ ở mức 2,6%".

Hiện tại, có rất nhiều tiền trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Và PBOC đã cố gắng khuyến khích mọi người chi tiêu bằng cách tăng thanh khoản ngân hàng thông qua nhiều công cụ chính sách như nghiệp vụ thị trường mở và hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Nhưng người tiêu dùng dường như không phản ứng. Thay vì tiêu tiền, mọi người đang tích trữ tiền mặt với tốc độ kỷ lục.

Theo các nhà phân tích, phần lớn các khoản cho vay mới của ngân hàng đã được chuyển đến các chính quyền địa phương và được sử dụng để trả nợ.

Sự kết hợp bất thường giữa giá hàng hóa không tăng và nguồn cung tiền chưa từng có trong nền kinh tế đã thúc đẩy các chuyên gia nghĩ đến giảm phát. Giảm phát được định nghĩa là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống liên tục. Giảm phát, do đó, trái ngược với lạm phát.

Điều đó có hại cho nền kinh tế vì trong một môi trường như vậy, người tiêu dùng và các công ty có thể ngừng chi tiêu, giá sẽ giảm hơn nữa và điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề của nền kinh tế.

GS. Liu Yuhui tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) nhận định: "Giảm phát đã bắt đầu là tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc. 'Nhịp đập' của nền kinh tế thực vẫn còn yếu vì giá bất động sản và tài sản tài chính không tăng".

Ông Liu Yuhui cho biết, các hộ gia đình Trung Quốc đang không có khả năng hoặc không sẵn sàng chi tiêu.

Phát tiền mặt?

Ông Yu Yongding, cựu Giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới tại CASS bày tỏ quan điểm thận trọng hơn nhưng cũng thừa nhận, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với áp lực giảm phát.

Ông nói: “Theo tôi, mặc dù tuyên bố 'giảm phát đã bắt đầu' chưa hẳn chính xác, nhưng đó không phải là quan điểm sai lầm. Tổng cầu không đủ là một vấn đề nổi cộm mà nền kinh tế phải đối mặt".

Trong khi đó, một cựu cố vấn ngân hàng trung ương đã thúc giục Bắc Kinh cung cấp tiền mặt cho người tiêu dùng để kích thích chi tiêu - một biện pháp đã được nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ và Australia từng áp dụng. Nhưng biện pháp này hiếm khi được chính quyền trung ương Trung Quốc sử dụng.

GS. Li Daokui tại Đại học Thanh Hoa kêu gọi Bắc Kinh trao 500 tỷ Nhân dân tệ (72,5 tỷ USD) dưới dạng phiếu tiêu dùng để thúc đẩy chi tiêu trong thời gian còn lại của năm nay.

Ông Li Daokui bày tỏ quan điểm: "Tính toán thận trọng, 500 tỷ Nhân dân tệ có thể thúc đẩy người dân tiêu 1.000 tỷ Nhân dân tệ trong tổng mức tiêu thụ. Đổi lại, chính phủ có thể nhận được ít nhất 300 tỷ Nhân dân tệ thông qua thuế do chi tiêu của người dân gia tăng. Vậy tại sao không làm?"

Về phần mình, PBOC đã bác bỏ những lời bàn tán về giảm phát.

Ông Zou Lan, một quan chức của PBOC cho biết: “Không có cơ sở nào chứng minh tình trạng giảm phát hoặc lạm phát trong dài hạn. Khi các chính sách hỗ trợ tài chính có hiệu lực, nhu cầu của người tiêu dùng dự kiến sẽ 'ấm lên' và giá cả có thể sẽ quay trở lại mức trung bình trong cuối năm nay".

(theo CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/the-gioi-ra-suc-giam-lam-phat-trung-quoc-no-luc-lam-dieu-nguoc-lai-224817.html