Thế giới đề phòng biến thể mới XBB.1.5

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng sang hàng chục quốc gia nhưng chưa có bằng chứng nó nguy hiểm hơn các biến thể khác.

Phát hiện từ tháng 10-2022, biến thể phụ XBB.1.5 mới thuộc biến thể Omicron - được đặt tên là Kraken - hiện là dòng biến thể gây dịch COVID-19 chủ đạo tại Mỹ và đã lan rộng sang ít nhất 25 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, theo cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hiện chưa rõ liệu XBB.1.5 có gây ra làn sóng lây nhiễm trên toàn thế giới hay không, song chính quyền một số quốc gia đã bắt đầu đưa ra thông báo với người dân về các các biện pháp y tế phòng ngừa.

Hành khách tại sân bay Heathrow ở thủ đô London, Anh hồi tháng 12-2022. Ảnh: REUTERS

Biến thể lây lan nhanh nhất từ trước đến nay

Tờ South China Morning Post cho biết trong cuộc họp báo về tình hình đại dịch toàn cầu của WHO hồi đầu tuần này, trưởng nhóm nghiên cứu về COVID-19 - TS Maria Van Kerkhove tuyên bố XBB.1.5 đang là biến thể lây lan nhanh nhất trong các biến thể SARS-CoV-2 từng được phát hiện. Biến thể này có những đặc điểm di truyền học giống các biến thể phụ khác của biến thể Omicron nhưng có một số điểm vượt trội hơn như khả năng bám dính và xâm nhập tế bào cơ thể người tốt hơn.

Bên cạnh đó, XBB.1.5 cũng được cho là có khả năng lẩn tránh kháng thể tốt hơn do có nhiều thay đổi trong cấu trúc protein gai - vốn là mục tiêu mà các vaccine ngừa dịch thường nhắm đến. Dù vậy, điều này không có nghĩa là các loại vaccine hiện nay không có hiệu quả với biến thể mới. Theo tạp chí New Scientist, TS Stuart Ray thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cho biết các bằng chứng khoa học tới nay vẫn cho thấy những người tiêm đủ ít nhất hai liều vaccine ít có khả năng nhiễm bệnh, hoặc nếu nhiễm bệnh thì ít trở nặng và tử vong hơn so với những người tiêm không đủ liều - áp dụng cho mọi loại biến thể mới và cũ.

Biến thể này có những đặc điểm di truyền học giống với các biến thể phụ khác của biến thể Omicron nhưng có một số điểm vượt trội hơn như khả năng bám dính và xâm nhập tế bào cơ thể người tốt hơn.

TS Bruce Hirsch thuộc ĐH North Shore ở New York (Mỹ) cũng xác nhận rằng kháng thể của vaccine tuy được thiết kế để bảo vệ cơ thể trước những biến thể cũ vẫn có thể được kích hoạt và tăng lên khi tiếp xúc những biến thể mới như XBB.1.5, kể cả khi mức độ trùng khớp về cấu trúc gene không đạt 100%.

TS Stuart Ray cho hay điều đáng mừng là các loại thuốc trị COVID-19 như Paxlovid vẫn có hiệu quả khi điều trị ca bệnh nhiễm XBB.1.5.

Cần duy trì mức độ
cảnh giác

Theo TS Maria Van Kerkhove, hiện tại giới khoa học vẫn đang nghiên cứu thêm về mức độ rủi ro và độ nguy hiểm của biến thể XBB1.5, do đó người dân không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, với việc biến thể này lây lan rất nhanh, khả năng quá tải hệ thống y tế là rất cao, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía chính quyền các nước nếu các đợt dịch mới xuất hiện.

“WHO hiện chưa có bằng chứng cho thấy XBB.1.5 có thể gây bệnh nặng hơn so với những biến thể đã biết trước đó. Tuy nhiên, tình trạng số ca nhiễm XBB.1.5 tăng đột biến một lần nữa cho thấy thế giới vẫn cần phải cảnh giác với COVID-19. Chỉ trong tháng 12-2022, WHO đã nhận báo cáo hơn 13 triệu ca nhiễm mới trên toàn thế giới nhưng đây chưa phải con số thực tế bởi hoạt động theo dõi bệnh nhân không được chú trọng nhiều như trước” - bà Van Kerkhove nói.

Ở Mỹ, tỉ lệ các ca nhiễm XBB.1.5 đã tăng gấp đôi chỉ sau một tuần, nhanh chóng đưa dòng phụ này trở thành dòng lây lan nhanh nhất tại Mỹ. Đến nay, XBB.1.5 đã gây ra gần 28% các ca mới được giải mã gene tại Mỹ, dù chỉ mới đầu tháng 12-2022 tỉ lệ này là khoảng 1%. Ở các bang vùng đông bắc, biến thể phụ gây ra khoảng 75% số ca nhiễm mới, theo tờ The Washington Post.

Nhiều quốc gia đang theo dõi và chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là xảy ra một đợt bùng phát nghiêm trọng mới. Trước mắt, nhiều nước hối thúc người dân quay lại biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và khử khuẩn thường xuyên, cũng như tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 tăng cường cho nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi và người có hệ miễn dịch suy giảm. Đơn cử, quan chức cấp cao về tình trạng khẩn cấp của WHO tại châu Âu Catherine Smallwood ngày 10-1 đã đề nghị người dân các nước ở đây nên đeo khẩu trang tại những nơi có rủi ro cao lây truyền COVID-19, ví dụ như trên các chuyến bay đường dài.

TS Pavitra Roychoudhury thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư và các bệnh truyền nhiễm Fred Hutchinson (Mỹ) cũng nhấn mạnh thêm rằng người dân Mỹ khi đi vào nơi đông người hoặc đi vào khu vực trong nhà cần nhớ đeo khẩu trang vì đây là biện pháp hữu hiệu nhất chống lại mọi loại virus gây bệnh truyền nhiễm và các biến thể SARS-CoV-2.

“Cũng cần tránh những không gian không thông thoáng và tránh tiếp xúc với người khác nếu cảm thấy mình đã bị nhiễm bệnh để giúp phá vỡ dây chuyền lây lan của virus. Virus càng phát tán thì sẽ càng nhiều biến thể khác xuất hiện thêm” - bà Roychoudhury nói.•

Dự báo tình hình dịch COVID-19 trong năm 2023

Tờ The Hill dẫn lời một số chuyên gia WHO cho biết nỗ lực chống dịch của thế giới trong năm 2023 hiệu quả ra sao sẽ phụ thuộc vào bức tranh miễn dịch của cộng đồng, tức là phụ thuộc vào mức độ miễn dịch được tạo nên do từng mắc bệnh và nhờ đã tiêm vaccine.

Tuy nhiên, một nhận định chung của giới chức y tế thế giới là do mức độ miễn dịch trên thế giới không đồng đều và do xu hướng hoạt động không còn hạn chế hiện nay nên số ca nhiễm COVID-19 có thể sẽ tăng trong năm 2023. Thậm chí, các nhà khoa học đang chờ sự xuất hiện không sớm thì muộn của một biến thể chính mới, không phải biến thể phụ của một biến thể từng được phát hiện trước đó.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-gioi-de-phong-bien-the-moi-xbb15-post716121.html