Thầy của con tôi và chiếc phong bì trả lại

Sáng nay, như nhiều người và như mọi năm, tôi cũng len lén cầm theo phong bì rồi nhìn trước ngó sau dúi vội vào tay thầy cùng mấy cô dạy dỗ hai con. Nhưng đáp lại là lời cảm ơn và xin lỗi không nhận! Nhẹ nhàng nhưng rất cương quyết. Với tôi, đó là niềm vui không hề nhẹ…

Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Cả hai đứa con của tôi đều trải qua thời tiểu học rồi cả THCS với những câu hỏi và ánh mắt hồ nghi quanh những phong bì dúi vội mà đôi khi thầy cô thản nhiên nhận ngay trước mặt các con. Tôi không hề trách và cũng chẳng coi thường vì những việc tương tự không có trong dịp 20.11 mới là chuyện lạ, chuyện ngược đời trong thời buổi này. Họ cũng như tôi và hàng triệu người khác, với nỗi lo cơm áo gạo tiền gói gọn trong đồng lương còm cõi và trông chờ những khoản ngoài. Chẳng phải là số đông nhưng cũng không hẳn là số ít.

Những điều trên đã ăn sâu, có lẽ không chỉ vào não của vài phụ huynh như tôi, để tôi lại tiếp tục khi con chuyển trường, chuyển cấp. Năm đầu ngại ngần, chỉ là chiếc card điện thoại hay gói quà nho nhỏ. Tôi nhận lại lời cám ơn và nhắc nhẹ, “anh đừng làm thế nữa, cháu ngoan là món quà quý của chúng tôi rồi”. Tưởng chỉ một hai cô, nhưng không, hầu hết phụ huynh đều kể lại như thế. Tưởng chỉ mình trường cháu, nơi lương cũng kha khá, nhưng không, tôi đã nhẩm, đếm gần 10 trường trong thành phố mình ở qua chuyện trò với bố mẹ khác. Và hôm nay là lời cương quyết chối từ, dù phong bì ấy cũng không nhỏ lắm so với lương của thầy cô. Với tôi, đây là lần bị từ chối hiếm hoi trong buổi sáng đẹp lạ...

Tôi vừa đọc được tự sự của Đỗ Sông Hương, một giáo viên có 15 năm trong nghề. Hương viết: “Năm đầu vào nghề, tôi từng sốc khi có một vài học sinh mang phong bì lên dúi vào tay tôi với lời chúc nhân dịp 20.11. Trải qua gần 15 năm trong nghề, năm nào, tôi cũng phải đối mặt và xử lý những trường hợp hồn nhiên đến tội nghiệp đó. Hôm nay, đến trường, tôi sẽ nhận được những tình cảm chân thành của những bậc cha mẹ muốn nói lời cảm ơn. Nhưng tôi có thể cũng phải bối rối với những chiếc phong bì được học trò dúi vội”.

Tôi không quá lạc quan để nói rằng, rất nhiều phụ huynh may mắn như tôi, nhưng cũng đừng quá bi quan bạn ạ! Tôi tin rồi sẽ có nhiều cô giáo như Hương, như thầy của con tôi và những chiếc phong bì trên giảng đường vào ngày 8.3, 20.11 hay lễ tết sẽ biến mất dần. Thay vào đó là những món quà khiến không ai phải bối rối. Nhưng là gì thì thú thật tôi chưa biết gọi tên giữa thói quen phong bì đang lấn át này.

Bạn bè là giáo viên không ít, xung quanh là thầy cô cũng nhiều nên tôi biết cực chẳng đã, đại đa số mới nhận phong bì với tâm trạng không ít thì nhiều có áy náy, có ngại ngần và đôi khi cả ngượng ngùng. Còn ai đó xem như chuyện bình thường hay phụ huynh phải thế thì xin miễn bàn. Ai bảo chuyện tôi đang viết chỉ là số rất nhỏ xin miễn bình luận.

Một khi chúng ta mong muốn điều tốt đẹp đến nhiều hơn, vậy cớ gì lại không ủng hộ và vỗ tay cho những thầy cô nói không với phong bì như thế nhỉ?

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Hiếu Lân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/thay-cua-con-toi-va-chiec-phong-bi-tra-lai-612266.bld