Thầy thuốc 'tàng hình'

Từ hơn một tháng nay, cơn bão đình công của 70% bác sĩ trẻ, 63% sinh viên y khoa tại xứ Hàn đã làm cho bất kỳ quốc gia nào cũng phải suy nghĩ.

Trong thời gian này, một nam bệnh nhân 70 tuổi được đưa đi cấp cứu tới 4 bệnh viện thì 3 nơi từ chối, khi tới cơ sở y tế thứ tư thì quá muộn. Chuyện là một chiếc máy kéo đã tông đổ cột viễn thông. Cột này đổ khiến ông cụ bị thương ở mắt cá chân và phải phẫu thuật. Bệnh viện Đại học Konkuk đã từ chối nhận mổ vì “không có bác sĩ gây mê”. Tới Trung tâm Y tế Chungju, cũng “không thể phẫu thuật”. Bác sĩ phẫu thuật cũng rửa tay gác kéo để đình công chăng? Nạn nhân được chuyển đến bệnh viện trong thành phố lúc hơn 18h, nhưng ở đây cũng không có phẫu thuật viên nào.

Đưa tới Bệnh viện Severance Christian nhưng phải chờ sau hai ca khác đang chờ phẫu thuật rồi mới có cơ hội. Lại chuyển bệnh nhân tới Bệnh viện Đại học Ajou ở Suwon, cách nhà khoảng 100km. Nhập viện lúc 1h50’ sáng thì sau 30 phút, cụ ông xấu số trút hơi thở cuối. Đó là 9 giờ chiến đấu với tử thần và bó tay chỉ vì bác sĩ “tàng hình”. Có lẽ các bác sĩ đều bận đình công chăng?

Ảnh minh họa.

Chỉ sau khi cuộc đình công khởi phát 3 ngày, một nữ bệnh nhân đã tử vong trên xe cứu thương sau khi lần lượt 7 bệnh viện từ chối do thiếu bác sĩ. Ngày 30/3, bé gái ở Chungcheongbuk - được đưa đi cấp cứu sau khi ngã xuống mương. Sau khi 9 bệnh viện từ chối tiếp nhận, bệnh nhi đã tử vong.

Các bác sĩ Hàn đình công vì nhiều lý do không cần nhắc lại nhưng cho thấy cơn đói “bác sĩ”, sự mất cân bằng trong chăm sóc sức khỏe người dân. Đặc biệt, mô hình y tế tư nhân đang chiếm thượng phong, còn y tế công lép vế. Chuyên ngành cứu mạng thì vất vả, lương chưa tương xứng, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ “đập đi làm lại” như nâng ngực, gọt cằm, kéo chân thì như cái phễu hứng tiền vô tận. Bệnh nhân không thể coi chỉ là khách hàng. Nếu quá nửa nhân lực ngành y đình công thì hẳn là đùa giỡn rồi.

Ở xứ ta cũng có trường tư thục có liên kết Mỹ bị giáo viên đình công do nợ lương. Trường học mà nghỉ thì dòng chảy kiến thức gián đoạn, hậu quả thuộc về tương lai, không ai lăn đùng ra chết nhưng bệnh viện mà gián đoạn thì mạng sống của bệnh nhân khác gì rút ống thở. Các cuộc xung đột hay lấy dân thường làm con tin nhưng các bác sĩ đình công thì con tin lại là chính những người bệnh sinh mạng như ngọn đèn trước gió.

Tỷ lệ số bác sĩ trên một vạn dân của Hàn Quốc là 26. Tức là khá thấp so với quốc gia có thu nhập cao. Ở Việt Nam năm 2023 thì 1 vạn dân có 12,5 bác sĩ. Khá thấp. Như vậy bác sĩ Việt Nam phải nhận áp lực rất lớn. Nhưng tinh thần “thày thuốc như từ mẫu” khiến đội ngũ y tế Việt Nam đảm đương được những giai đoạn khó khăn. Mô hình bệnh viện nhà nước là chủ đạo giúp cho người dân tiếp cận với mức chi phí khả dĩ. Các tuyến cơ sở toàn dân đến tận phường xã cùng các công việc dự phòng sẵn sàng được kích hoạt khi có biến cố.

Điểm sáng này thấy rõ trong đại dịch COVID-19. Rất nhiều nhân viên y tế ở tuyến đầu đã trở thành những gương sáng chống dịch cứu dân. Đây là điểm mạnh so với những nền y dược tư nhân dưới sự điều khiển của tài phiệt ở nhiều nước. Tuy nhiên việc thu nhập cho y sĩ, bác sĩ chưa tương xứng nếu vẫn không được giải quyết tốt thì ngành y sẽ ế. Điều đó đáng sợ không kém gì đình công.

Elly Tran, một bác sĩ Mỹ gốc Việt tại California tham gia một dự án huấn luyện tiếng Anh y tế (online) cho bác sĩ trong nước kể rằng, bà rất ngạc nhiên khi có học viên mỗi ngày phải khám nhẹ nhàng nhất cũng 60 bệnh nhân. Ngày cao hơn thì không kể. Elly hỏi vậy dành được bao nhiêu thời gian cho tư vấn bệnh nhân? Học viên đáp là thời gian trao đổi gần như không còn, chỉ đủ cho vài câu và ghi đơn thuốc. Học viên hỏi trung bình mỗi ngày ở bển, Elly khám bao nhiêu bệnh nhân? Elly đáp, chừng 4 tới 5 bệnh nhân.

Các bệnh nhân đều phải đặt lịch hẹn trước nhiều ngày chứ không có thể đến là được khám như ở trong nước. Với mỗi bệnh nhân phải dành chừng 2 giờ viết bệnh án, tư vấn, bàn thảo với họ để thống nhất cách điều trị. Nếu viết bệnh án sơ hở và tư vấn không kín kẽ thì bác sĩ sẽ dễ bị đối diện với kiện cáo. Rất áp lực.

Học viên Việt trần tình, bác sĩ trong nước cũng nhiều cái căng thẳng, có lúc còn bị người nhà bệnh nhân kéo đến hành hung. Elly bảo: Bên Mỹ thì bác sĩ còn lo bị người nhà bệnh nhân bắn chứ đâu chỉ hành hung. Tây cũng như ta, bác sĩ cũng “81 khổ nạn”.

Có một giấc mơ đẹp, nếu một ngày không còn bệnh tật thì các bệnh viện chắc sẽ biến thành nơi vui chơi và có thể người ta chẳng còn nhớ bác sĩ, lương y là ai nữa.

Đã có một cuộc đình công và bác sĩ Hàn đã “tàng hình” khỏi các bệnh viện, nhưng hỡi ôi, bệnh tật vẫn còn nguyên. Đó là sự thật 2024. Tỉnh mộng, té ra làm nghề cứu người mà nghĩ tới bản thân thì không tránh được chữ ích kỷ. Muốn thoát được ích kỷ thì thầy thuốc cần được nâng niu. Muốn thầy thuốc cứu mình thì cần phải cứu thầy thuốc trước. Đôi khi thầy thuốc có lỗi lầm, hãy tha thứ. Tuy vậy, thầy thuốc cũng đừng giỡn quá, hết cả vui.

Tả Từ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/thay-thuoc-tang-hinh-i728293/