Thay đổi tên gọi của Tòa án tỉnh và huyện sẽ tốn không ít ngân sách

Theo đại biểu Lê Thị Song An (Long An), thay đổi tên gọi Tòa án nhân dân cấp tỉnh và huyện thành Tòa án nhân dân phúc thẩm và sơ thẩm sẽ tốn không ít ngân sách; trong khi mô hình hiện nay vẫn hợp lý.

Quang cảnh thảo luận tại tổ

Cân nhắc, giữ nguyên mô hình Tòa án 4 cấp

Tại phiên thảo luận tổ 7 chiều 9.11, các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết ban hành dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, dự thảo Luật còn có một số quy định chưa phù hợp với điều kiện hiện nay.

Cụ thể, đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) cho rằng không nên đổi tên gọi Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử.

Theo dự thảo Luật, tổ chức của Tòa án nhân dân sẽ bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân phúc thẩm; Tòa án nhân dân sơ thẩm; Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt....

Như vậy, Tòa án nhân dân phúc thẩm sẽ thay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp huyện và thành lập thêm Tòa an nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) phát biểu

Đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, qua thực tiễn nhận thấy mô hình Toàn án 4 cấp hiện nay phát huy hiệu quả rất tốt, bảo đảm tính độc lập trong xét xử và chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.

Nếu mô hình tòa án thay đổi theo như dự thảo Luật sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến toàn bộ hệ thống của các Cơ quan tiến hành tố tụng để tương ứng trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Quy định như dự thảo Luật thì tất cả án án sơ thẩm phát sinh sẽ do Tòa án sơ thẩm giải quyết, nguồn nhân lực sẽ tập trung về cấp sơ thẩm. Tòa án sẽ phải xây dựng thêm hoặc xây dựng mới hơn gần 800 trụ sở Tòa án sơ thẩm mới, sẽ tiêu tốn không ít ngân sách Nhà nước, đại biểu Lê Thị Song An nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Luật hình sự quy định thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ: “Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện…” (Điều 269) và quy định Thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện nói chung theo loại tội phạm: Ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng… có khung hình phạt đến 15 năm tù. Các vụ án phức tạp có yếu tố nước ngoài, hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sẽ do Tòa án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm. Tòa án cấp cao xét xử phúc thẩm.

Quy định này vẫn bảo đảm nguyên tắc xét xử 2 cấp và có xem xét tính chất quan trọng của vụ án vừa phân công công việc hợp lý giữa “cấp tỉnh và cấp huyện và không đổ dồn án hết cho “cấp dưới”, dễ gây quá tải không hợp lý.

Nếu theo quy định dự thảo Luật thì không tính tội phạm xảy ra theo lãnh thổ cũng như không phân định loại tội phạm đều là Tòa án sơ thẩm giải quyết hết. Đến khi xảy ra tội phạm cơ quan điều tra nơi nào sẽ tiếp nhận...?

Đại biểu Lê Thị Song An đề nghị giữ nguyên mô hình Tòa án 4 cấp như hiện hành. "Chúng ta chỉ cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới".

Xem xét quyền thu thập chứng cứ của Tòa án

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thị Song An cũng cho rằng, tại Điều 15, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

Tờ trình của Tòa án cho rằng: Trong vụ án hình sự, trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng để xét xử. Tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 15 dự thảo quy định:Tòa án hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Quy định này hiện tại chưa phù hợp, do đó cần cân nhắc giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành về quyền thu thập chứng cứ của Tòa án, đại biểu Lê Thị Song An đề xuất.

Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) phát biểu

Cùng quan điểm, theo đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Thái Nguyên), liên quan đến chứng minh tội phạm trách nhiệm của cơ quan điều tra, viện kiểm sát là đương nhiên, nhưng có một số trường hợp liên quan đến thu thập chứng cứ không phải chứng cứ buộc tội. Chính vì vậy, trong một số trường hợp đặc biệt Tòa án vẫn phải thu thập chứng cứ thì mới đảm bảo quy định của Luật.

Trúc Oanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/thay-doi-ten-goi-cua-toa-an-tinh-va-huyen-se-ton-khong-it-ngan-sach-i349447/