Thế giới ảnh hưởng ra sao nếu chiến tranh nổ ra giữa Nga - Ukraine?

Các chuyên gia quan ngại khả năng Nga tấn công Ukraine sẽ gây bất ổn tại châu Âu, gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Xung đột Nga - Ukraine châm ngòi bất ổn an ninh tại châu Âu

Ukraine và phương Tây thời gian qua cáo buộc Nga tập trung lượng lớn quân đội gần biên giới với Kiev, chuẩn bị tấn công tổng lực. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định trong trường hợp xung đột nổ ra giữa Ukraine và Nga, hậu quả sẽ vượt khỏi phạm vi lãnh thổ của hai quốc gia này.

“Đây sẽ là khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất tại châu Âu kể từ những năm 1980”, ông Nigel Gould-Davies, cựu Đại sứ Anh tại Belarus, nhận định về khả năng xung đột xảy ra giữa Nga và Ukraine.

Chuyên gia nhận định các nước khu vực Baltic và đông Âu sẽ cảm thấy bị đe dọa trước sự hiện diện của quân đội Nga ngay trước “thềm nhà”. “Ukraine giáp ranh với một số quốc gia NATO, dễ dẫn lo ngại an ninh bị đe dọa”, ông Gould-Davies nói.

Xe bọc thép Nga tại khu vực bán đảo Crimea tháng 1/2022. Ảnh - AP

Đồng thời, nhiều chuyên gia cũng cho rằng các quốc gia Đông Âu sẽ tiếp nhận lượng lớn quân đội NATO đồn trú trong trường hợp xung đột nổ ra. Mới đây, Mỹ thông báo đặt 8.500 binh sĩ trong trạng thái báo động cao, sẵn sàng triển khai tới Đông Âu. Trao đổi với hãng tin CNN, ba quan chức Mỹ cho biết Mỹ và đồng minh có thể gửi thêm quân tới Romania, Bulgaria và Hungary trong thời gian tới.

Ukraine không phải là thành viên NATO, do đó ít có khả năng liên minh quân sự này sẽ điều binh sĩ tới Kiev. Tuy nhiên, trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, NATO có thể điều động lượng lớn binh sĩ tới khu vực sườn phía đông của khối, dẫn tới khả năng lặp lại tình trạng giới tuyến ngăn cách đông và tây Âu vào thời Chiến tranh Lạnh.

Hậu quả với kinh tế thế giới

Các chuyên gia quan ngại khả năng Nga tấn công Ukraine có thể dẫn tới hậu quả to lớn với kinh tế toàn cầu ngay từ khi có những thông tin đầu tiên về việc Moscow tập trung quân gần biên giới với Kiev.

Hậu quả trực tiếp nhất là gián đoạn trong sản xuất nông nghiệp tại Ukraine, ảnh hưởng tới nguồn cung cấp lương thực thế giới.

Ukraine là một trong 4 nhà xuất khẩu ngũ cốc chính của toàn cầu, được dự đoán là nhà cung cấp ⅙ tổng lượng ngô thế giới nhập khẩu trong 5 năm tới. Vì vậy, nếu quá trình sản xuất nông nghiệp của Ukraine bị tác động sẽ ảnh hưởng lên nguồn cung của một số loại lương thực.

Binh sĩ Nga tham gia tập trận sẵn sàng tác chiến vào cuối tháng 1/2022. Ảnh - Bộ Quốc phòng Nga

Quan ngại lớn hơn là ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng cho châu Âu. Ông Gould-Davies nhận định xung đột giữa Nga - Ukraine là xung đột giữa một trong những nhà cung cấp năng lượng lớn nhất thế giới và quốc gia trung chuyển khí đốt chính cho toàn bộ châu Âu.

Nga hiện cung cấp khoảng 30% khí đốt tự nhiên cho Liên minh châu Âu. Khí đốt từ Nga đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện và hệ thống sưởi cho các quốc gia trung và đông Âu.

Hiện tại, khi xung đột chưa xảy ra, việc Nga cắt giảm lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu (theo cáo buộc của Cơ quan Năng lượng Quốc tế) đã dẫn tới tình trạng giá khí đốt tăng cao tại châu Âu.

Giá năng lượng tăng cao kéo theo lạm phát tăng, ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều hộ gia đình châu Âu.
Ước tính tại Anh, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm 790 bảng Anh (1.075 USD) cho chi phí sưởi ấm và thắp sáng trong năm nay. Chi phí sinh hoạt được dự báo sẽ gia tăng tại một số quốc gia châu Âu liên quan tới xung đột giữa Nga - Ukraine.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch tìm các nguồn cung năng lượng dự phòng cho châu Âu trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị gián đoạn, nhằm tránh gây ảnh hưởng lên kinh tế toàn cầu.

Thời gian gần đây, Liên minh châu Âu và Mỹ đã nhiều lần đề cập tới các lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Nga trong trường hợp nước này tấn công Ukraine. Các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng tới lĩnh vực ngân hàng và các lĩnh vực trọng yếu của Nga như dầu, khí đốt, nhập khẩu công nghệ.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định châu Âu và thế giới cũng sẽ chịu tác động của các lệnh trừng phạt này.

“Khi áp đặt lệnh trừng phạt tức là khiến đối tượng bị áp phải trả giá đắt, nhưng chính bên áp đặt cũng có nguy cơ khiến mình và đồng minh chịu thiệt hại”, Nathan Sales, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, cho hay.

Hoàng Anh (Theo CNN)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/the-gioi-anh-huong-ra-sao-neu-chien-tranh-no-ra-giua-nga-ukraine-d541095.html