Thấy gì qua hoạt động thương mại hai tháng đầu năm?

Hoạt động thương mại là một điểm sáng nổi bật trong hai tháng đầu năm 2024, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trở lại và ghi nhận xuất siêu kỳ hai tháng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, bức tranh này cũng xuất hiện những mảng màu cần đặc biệt chú ý.

Tăng trưởng mạnh mẽ

Tiếp nối đà phục hồi từ quí 4-2023, hoạt động thương mại của Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2024, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai tháng đầu năm nay tăng mạnh 18,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 113,96 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, xuất khẩu tăng 19,2%, nhập khẩu tăng 18%, giúp cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỉ đô la, đánh dấu mức xuất siêu kỳ hai tháng đầu năm cao nhất trong 10 năm qua.

Nếu nhìn vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 96,1 tỉ đô la, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó dù xuất siêu 3,5 tỉ đô la nhưng là nhờ xuất khẩu giảm 9,9% và nhập khẩu giảm mạnh hơn – đến 16,7%, mới thấy kết quả hai tháng đầu năm nay tích cực như thế nào. Đây là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới vẫn căng thẳng, chuỗi cung ứng tiếp tục tái sắp xếp và các nền kinh tế lớn như Mỹ vẫn trong xu hướng tách rời.

Tuy nhiên, xét theo cơ cấu đối tác thương mại, số liệu nhập siêu tăng vọt từ Trung Quốc trong hai tháng đầu năm nay là rất đáng chú ý. Cụ thể, trong khi thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ ghi nhận suất siêu ước đạt 15,2 tỉ đô la, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2023 thì nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 12,8 tỉ đô la, tăng mạnh 98,2% so với cùng kỳ. Ngược lại, nhập siêu từ hai đối tác thương mại lớn khác sụt giảm, gồm nhập siêu từ Hàn Quốc giảm 4,3% xuống còn 3,7 tỉ đô la và nhập siêu từ ASEAN giảm 21,9% xuống còn 1 tỉ đô la.

Trước đó, trong năm 2023, nhập siêu từ Trung Quốc là 49,9 tỉ đô la, giảm 17,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 29,1 tỉ đô la, giảm 23,3%; nhập siêu từ ASEAN 8,3 tỉ đô la, giảm 37,2%. Như vậy, trong khi xu hướng giảm nhập siêu từ Hàn Quốc và ASEAN vẫn đang tiếp diễn, nhập siêu từ Trung Quốc đã sớm chuyển từ giảm sang tăng rất mạnh trở lại, với giá trị nhập siêu từ Trung Quốc chỉ mới hai tháng đầu năm nay đã tương đương 25,6% của cả năm 2023.

Điều này phần nào phản ánh hệ quả tất yếu của xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư, tái sắp xếp chuỗi cung ứng và di dời nhà máy từ công xưởng sản xuất của thế giới là Trung Quốc sang các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong những năm gần đây. Ngoài ra, trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung vẫn đang kéo dài, không loại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chọn Việt Nam như là điểm trung gian để xuất khẩu hàng hóa qua Mỹ nhằm tránh thuế, cũng như qua các thị trường khác nhằm tận dụng những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Cụ thể hơn, có tới năm nhóm hàng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch tỉ đô chỉ trong hai tháng qua, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; vải các loại; sắt thép. Trong khi đó, Việt Nam cũng lại xuất khẩu các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch trên tỉ đô ra các thị trường trên thế giới.

Những nỗi lo ngại

Dù tổng thể nền kinh tế vẫn đang ghi nhận xuất siêu lớn, nhưng xu hướng nhập siêu từ Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – tăng vọt chỉ trong hai tháng đầu năm nay cũng mang đến không ít lo ngại. Tình hình này nếu tiếp tục kéo dài, cộng thêm các đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường lớn của Việt Nam không phục hồi nhanh như kỳ vọng, có thể ảnh hưởng tiêu cực lên cán cân thương mại trong giai đoạn tới.

Số lượng đơn đặt hàng mới tuy tăng tháng thứ hai liên tiếp nhưng chỉ là mức tăng nhẹ và tốc độ tăng đã chậm lại. Những cuộc tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ của lực lượng Houthi tại Yemen vẫn chưa dừng lại, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường châu Âu.

Ngoài ra, sau giai đoạn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng mạnh mẽ, hoạt động nhập khẩu thời gian tới có thể tăng trưởng mạnh hơn cũng là hệ quả tất yếu. Bởi vì, các tập đoàn đa quốc gia sau khi rót vốn đầu tư, bước kế tiếp sẽ tiến hành nhập khẩu máy móc thiết bị, linh kiện, nguyên vật liệu để sớm vận hành nhà máy và đưa vào sản xuất.

Số liệu thống kê cho thấy vốn FDI thực hiện tại Việt Nam sau khi đạt 23,18 tỉ đô la trong năm 2023, tăng 3,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2019 đến nay; hai tháng đầu năm nay tiếp tục ghi nhận đạt 2,8 tỉ đô la, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của kỳ hai tháng trong năm năm qua. Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,17 tỉ đô la, chiếm 77,5% tổng vốn FDI thực hiện.

Cuối cùng, với triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay khả quan hơn, các doanh nghiệp nội địa sẽ có động lực mở rộng đầu tư trở lại và phát triển sản xuất kinh doanh mạnh mẽ hơn. Xu hướng này cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động nhập khẩu máy móc và nguyên, nhiên, vật liệu, tăng cường tích trữ hàng tồn kho nhiều hơn để chuẩn bị cho chu kỳ kinh tế kế tiếp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu hai tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 51,47 tỉ đô la, chiếm tỷ trọng lên đến 94,2%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm đến 47% còn nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,2%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 3,15 tỉ đô la, chỉ chiếm 5,8%.

Nếu xét theo khu vực, trong con số xuất siêu tổng thể 4,72 tỉ đô la, khu vực kinh tế trong nước vẫn đang nhập siêu 3,53 tỉ đô la; khu vực FDI duy trì xuất siêu 8,25 tỉ đô la. Việc các doanh nghiệp trong nước phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu triền miên, trong khi hoạt động xuất khẩu của Việt Nam lại chịu tác động lớn bởi các doanh nghiệp nước ngoài, cũng là mảng màu xám trong bức tranh thương mại suốt những năm qua.

Tuệ Nhiên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thay-gi-qua-hoat-dong-thuong-mai-hai-thang-dau-nam/