Thắp sáng tinh thần công bằng - nước - hòa bình

Lễ thắp đuốc - sự kiện quan trọng của Olympic Paris 2024 - diễn ra ngày 16/4 tại tàn tích Đền Hera 2.600 năm tuổi ở thị trấn nhỏ Peloponnese (Tây Nam Hy Lạp), nơi Thế vận hội ra đời vào năm 776 trước Công nguyên.

Nữ diễn viên Hy Lạp Mary Mina giơ cao ngọn đuốc trong buổi tổng duyệt ở Olympia cổ đại ngày 15/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Buổi lễ có sự tham dự của Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach, Bộ trưởng Thể thao Pháp Amelie Oudea-Castera và Thị trưởng thành phố Paris Anne Hidalgo.

Theo Giám đốc nghệ thuật của buổi lễ Artemis Ignatiou, 48 nghệ sĩ đã được chọn tham gia lễ thắp đuốc linh thiêng, dựa trên diện mạo có nhiều điểm tương đồng các nhân vật trong những bức tượng hoặc các tác phẩm nghệ thuật thời Hy Lạp cổ đại. Trong nghi lễ truyền thống kéo dài khoảng 30 phút này, một nữ tư tế cấp cao sẽ thỉnh cầu sự giúp đỡ của thần Mặt Trời Apollo, sau đó dùng một chiếc gương parabol để hội tụ ánh sáng từ Mặt Trời và qua đó thắp sáng ngọn đuốc. Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, không thể sử dụng gương để thắp đuốc do nhiều mây, ngọn lửa được thắp lên trong buổi tổng duyệt một ngày trước đó sẽ được dùng để thay thế.

Lễ thắp đuốc Olympic Paris 2024 tạo nhiều dấu ấn mới so với những nghi lễ truyền thống trước đây. Ngọn đuốc của Olympic Paris 2024 được làm bằng thép đánh bóng nhẹ, mô phỏng hình ảnh phản chiếu của tháp Eiffel trên mặt nước gợn sóng của dòng sông Seine để truyền tải năng lượng hòa bình. Nhà thiết kế Mathieu Lehanneur cho biết tác phẩm của ông được lấy cảm hứng từ 3 yếu tố biểu tượng của Paris 2024: công bằng, nước và hòa bình. Tại lễ thắp đuốc, trang phục của các nữ tư tế có hai tông màu đen và trắng, khác hoàn toàn trang phục đơn sắc màu trắng hoặc xanh nhạt trước đây. Nền nhạc sử dụng trong nghi lễ này cũng đã được điều chỉnh một cách tinh tế để thể hiện văn hóa của quốc gia đăng cai Olympic.

Sau nghi lễ thắp đuốc truyền thống, nữ tư tế cấp cao sẽ truyền ngọn lửa cho vận động viên cầm đuốc đầu tiên: nhà vô địch chèo thuyền Olympic Stefanos Douskos, đánh dấu việc bắt đầu chặng chạy tiếp sức kéo dài 11 ngày ở Hy Lạp. Trong hành trình này, khoảng 600 người cầm đuốc sẽ mang ngọn lửa đi quãng đường 5.000 km qua 41 thành phố.

Ngọn lửa sau đó sẽ được trao cho đại diện Ban tổ chức Olympic Paris 2024 trong một buổi lễ tại sân vận động Panathenaic, nơi diễn ra Thế vận hội hiện đại đầu tiên năm 1896, vào ngày 26/4 trước khi "tạm dừng chân" một đêm tại Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Hy Lạp và ngày hôm sau sẽ khởi hành đến Pháp. Thay vì di chuyển trên bộ như thông thường, năm nay ngọn đuốc Olympic sẽ có hành trình bằng cả đường biển trên con thuyền vỏ thép ba cột buồm Belem - con thuyền cổ được hạ thủy chỉ vài tuần sau Thế vận hội Athens 1896.

Ngọn lửa Olympic sẽ băng qua Địa Trung Hải đến hải cảng Marseille nổi tiếng ở miền Nam nước Pháp vào ngày 8/5. Dự kiến khoảng 150.000 người sẽ tham dự lễ đón đuốc tại đây trước khi chặng chạy tiếp sức ở Pháp bắt đầu. Chặng này sẽ kéo dài 68 ngày và ngọn đuốc thiêng sẽ được thắp sáng tại lễ khai mạc Olympic Paris vào ngày 26/7 tới.

Nữ diễn viên Hy Lạp Mary Mina (trái) sử dụng gương parabol đón tia nắng Mặt Trời để đốt cháy ngọn đuốc trong buổi tổng duyệt ở Olympia cổ đại ngày 15/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Thế vận hội Olympic đang trở lại Paris sau một thế kỷ. Nhìn vào công tác chuẩn bị, có thể thấy Chính phủ Pháp đang hết sức nỗ lực để mang đến cho thế giới trải nghiệm Olympic độc đáo. Đặc sắc lớn nhất của kỳ Thế vận hội lần này là việc kết hợp tổ chức các hoạt động, sự kiện Olympic và quảng bá các di tích, thắng cảnh của thủ đô Paris. Trong đó đáng chú ý nhất là lễ khai mạc dự kiến trên sông Seine, khi khoảng 160 chiếc thuyền chở các đoàn thể thao và quan chức diễu hành trên sông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Olympic được khai màn trên một dòng sông, thay vì tại các sân vận động như truyền thống.

Năm nay cũng là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát (kéo theo các biện pháp áp đặt giảm quy mô sự kiện đối với Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2020 và Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022), khán giả sẽ có thể tham dự các sự kiện Olympic. Sẽ có tổng cộng 326.000 vé xem lễ khai mạc Olympic Paris 2024 được bán hoặc tặng miễn phí. Khán giả sẽ được chia thành hai nhóm, trong đó 104.000 khán giả trả tiền mua vé sẽ được bố trí ở gần bờ sông Sein (sân khấu chính của lễ khai mạc) hơn so với nhóm 222.000 người được nhận vé miễn phí.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một thách thức lớn cho công tác an ninh. Pháp liên tục là mục tiêu của các phần tử Hồi giáo cực đoan trong thập niên qua, đặc biệt là tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Nước Pháp đã nâng mức cảnh báo về an ninh lên cấp độ cao nhất sau vụ tấn công tại Moskva (Nga) ngày 22/3 vừa qua. Trong thời gian diễn ra Olympic 2024, nước chủ nhà sẽ triển khai 18.000 binh sĩ cho công tác an ninh. Ngoài ra, khoảng 2.000 binh sĩ và cảnh sát nước ngoài sẽ được điều tới Paris để tăng cường an ninh trong dịp Olympic này.

Trước sự mong đợi của toàn cầu, chính quyền Pháp đang nỗ lực hết sức, gấp rút hoàn tất những khẩu chuẩn bị cuối cùng, không cho phép xảy ra bất kỳ sai sót nào từ an ninh, môi trường cho tới điều kiện sinh hoạt và đi lại của du khách tới dự Olympic. Ông Jimmy Brun, người phát ngôn của nhà điều hành vận tải Paris 4376 cho biết sẽ huy động 19.000 nhân viên cùng với 3.000 tình nguyện viên hướng dẫn du khách trong toàn thành phố, đặc biệt tại các địa điểm tổ chức sự kiện để giúp điều tiết giao thông.

Du lịch tại Paris được kỳ vọng sẽ bùng nổ, đem lại nguồn thu nhập khổng lồ cho nước Pháp nhân dịp này với lượng khách quốc tế dự kiến tăng 15%. Các món đồ lưu niệm như áo phông, mũ, đồ chơi bằng gỗ, quả cầu tuyết là những mặt hàng được ưa chuộng nhất tại các cửa hàng quà tặng Olympic Paris 2024 ở trung tâm thành phố. Trong đó, linh vật của thế vận hội là chiếc mũ Phrygian - biểu tượng của cuộc cách mạng Pháp - được in trên rất nhiều sản phẩm và có sẵn dưới dạng đồ chơi, ba lô hoặc mũ, chính là điểm nhấn của những đồ lưu niệm này. Đối với nhiều người, việc có được những vật kỷ niệm về lần đầu tiên Paris đăng cai Thế vận hội sau 100 năm kể từ năm 1924 là điều vô cùng có ý nghĩa.

Ngọn đuốc được thắp sáng từ tàn tích đền cổ Hera đánh dấu một kỳ Olympic đang đến gần với phương châm "Games Wide Open" (Thế vận hội rộng mở)", thể hiện tinh thần "hòa nhập hơn, hữu nghị hơn và đẹp tươi hơn" của thế giới thông qua thể thao.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thap-sang-tinh-than-cong-bang-nuoc-hoa-binh-20240416142731026.htm