Thẻ bài 'Lịnh phù Bắc Đế' tìm thấy ở Hội An

Phòng tạo hình và diễn xướng của Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An, tỉnh Quảng Nam, có trưng bày tấm Lịnh phù Bắc Đế, song không nhiều người hiểu tường tận về ý nghĩa của tấm thẻ bài này. Vậy Lịnh phù Bắc Đế chứa đựng hàm ý tín ngưỡng gì? Xuất xứ của nó ra sao mà được chuyên ngành chức năng lưu giữ, bảo tồn cẩn thận như vậy?

“Lịnh phù Bắc Đế” (giữa) được trưng bày chung trong tủ kính với các tượng thần. Ảnh: T.M

Đầu năm 1997, ông Lê Huyễn, một người dân địa phương mang đến giao cho Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An một bức chạm khắc bằng gỗ phủ lớp son đỏ đã bạc màu theo thời gian. Ông cho biết đây là tấm thẻ bài Lịnh phù Bắc Đế đã có từ xa xưa được lưu truyền qua rất nhiều đời, có giá trị về đời sống, văn hóa nên nộp cho cơ quan chức năng quản lý theo quy định của Nhà nước.

Bức gỗ cũ kỹ chạm khắc chữ Hán, dài 12cm, rộng 8cm, dày 3,5cm, cạnh đáy vuông, cạnh trên cong hình vòm cung. Phía mặt trước khắc chìm bốn chữ “Ngũ lôi hiệu lịnh”, xung quanh chạm nổi hoa văn trang trí. Mặt sau chạm nổi hình con rùa, trên lưng rùa có một con rắn quấn quanh một thanh bảo kiếm đang cưỡi, viền ngoài trang trí hoa sen. Mặt bên trái khắc chìm bốn chữ “Tướng trục lịnh hình”, có nghĩa là tướng lĩnh hành động theo lịnh bài. Mặt bên phải cũng chạm chìm bốn chữ “Bình tùy ấn chuyển”, có nghĩa rằng binh sĩ theo ấn mà hành động.

Từ những dòng chữ Hán tuy bước đầu đã được giải nghĩa nhưng bên trong của bức chạm khắc còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn chưa được giải mã. Theo tư liệu thuyết minh về tấm Lịnh phù Bắc Đế của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thì sau khi tiếp nhận di vật này, các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian đã tập trung tìm kiếm các nguồn tư liệu về văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân ở vùng đất Hội An lâu đời, cổ kính. Từ đó, ý nghĩa của tấm Lịnh phù Bắc Đế đã được làm sáng tỏ…

Trước hết, tấm gỗ có tên gọi “Lịnh phù Bắc Đế” chính là lịnh (lệnh) của vị thần Bắc Đế Trấn Vũ, còn gọi Huyền Thiên Thượng Đế. Đây là vị tôn thần của Đạo giáo, còn gọi Lão giáo, xuất xứ từ Trung Hoa cổ đại và trở thành biểu tượng về một vị thánh thần do sự giao thoa của các nền văn hóa nên được thờ tự rất nhiều nơi ở nước ta, trong đó có Chùa Cầu, Hội An. Do thương cảng Hội An được hình thành từ thời chúa Nguyễn, các nhà buôn người Trung Hoa dong thuyền đến đây buôn bán từ rất sớm. Đặc biệt do sự hà ép của đế chế nhà Thanh, nhiều người Hoa lánh nạn, tìm đến Hội An xin chúa Nguyễn tạo lập ra làng Minh Hương. Vì vậy các hoạt động về tín ngưỡng, tâm linh mang sắc thái Hoa kiều hòa quyện, tương đồng với tín ngưỡng người Việt, trong đó Lịnh phù Bắc Đế là một trong những cổ vật đã nói lên điều đó.

4 chữ “Ngũ lôi hiệu lịnh” (khắc trên Lịnh phù Bắc Đế) cho thấy đây là lịnh bài, một thuật pháp được các đạo sĩ dùng làm phương tiện để điều khiển sấm sét trên trời. Ngũ lôi hiệu lịnh được hợp thành Thiên lôi, Địa lôi, Thủy lôi, Thần lôi và Xã lôi. Theo truyền thuyết, trong ngũ lôi có các vị thần chấp quản, đó là 5 vị Lôi đế của 5 hướng: Hướng đông có thần Oanh Thiên Chấn Môn Lôi Đế, hướng nam có Xích Thiên Hỏa Quang Chấn Sát Lôi Đế, hướng tây có Đại Âm Khôn Phục Lôi Đế, hướng bắc có Đảo Thiên Phiên Hải Lôi Đế và ở chính giữa (điểm trung tâm) có Hoàng Thiên Băng Liệt Lôi Đế.

Vị cao thần Huyền Thiên Thượng Đế là “tổng tư lệnh”, có quyền lực chỉ dạy, sai khiến tất cả ngũ lôi thần nên trong dân gian còn có tên gọi Lôi Tổ. Thần Bắc Đế Trấn Vũ được dân gian tô vẽ, mường tượng ra một dáng hình vạm vỡ, khỏe mạnh, cơ bắp cuồn cuộn, mặc áo giáp vàng, khoác áo choàng đen, tóc xõa, râu dài, hai tay chống thanh kiếm, chân không giày dép đạp lên mai con rùa. Ngày xưa, các đạo sĩ, pháp sư Đạo giáo thường sử dụng Ngũ lôi hiệu lịnh để làm phép trừ ma, đuổi tà, hộ tống, chở che cho các vong hồn lương thiện, trấn yểm những nơi yêu tinh quấy phá, “trị thế, phúc thần” đồng thời truyền khẩu lệnh cho Thiên Lôi trút mưa, thả gió xuống hạ giới để cây cối tốt tươi, mùa màng no đủ, muôn loài sinh sôi, nảy nở và ban phát nhiều điều phước lành cho chúng sinh.

Theo sử sách, Ngũ lôi hiệu lịnh có “sát khí” nên khi khắc chạm lá thẻ bài này phải coi ngày có chứa “sát khí” mạnh mẽ trong 10 ngày đại kỵ bao gồm các ngày Giáp Thìn, Ất Tỵ, Bính Thân, Đinh Hợi, Mậu Tuất, Kỷ Sửu, Canh Thìn, Tân Tỵ, Nhâm Thân, Quý Hợi. Ngũ lôi hiệu lịnh thường được làm từ các loại gỗ như bách, phong, táo, đào, tử, nếu làm từ các loại gỗ khác sẽ không có linh nghiệm. Cách khắc chạm Ngũ lôi hiệu lịnh có nhiều kiểu nhưng đa phần là hình dáng trên tròn, dưới vuông, tượng trưng cho trời tròn, đất vuông, chữ khắc theo hình thức chìm, nổi, dựa theo triết lý âm, dương của Đạo giáo.

Về hình dáng, Ngũ lôi hiệu lịnh dựa theo tấm lệnh bài “Hổ phù”, được chạm khắc hình con hổ dũng mãnh, oai phong, một biểu tượng về sức mạnh, uy quyền của các vương triều phong kiến. “Hổ phù” được làm bằng vàng để các hoàng đế dùng làm phương tiện điều binh, khiển tướng. Thẻ bài Ngũ lôi hiệu lịnh không chỉ để các pháp sư, đạo sĩ dùng làm pháp khí hành nghề mà các giai tầng thượng lưu giàu có ngày xưa sử dụng như một báu vật để diệt tà, trấn mạch, làm bùa hộ mệnh cho bản thân, gia đình luôn được bình an, tai qua, nạn khỏi, làm ăn tấn tới, cuộc sống ngày càng an khang, thịnh vượng.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng thẻ bài Ngũ lôi hiệu lịnh chưa hẳn người xưa dùng làm vật trấn yểm, trừ khử tà ma mà còn sử dụng vào việc khác trong chuỗi hoạt động tâm linh? Dẫu chức năng của Ngũ lôi hiệu lịnh thế nào chăng nữa thì đây vẫn là cổ vật của tiền nhân luôn gắn với đời sống, tín ngưỡng văn hóa tinh thần trong quá khứ mà hiện tại cần phải tiếp tục bảo quản, nghiên cứu và từng bước khám phá thêm về nguyên do ra đời của tấm Lịnh phù Bắc Đế.

THÁI MỸ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202311/the-bai-linh-phu-bac-de-tim-thay-o-hoi-an-3960802/