Thầy giáo 14 năm cắm đảo: 'Ngày nào với tôi cũng là 20/11'

Tình nguyện ra đảo Thổ Châu (Kiên Giang) dạy học từ năm 2002, thầy trò gắn bó như người thân nên ngày nào với thầy Hùng cũng là 20/11.

Sinh ra và lớn lên ở xã Hòn Thơm (Phú Quốc, Kiên Giang), quyết định đến dạy học ở đảo Thổ Châu cách Phú Quốc khoảng 100 km, thầy Lương Quốc Hùng khiến gia đình buồn phiền. Không muốn người thân lo lắng, thầy giáo sinh năm 1973 tập trung công tác, đạt nhiều thành tích bởi "đó là cách duy nhất để bố mẹ yên tâm".

Thầy Lương Quốc Hùng đã có 14 năm công tác trên đảo Thổ Châu. Ảnh: Thanh Tâm.

Năm 2002, thấy đảo Thổ Châu đang thiếu nhiều giáo viên, thầy Hùng viết đơn xin ra công tác. Trường Tiểu học - THCS Thổ Châu khi ấy chỉ có 8 thầy cô, khuôn viên không một bóng cây, lớp không có bảng đen, bàn ghế ọp ẹp.

Các thầy cô phải mất nhiều ngày đóng lại từng chiếc bàn, ghép những tấm ván cũ kỹ thành bảng. Sau đó thầy cô đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đi học.

Từng bước xây dựng, đến nay trường đã có 28 thầy cô và 310 học sinh ở 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS. Cuộc sống đỡ vất vả hơn, nhưng cơ sở vật chất và việc đi lại vẫn rất khó khăn. Trường chỉ có 5 phòng học, học sinh các khối phải chia ca sáng, chiều. Thầy cô phải thay nhau dạy 2-3 môn.

Phụ trách môn Ngữ văn khối THCS, thầy Hùng luôn trăn trở học sinh ở Thổ Châu chăm học, nhiều em học khá nhưng không có cơ hội cọ xát với bạn bè. “Năm nào tôi cũng hướng dẫn một số em có năng khiếu môn Văn, nhưng không bao giờ có cơ hội đi thi học sinh giỏi. Sống ở đảo, các em phải bở lỡ nhiều cơ hội”, thầy Hùng nói.

Một tháng chỉ có 3 chuyến tàu và phải mất 8 tiếng mới có thể vào tới đất liền nên việc về thăm nhà của các thầy cô trở thành xa xỉ. Đi lại vất vả khiến việc cập nhật tin tức, mở rộng kiến thức hầu như không có. Ba năm nay, đảo Thổ Châu đã được kết nối mạng nhưng không ổn định. Những tờ báo từ đất liền gửi ra đến nơi tin tức đều đã nguội.

Với thầy Hùng, ngày nào đến trường cũng là ngày 20/11. Ảnh: NVCC.

14 năm trên đảo, thầy và trò đặc biệt gắn bó. Đi qua nhà học sinh, gặp bữa cả phụ huynh, học sinh và thầy giáo cùng ngồi quây quần bên mâm cơm với mực luộc, rau luộc và những câu chuyện dài không dứt.

“Những lúc khó khăn nhất là lúc con người sống đoàn kết và tình cảm nhất. Thầy trò trên đảo rất quý mến nhau, các em thấy thầy cô tâm huyết cũng cố gắng hơn trong học tập nên với tôi ngày nào cũng là 20/11”, thầy Hùng chia sẻ.

Trên đảo, ngày 20/11 thầy trò vẫn lên lớp. Thi thoảng thầy nhận được những câu chúc ngượng ngùng, vài nhánh hoa dại hái vội bên đường. “Nhìn học sinh đi đôi dép rách, mặc chiếc áo cũ kỹ bám đầy bụi bẩn, tay cầm nhành hoa hay con cá khô đến tặng, tôi không cầm được nước mắt”, thầy Hùng kể.

Thường đến dịp 20/11, thầy Hùng và học trò đều du lịch một vòng quanh đảo Thổ Châu. Vì bận học, phải làm kinh tế cho gia đình nên học sinh không cảm nhận hết được vẻ đẹp nơi đây. Vậy nên du lịch quanh đảo cũng là cái gì đó rất mới mẻ, giúp các em học hỏi được nhiều điều.

Thầy Phạm Văn Tiệp, Hiệu trưởng trường Tiểu học - THCS Thổ Châu nhận xét thầy Hùng là tổ trưởng chuyên môn, thầy giáo có trách nhiệm ở trường và từng có nhiều tác phẩm đăng trên tạp chí Văn nghệ của tỉnh Kiên Giang. Thầy rất gần gũi với học sinh, được các học sinh và phụ huynh quý mến. Thầy Tiệp chia sẻ không chỉ thầy Hùng mà với tất cả thầy cô trên đảo, được gắn bó với các em thì ngày nào cũng là 20/11.

Khi được hỏi về điều ước trong ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, thầy Hùng mong muốn trường học được xây dựng khang trang hơn, việc đi lại giữa đảo và đất liền thuận tiện hơn để học trò có điều kiện cọ xát với học sinh trên đất liền.

Về phần mình, thầy chỉ muốn có sức khỏe thật tốt để tiếp tục gắn bó với học sinh trên đảo Thổ Châu tới khi có quyết định nghỉ hưu mới thôi.

Với những cống hiến của mình cho trường Tiểu học - THCS Thổ Châu trong suốt 14 năm, thầy Hùng là một trong 42 cá nhân được vinh danh tại lễ tuyên dương giáo viên tiêu biểu năm 2016 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức ngày 12/11 tại Hà Nội.

Theo Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/thay-giao-14-nam-cam-dao-ngay-nao-voi-toi-cung-la-2011-94675/