Thấy gì từ bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2016?

Mảng sáng của bức tranh chính là việc hầu hết các nhà băng đều báo lợi nhuận tăng trưởng so với năm trước. Tuy vậy, vẫn còn những mảng màu tối khi cả tỷ lệ và quy mô nợ xấu đều tăng trong khi trích lập dự phòng tiếp tục là gánh nặng đối với ngân hàng.

Biểu đồ: BizLIVE

Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2016 đã dần trở nên rõ nét khi hơn 10 nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh. Điểm chung dễ dàng nhìn thấy là lợi nhuận năm nay của phần lớn các ngân hàng đều có sự cải thiện dù trích lập dự phòng vẫn tăng khá mạnh. Mặc dù vậy, nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh của các nhà băng khi cả quy mô và tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng tại một số ngân hàng.

Giảm phụ thuộc vào hoạt động tín dụng

Thống kê 10 ngân hàng Việt Nam mới công bố báo cáo tài chính quý IV/2016 gồm Ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SHB, MBB, Sacombank, ACB, VIB, NCB và Eximbank cho thấy, tổng thu nhập lãi thuần năm 2016 đạt hơn 95.538 tỷ đồng, tăng trưởng 14,7% so với năm 2015.

Mặc dù vậy, tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập hoạt động của nhóm ngân hàng này đã giảm xuống còn 79,46%%, so với mức 80,47% cùng kỳ năm trước. 9/10 ngân hàng trong nhóm khảo sát cho thấy tỷ trọng thu nhập lãi thuần giảm so với năm 2015.

Với xu hướng này, có thể thấy thu nhập của các ngân hàng đang giảm dần phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.

Với tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập năm 2016 chỉ còn 82,52%, từ mức 89,43% cùng kỳ năm trước, Eximbank là một trong những nhà băng có sự chuyển biến mạnh nhất trong cơ cấu thu nhập.

Kết thúc năm 2016, Eximbank đạt hơn 3.082 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 9,3% so với năm 2015. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh nghoại hối và từ mua bán chứng khoán đầu tư lại có sự chuyển biến rõ rệt khi tăng lần lượt từ 62,7 tỷ đồng lên gần 260 tỷ đồng và từ lỗ hơn 34 tỷ đồng thành lãi gần 25 tỷ đồng.

Sacombank cũng nằm trong số các nhà băng có thu nhập lãi thuần giảm khá mạnh trong cơ cấu nguồn thu năm 2016, với hơn 5.119 tỷ đồng, tương đương 72,59%, trong khi cùng kỳ năm trước, con số này là 78,16%. Trong khi tỷ trọng thu nhập lãi thuần giảm khá mạnh, năm 2016 lại chứng kiến sự lên ngôi của hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối.

Cụ thể, trong năm, hoạt động dịch vụ chiếm tới 20,11% tổng thu nhập lãi thuần khi mang về cho Sacombank khoản lãi lên tới 1.418 tỷ đồng, chỉ đứng sau con số tuyệt đối của ba “ông lớn” Nhà nước là Vietcombank, Vietinbank và BIDV. Trong khi đó, doanh thu thuần từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng 67,9%, đạt 267 tỷ đồng và chiếm 3,8% tổng thu nhập lãi thuần.

Cả tỷ lệ và quy mô nợ xấu đều tăng

Qua khảo sát, 6/10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2015, bao gồm Vietinbank, BIDV, Eximbank, SHB, VIB và Sacombank.

Đứng ở vị trí "quán quân" về tỷ lệ nợ xấu ở thời điểm hiện tại chính là Sacombank với 5,35% tổng dư nợ, tăng mạnh so với mức 1,86% hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng khủng 6,6 lần lên gần 1.525 tỷ đồng so với mức 231 tỷ đồng cuối năm 2015. Nợ nghi ngờ tăng tới 13,9 lần, lên 2.046 tỷ đồng trong khi nợ có khả năng mất vốn cũng tăng gấp 2,3 lần lên hơn 7.071 tỷ đồng.

Đứng thứ hai trong số những ngân hàng có nợ xấu cao trong nhóm khảo sát là ngân hàng Eximbank khi tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên 2,95%, so với mức 1,86% trong năm 2015. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn của ngân hàng tăng vọt gấp 5,8 lần cùng kỳ trong khi nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 41,1%, lên hơn 1.132 tỷ đồng.

Với gần 1.550 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 2,58% tổng dư nợ, VIB đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ ba. Năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 2,07%. Dù nợ dưới tiêu chuẩn được cải thiện tốt khi giảm tới 70%, còn hơn 40 tỷ đồng nhưng nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn lại tăng lần lượt 71,3% và 77,4% so với năm 2015.

Xét về con số tuyệt đối, thì 7/10 ngân hàng khảo sát đều có số nợ xấu tăng, trong đó, đứng đầu đang là BIDV với tổng số nợ xấu lên tới hơn 14.177 tỷ đồng, tăng hơn 4.123 tỷ đồng, tương đương tăng 41% so với năm 2015 và chiếm 1,96% tổng dư nợ (cuối năm 2015, con số này là 1,68%). Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng chiếm tới 48,7% tổng nợ xấu, đạt gần 6.906 tỷ đồng.

Đứng thứ hai là Sacombank với hơn 10.643 tỷ đồng nợ xấu trong năm trong khi Vietcombank đứng thứ ba với 6.636 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 1,48% tổng dư nợ.

Với hơn 6.742 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 1,02% tổng dư nợ, Vietinbank đang là ngân hàng có số nợ xấu cao thứ tư. Con số này đã tăng hơn 1.800 tỷ đồng, tương đương 36,4% so với năm 2015. Trong đó, nhóm nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng chiếm tới 56,5% tổng nợ xấu và tăng 36,6% so với cùng kỳ.

Trích lập dự phòng tiếp tục là “gánh nặng”

Thống kê 10 ngân hàng cho thấy, 7/10 ngân hàng tăng trích lập dự phòng cho năm 2016 với tổng trích lập dự phòng của 10 ngân hàng đạt 27.751 tỷ đồng, tăng 13,93% so với năm 2015.

Mặc dù trích lập dự phòng rủi ro đã “bào mòn” không ít lợi nhuận của ngân hàng, nhưng sức ảnh hưởng của nó đến đâu thì lại phụ thuộc vào “sức khỏe” của từng nhà băng.

Như BIDV, ngân hàng trích lập dự phòng mạnh nhất nhóm khảo sát, và nhiều khả năng là ngân hàng trích lập nhiều nhất trong hệ thống, với mức trích lập lên tới gần 9.274 tỷ đồng trong năm 2016, tăng tới 63,4% so với năm 2015. Theo đó, mặc dù lợi nhuận thuần của ngân hàng tăng mạnh tới 24,8% so với cùng kỳ, nhưng do trích lập dự phòng “ăn mòn” tới hơn nửa nên lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt gần 7.735 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,7% so với cùng kỳ.

Tương tự, SHB cũng nằm trong top các ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng trong năm qua. Riêng trong quý IV/2016, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã đánh bay hơn 72% lợi nhuận của SHB trong quý IV, ghi nhận mức chi phí 797 tỷ đồng; cả năm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 1.267,8 tỷ đồng, tăng 57,14% so với năm 2015. Theo đó, kết thúc năm 2016, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ghi nhận hơn 1.164 tỷ đồng, chỉ tăng 13,4% dù lợi nhuận thuần tăng tới 33,1%.

Ngân hàng ACB cũng dành tới gần 655 tỷ đồng cho việc trích lập dự phòng trong quý IV/2016, gấp 10 lần cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2016, tổng trích lập dự phòng của ngân hàng đạt gần 1.218 tỷ đồng, tăng 37,67% so với năm 2015.

Trong khi đó, dù lợi nhuận vẫn ở mức cao nhưng hai “ông lớn” Vietcombank và Vietinbank tiếp tục mạnh tay trích lập dự phòng. Cụ thể, Vietcombank trích lập tới hơn 6.410 tỷ đồng trong năm 2016, tăng 5,6% so với cùng kỳ trong khi Vietinbank cũng dành tới gần 4.679 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2015 cho khoản mục này.

Dù con số trích lập dự phòng vẫn chiếm một khoản tương đối lớn trên bản báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, một điều đáng mừng là lợi nhuận của đa số nhà băng đều chứng kiến sự tăng trưởng so với năm trước.

Trong nhóm khảo sát, ngoại trừ BIDV và Sacombank, các ngân hàng khác đều có lợi nhuận tăng trưởng từ 10 đến vài chục % so với năm 2015. Trong đó, đáng chú ý có trường hợp của Eximbank khi ngân hàng này báo lợi nhuận năm lên tới hơn 390 tỷ đồng, tương đương tăng 542% so với 2015. Hai “ông lớn” là Vietcombank và Vietinbank tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá tốt là 24,75% và 16,1%.

Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán VCBS, hiện nay, biện pháp chính để xử lý nợ xấu vẫn là các TCTD tự xử lý, đặc biệt thông qua trích lập dự phòng. Năm 2017 là năm thứ 4 các TCTD thực hiện trích lập 20% giá trị trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho VAMC. Theo đó, các TCTD có số dư trái phiếu đặc biệt lớn tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chi phí dự phòng. Ngược lại, 1 số ít các TCTD có chế độ quản trị rủi ro tốt và đã quyết liệt xử lý nợ quá khứ sẽ giảm trích lập và đi lên. Do đó, bức tranh toàn ngành nhiều khả năng tiếp tục chứng kiến sự phân hóa. Theo đó, VCBS cho rằng, triển vọng ngành ngân hàng sẽ còn nhiều thách thức trong năm 2017. Mặc dù vậy, cơ hội vẫn có từ các ngân hàng riêng đã xử lý nợ xấu tốt quá khứ và có triển vọng tăng trưởng cao.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/thay-gi-tu-buc-tranh-loi-nhuan-ngan-hang-nam-2016-2492318.html