Thầy nội và thầy ngoại

Trò chuyện với cựu Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, ông Hỷ kể lại: “AFF Suzuki Cup 2008, nếu tôi không kiên trì với HLV Calisto thì ông ấy đã bị sa thải từ trận thứ 10 - 11 không biết thắng. Lúc đấy, tôi bị sức ép dữ lắm, nhưng cũng được các anh có chuyên môn khuyên là ông Calisto đang đi đúng hướng, dù đá giao hữu hoài không có thành tích…”.

Cũng câu chuyện trên, trao đổi với nhiều thành viên có chuyên môn thì được nghe chia sẻ thật lòng: “May là ông Calisto là HLV ngoại, chứ HLV nội thì ông ấy ‘đi đứt’ lâu rồi. Các HLV nội có nỗi khổ là khi nắm đội tuyển đá giải giao hữu cũng phải tính đến chuyện thắng nhiều để làm an tâm cấp trên mà nhiều khi bỏ qua khâu điểm rơi đá giải. Họ buộc phải thắng sức ép dư luận, sức ép từ người thuê mình nên có khi lại làm hỏng con đường dài…”.

Rõ nhất là hai HLV Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc. Cả hai đều được xem là thầy giỏi, nhưng khi tập trung thì ông Hùng nhận nhiều cầu thủ Hà Nội T&T - cũng bị chỉ trích. Ông Phúc thì để cầu thủ tính toán thiệt hơn ở BTV Cup - cũng bị cấp trên sa thải, rồi sau đó lại tìm cách phục chức… Nói chung là HLV nội luôn chịu sức ép từ dư luận và sức ép từ chính người thuê.

Trở lại với việc sa thải thầy ngoại để trở về với thầy nội, liệu thầy nội có vượt qua được những áp lực không cần thiết? Chẳng hạn, lãnh đạo VFF đặt mục tiêu vô địch AFF Cup và SEA Games nhưng vẫn thích phải đá đẹp và phải dùng nhiều cầu thủ chơi kỹ thuật có khuynh hướng tấn công thì điều đấy có nghịch lý?

Hãy trao cho thầy nội cái quyền như thầy ngoại và cho họ được mặc đúng chiếc áo HLV trưởng. Nếu làm được như thế thì các thầy nội mới phát huy, chứ đừng có suy nghĩ chọn thầy nội vì thầy nội biết nghe và dễ bảo.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/thay-noi-va-thay-ngoai-514569.bld