Thảo luận nhiều nội dung liên quan đời sống nhân dân

ĐBP - Kỳ họp thứ 10 - kỳ họp thường lệ cuối năm của HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang diễn ra nghiêm túc, sôi nổi với các vấn đề quan trọng, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trong ngày 8/12, tham gia thảo luận tổ, các đại biểu đã nêu ra, trao đổi nhiều nội dung quy định các chế độ, chính sách và nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 10 về đầu tư phát triển các dự án nông - lâm nghiệp, trong đó có nội dung thu hồi đất. Ảnh: Nhật Phương

Chế độ, chính sáchcho một số đối tượng

Kỳ họp này xem xét dự thảo nghị quyết liên quan đến chính sách hỗ trợ 2 lực lượng “chân rết” tại cơ sở. Đó là quy định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn tỉnh; quy định số lượng, mức chi bồi dưỡng hàng tháng đối với cộng tác viên dân số.

Tại kỳ họp, UBND tỉnh đã trình đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết “Quy định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn tỉnh”. Trong đó đề nghị mức hỗ trợ hàng tháng cho đội trưởng đội dân phòng là 16% lương tối thiểu vùng/tháng, đội phó đội dân phòng là 15% lương tối thiểu vùng/tháng. Nếu được thông qua và áp dụng từ 1/1/2023 theo đề xuất thì mỗi năm, tỉnh nhà sẽ chi hơn 17,7 tỷ đồng hỗ trợ cho 2.897 đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên toàn tỉnh.

Tham gia ý kiến về nội dung này, Thượng tá Giàng Páo Sính (Công an tỉnh) nêu vấn đề: Việc hỗ trợ cho lực lượng dân phòng là rất cần thiết và cần triển khai kịp thời để huy động, khuyến khích đội ngũ này tham gia tốt hơn nữa công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại cơ sở. Bởi lực lượng PCCC và cứu hộ cứu nạn tỉnh ta còn rất mỏng, phương tiện chữa cháy hạn chế, phạm vi hoạt động rộng... Toàn tỉnh chỉ có Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn, và Công an TX. Mường Lay có phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chuyên dụng. Vì thế lực lượng dân phòng có vai trò rất lớn trong việc chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, làm hạn chế sự phát triển của đám cháy, giúp giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra cháy tại khu dân cư. Mặt khác, lực lượng này đã giúp công an xã chính quy nắm bắt được thực trạng công tác PCCC, các cơ sở có nguy cơ cháy cao ở địa bàn; tham gia tuyên truyền, phòng ngừa và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC vững chắc ở cơ sở.

Về chính sách cho cộng tác viên dân số, đại biểu Nguyễn Quang Lâm, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) cũng chỉ ra: “Từ năm 2020 đã ghi nhận nhiều ý kiến của cử tri về hỗ trợ cho cộng tác viên dân số, đến nay mới xây dựng nghị quyết trình kỳ họp HĐND. Như vậy vẫn muộn so với yêu cầu thực tế đặt ra. Vì vậy nghị quyết cần được quan tâm, xem xét, sớm thông qua”.

Giải pháp cho nhiều nhiệm vụnăm 2023

Chiều ngày 8/12, các tổ đại biểu quan tâm thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch năm 2023. Trong đó có việc tiếp tục triển khai các công trình, dự án trọng điểm. Đại biểu Giàng Trọng Bình (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh) mong muốn: “Năm 2023, cần có giải pháp hữu hiệu thiết thực quan tâm, thực hiện tốt, và duy trì khí thế triển khai các chương trình trọng điểm đã triển khai, đặc biệt là Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên về đích đúng kế hoạch, góp phần thay đổi bộ mặt tỉnh nhà và nhân dân được thụ hưởng nhiều hơn”.

Giải pháp tăng thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 cũng là vấn đề được bàn luận với nhiều ý kiến, hướng phấn đấu đạt kết quả cao nhất, để tạo nguồn lực thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng của năm. Nhiệm vụ này ở các địa phương vẫn gặp không ít khó khăn. Đại biểu huyện Tuần Giáo thẳng thắn cho biết: Thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất của huyện năm 2022 chưa đạt kế hoạch giao (giao 18 tỷ nhưng dự ước đạt 6,6 tỷ) do liên quan đến phê duyệt quy hoạch kế hoạch sử dụng đất còn chậm.

Một trong những nguồn thu ngân sách đang được đẩy mạnh và nhiều hứa hẹn đối với địa bàn tỉnh ta là từ các hoạt động du lịch, dịch vụ. Đại biểu Nguyễn Quang Hưng, huyện Mường Nhé đề xuất: “Tỉnh cần có giải pháp thu hút khách du lịch bằng đường bộ khi sân bay Điện Biên Phủ đóng cửa để xây dựng theo kế hoạch vào tháng 3/2023. Đồng thời có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào du lịch, dịch vụ một cách hiệu quả, phát huy được tiềm năng, thế mạnh về du lịch”.

Để khắc phục những tồn tại và thực hiện tốt mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế tỉnh nhà thời gian tới, trong đó có phát triển cây mắc ca, đại biểu Vùi Văn Nguyện (huyện Tủa Chùa) đưa ra ý kiến: “Cần phải có giải pháp chỉ đạo, điều hành, đánh giá xem xét lại năng lực các nhà đầu tư phát triển cây mắc ca. Khách quan lựa chọn các nhà đầu tư mạnh, thay thế nhà đầu tư yếu, triển khai thành công kế hoạch đề ra, không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội”.

Năm 2023 là năm bản lề, góp phần quyết định kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hơn nữa, 2023 là năm tỉnh triển khai nhiều nhiệm vụ rất quan trọng, trong khi nguồn lực tỉnh nhà còn hạn chế. Các ý kiến, kiến nghị thẳng thắn, trách nhiệm của đại biểu sẽ giúp HĐND xem xét, thông qua được những nội dung quan trọng, có tác động trực tiếp đến việc thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/201896/thao-luan-nhieu-noi-dung-lien-quan-doi-song-nhan-dan