Thấp thỏm sống cạnh nhà máy giấy nguy cơ ô nhiễm (2)

* Bài 2: Sống âu lo bên ống xả thải nhà máy giấy

* Bài 2: Sống âu lo bên ống xả thải nhà máy giấy

Trong lúc tỉnh Quảng Ngãi đang loay hoay xử lý vấn đề dây chuyền, máy móc thiết bị nhà máy giấy cũ được Công ty CP bột – giấy VNT19 nhập về thì người dân xã Bình Trị phản ứng mạnh khi họ biết tin nhà máy giấy xả nước thải ra biển Lệ Thủy.

Người dân không đồng ý xả thải ra biển, nơi mưu sinh của họ mà cả chính quyền xã lẫn tỉnh Quảng Ngãi cũng lo ngại đường ống xả thải này.

Máy móc, thiết bị cũ được nhà máy nhập về để ngoài sân nhà máy cho thấy đã cũ, bóc sơnchuẩn bị lắp ráp hoạt động. Ảnh: L.NINH

Dân nói “không” xả thải ra biển

Mới đây, khi một đơn vị đo vẽ, khảo sát để làm tuyến ống xả thải của Nhà máy bột - giấy VNT19 đổ ra vịnh Việt Thanh (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, H. Bình Sơn) thì người dân Lệ Thủy đã phản ứng dữ dội, cản trở công việc khảo sát và họ bắt đầu những ngày sống trong lo âu. Theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án của Bộ TN-MT tháng 9-2015, dự án ngoài việc lắp mới một dây chuyền sản xuất bột giấy còn lắp mới tuyến ống thoát nước thải từ nhà máy ra biển dài 5,2 km; một hệ thống xử lý nước thô công suất 73.000 m3/ngày đêm; một hệ thống xử lý nước thải công suất 73.000 m3/ngày đêm;… Khu vực xả thải dự án là vịnh Việt Thanh, đầu ống cách bờ biển từ 500- 1.500m.

Có mặt tại biển Lệ Thủy, chúng tôi chứng kiến nơi nhiều tàu thuyền, thúng ngư dân vẫn đánh bắt thủy sản, vớt rong mơ. Nhiều người dân tập trung, đầy tâm trạng và lo ngại kể từ khi hay tin ống xả thải nhà máy giấy chảy ra biển Lệ Thủy, nơi bốn, năm đời ngư dân ở đây sinh sống đều bám vào bãi biển. Ông Phan Văn Đông, Bí thư Đảng ủy xã Bình Trị nói, thôn Lệ Thủy có hơn 2.000 dân thì phần lớn sống bằng nghề biển. Ngư dân lo sợ khi xả thải ra biển, nếu xảy ra ô nhiễm thì hải sản biến mất, nguồn sinh kế không còn thì dân rất khốn khó. Còn về lâu dài, việc phát triển Khu đô thị Vạn Tường chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. “Khi nghe tin nhà máy bột giấy đưa đường ống xả ra biển Lệ Thủy là người dân không chịu, xã cũng không đồng tình”, ông Đông khẳng định. Ông kiến nghị, ở KKT Dung Quất có một vùng nước công nghiệp, cấm đánh bắt cá, dân cư không có, nó ở gần nhà máy đóng tàu, nhà máy thép Hòa Phát,... nên nhà máy giấy xả thải xuống khu vực đó phù hợp.

Sơ đồ hướng tuyến nước thải nhà máy giấy ra biển vịnh Việt Thanh (biển Lệ Thủy) bị người dân phản ứng. Ảnh: V.HÙNG

Dời xả thải từ… sông ra biển

Ông Đông kể, ban đầu nhà máy thiết kế xả thải ra sông Cà Ninh (xã Bình Phước) gần nhà máy, chảy thông ra sông Trà Bồng nhưng giờ lại chuyển hướng thải ra biển Lệ Thủy xa hơn 5km. Thải ra sông Trà Bồng, lập tức H. Bình Sơn phản ứng vì đây là tuyến sông huyết mạch chạy qua thị trấn Châu Ổ, nhiều hộ dân nuôi thủy sản, là nguồn nước tưới, sinh hoạt của huyện. Tài liệu cho thấy, hồi tháng 1-2016, BQL KKT Dung Quất có văn bản đề nghị Sở Xây dựng xem xét, thống nhất trình UBND tỉnh điều chỉnh vị trí, hướng tuyến thoát nước thải nhà máy bột giấy ra sông Cà Ninh chuyển ra biển Lệ Thủy. Ông Đàm Minh Lễ xác nhận, giữa thải ra biển và ra sông Trà Bồng thì thải ra biển tác động môi trường ít hơn. Dân quan tâm là thải ra biển bằng đường ống ngầm sẽ không kiểm soát được. Phương án thải ra biển vẫn là tối ưu vì lượng nước thải lớn. Bây giờ phải quay lại sông Trà Bồng thì đó là vấn đề lớn. “Quan trọng là phải quản lý, kiểm soát tuyệt đối để không xảy ra sự cố môi trường, chứ còn xảy ra thì chắc chắn là phải đóng cửa nhà máy. Sắp tới Bộ TN-MT sẽ vào kiểm tra dự án này”, ông Lễ nói.

Hai năm qua, nhiều sở, ngành, H. Bình Sơn đề nghị điều chỉnh hướng tuyến thoát nước thải nhà máy bột - giấy VNT19 ra biển Lệ Thủy nhưng UBND tỉnh Quảng Ngãi rất cẩn trọng, chưa phê duyệt. Tỉnh chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến cộng đồng nhằm tạo sự đồng thuận người dân, tránh làm ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, sinh kế người dân. Ông Đông xác nhận đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa tổ chức họp dân để thu thập ý kiến về vị trí xả thải biển Lệ Thủy.

Người dân mưu sinh trên rừng dừa nước xã Bình Phước mà sắp tới đây bị khai tử, không có nơi trồng lại rừng thay thế.

Ngày 3-4 vừa qua, ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn gửi Bộ TN-MT cho rằng, “Qua sự cố môi trường Formosa, để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường khi dự án đi vào hoạt động, tỉnh đề nghị bộ có ý kiến chủ đầu tư lắp đặt đường ống ngầm dưới mặt nước (giống trường hợp nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh) có đảm bảo đúng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam hay không”. Công văn cũng nêu rõ vấn đề người dân và chính quyền hết sức quan tâm là việc kiểm soát chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường. Ông Căng cho rằng, trong ĐTM dự án đã được Bộ TN-MT phê duyệt không có xây dựng hồ chứa nước thải trước khi thải ra biển để làm cơ sở đối chứng. Tỉnh đề nghị bộ yêu cầu chủ đầu tư xây dựng hồ chỉ thị sinh học (hồ nuôi cá) để kiểm chứng chất lượng nước thải sau khi xử lý và trước khi thải ra biển.

Quang Sơn – Lê Ninh

Phải họp lấy ý kiến dân vị trí xả thải

Liên quan đến các vấn đề về thiết bị, môi trường của dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 (Báo Công an TP Đà Nẵng đề cập trong loạt bài “Thấp thỏm sống cạnh nhà máy giấy nguy cơ ô nhiễm”), UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn gửi Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh, Sở TN-MT, Công an tỉnh, H. Bình Sơn về công tác bảo vệ môi trường dự án. Tỉnh yêu cầu Sở TN-MT có biện pháp cương quyết yêu cầu chủ đầu tư dự án,Công ty CP bột - giấy VNT19 phải tổ chức thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về vị trí xả của tuyến nước thải dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 (từ xã Bình Phước qua xã Bình Trị trước khi xả ra biển vịnh Việt Thanh – PV) trước khi khảo sát địa hình, thi công đường ống xả thải theo đúng ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị trên cử cán bộ lãnh đạo có năng lực, kinh nghiệm về lĩnh vực môi trường tham gia và phối hợp chặt chẽ với đoàn kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy bột - giấy VNT19. Đồng thời tiếp tục kiến nghị với đoàn kiểm tra của Tổng Cục môi trường về một số vấn đề liên quan đến dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 đã được tỉnh có ý kiến gửi Bộ TN-MT.

Trước đó, tháng 4-2017, khi đơn vị được Công ty bột - giấy VNT19 hợp đồng tiến hành đo vẽ, khảo sát địa hình, địa chất để lắp đặt, xây dựng tuyến ống xả nước thải của nhà máy ra vịnh biển Việt Thanh (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, H. Bình Sơn) thì bị người dân phản ứng, cản trở không cho triển khai. Sau đó dự án này cũng được UBND tỉnh phát hiện nhiều vấn đề, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và báo chí phản ảnh, ngày 11-5 tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường có quyết định về việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy bột - giấy VNT19.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_166486_tha-p-tho-m-so-ng-ca-nh-nha-ma-y-gia-y-nguy-co-o-n.aspx