Thao túng giá cổ phiếu, người lĩnh án tù, người bị phạt tiền tỷ

Lập hàng chục tài khoản để tự mua bán cổ phiếu nhằm tạo cung - cầu giả, nhiều người vi phạm đã bị xử phạt hành chính, thậm chí phải nhận án tù.

Ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC) về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, không ít vụ việc tương tự đã xảy ra. Tùy tính chất, mức độ sự việc, có người bị xử phạt hành chính hàng tỷ đồng, có đại gia bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tạo cung - cầu giả

Đầu tháng 9/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có thông báo xử phạt 1,2 tỷ đồng đối với ông Lê Mạnh Thường (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân) và bà Phạm Thị Phương về hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM.

Theo cơ quan chức năng, tháng 8/2019, cổ phiếu FTM khiến thị trường chứng khoán Việt Nam “sốc” khi có chuỗi 30 phiên giảm giá sàn. Từ 23.650 đồng/cổ phiếu, mã FTM mất gần 90% giá trị khi giá giảm về 2.600 đồng/cổ phiếu.

Sự cố này không chỉ khiến các nhà đầu tư cá nhân thiệt hại mà khiến nhiều công ty chứng khoán lao dốc theo giá cổ phiếu FTM.

Giá cổ phiếu FTM có chuỗi 30 phiên liên tục giảm giá sàn. Ảnh: FireAnt.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định ông Thường và bà Phương đã sử dụng đến 50 tài khoản chứng khoán để giao dịch, nhằm tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu. Vụ việc khiến 12 công ty chứng khoán và một ngân hàng bị thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng.

Kết quả điều tra xác định hành vi của ông Thường chưa sinh lợi bất hợp pháp nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hai người này bị xử phạt 1,2 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 15/4/2020, ông Nguyễn Quang Vinh, một nhà đầu tư cá nhân, cũng bị UBCKNN xử phạt 550 triệu đồng về hành vi mua bán, tạo cung cầu giả thao túng giá cổ phiếu TAR (Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An).

Theo kết luận điều tra, ông Vinh đã sử dụng 35 tài khoản chứng khoán để liên tục mua - bán, giao dịch khớp chéo cổ phiếu.

Giữa năm 2020, một nhà đầu tư cá nhân khác bị UBCKNN buộc nộp lại số tiền thu lời bất chính 3,3 tỷ đồng, từ hành vi thao túng giá cổ phiếu. Cụ thể, ông Hoàng Đức Thuận có nhiều hành vi mua bán, giao dịch tạo cung - cầu giả đối với cổ phiếu DST của Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long.

Tương tự ông Thuận, năm 2017, bà Đỗ Thị Cẩm Thúy cũng bị buộc nộp lại gần 9,3 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính từ việc sử dụng 28 tài khoản chứng khoán, thao túng giá cổ phiếu SPI (Công ty Cổ phần SPI). Ngoài ra, bà Thúy còn bị xử phạt 600 triệu đồng.

Gần 1.500 nhà đầu tư bị thiệt hại

Tháng 5/2019, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử vụ án Thao túng thị trường chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức và Giả mạo trong công tác. Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định một số bị cáo đã có hành vi thao túng giá cổ phiếu Công ty Cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung - Công ty MTM.

Theo cáo buộc, tháng 6/2015, các bị cáo thỏa thuận, nhận hồ sơ pháp lý Công ty MTM để làm thủ tục đăng ký giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định công ty này không có vốn, không hoạt động kinh doanh nhưng sau đó vẫn được niêm yết lên sàn chứng khoán.

Do thực hiện các hành vi gian dối lừa đảo, thao túng giá cổ phiếu MTM, gây thiệt hại hơn 56 tỷ đồng, bị cáo Bùi Thiện Lý (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Đỗ Hữu Tài (trú quận Đống Đa, Hà Nội) nhận mức án 30 tháng tù treo, thời gian thử thách 5 năm về tội Thao túng chứng khoán.

Phiên tòa xét xử vụ án liên quan Công ty MTM. Ảnh: CAND.

Đến tháng 5/2020, TAND TP Hà Nội tuyên phạt 4 bị cáo Phạm Thị Hinh (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty KSA) 18 tháng tù, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Hồng Ngọc và Nguyễn Trọng Hùng cùng 15 tháng tù treo về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Cáo trạng xác định cuối năm 2015, bà Hinh thực hiện tăng vốn điều lệ Công ty KSA bằng cách phát hành thêm hơn 56 triệu cổ phiếu mã KSA. Tuy nhiên, sau khi phát hành, giá cổ phiếu này giảm mạnh, thanh khoản thấp. Bị cáo Hinh đã chỉ đạo Ngọc (nhân viên Công ty chứng khoán MSI) lập, sử dụng 69 tài khoản để thực hiện lệnh mua - bán, tạo cung cầu giả trên thị trường để thu hút các nhà đầu tư giao dịch mã cổ phiếu KSA.

Từ ngày 11/12/2015 đến ngày 8/7/2016, 1.496 nhà đầu tư bị thiệt hại hơn 8 tỷ đồng từ hành vi của nhóm bị cáo. Bên cạnh đó, 3 công ty chứng khoán cũng bị thiệt hại 761 triệu đồng.

Ngoài bị xử phạt tù giam, bị cáo Phạm Thị Hinh còn phải bồi thường số tiền thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Khám xét nơi làm việc của ông Trịnh Văn Quyết Tối 29/3, cảnh sát xuất hiện tại trụ Tập đoàn FLC (còn gọi là tòa nhà Bamboo Airways) ở đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội để khám xét nơi làm việc của ông Trịnh Văn Quyết.

Hải Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thao-tung-gia-co-phieu-nguoi-linh-an-tu-nguoi-bi-phat-tien-ty-post1305901.html