Tháo gỡ vướng mắc về tiêu chí và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

Mục tiêu của tỉnh Quảng Trị đặt ra đến cuối năm 2023 phấn đấu có 73/101 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỉ lệ 72,3%), có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm tỉ lệ 11,8%); các huyện Hải Lăng và Triệu Phong hoàn thành các tiêu chí huyện NTM, huyện Cam Lộ cơ bản đạt các tiêu chí huyện NTM nâng cao; có 21 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn thôn NTM.

HỒ XUÂN HÒE, TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa - Ảnh: T. NGUYÊN

Vấn đề đặt ra hiện nay là việc triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM vẫn còn vướng mắc về thực hiện các bộ tiêu chí và chính sách thực hiện. Theo đó, đối với tỉnh Quảng Trị hiện đang tập trung thực hiện 7 bộ tiêu chí từ vườn mẫu, cấp thôn, cấp xã, cấp huyện, trong đó UBND tỉnh đã phân cấp, giao cho các sở, ngành hướng dẫn đánh giá tiêu chí, đồng thời hướng dẫn về hồ sơ minh chứng phục vụ cho việc xét thẩm định, công nhận.

Đến nay, hầu hết các sở, ngành cơ bản đã có văn bản hướng dẫn đối với 7 bộ tiêu chí để các địa phương thực hiện. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã tổ chức thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền, xây dựng và cấp phát các sổ tay hướng dẫn đến tận cơ sở; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương và đề xuất cho các địa phương đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh có điều kiện tương đồng.

Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đang gặp vướng mắc trong việc thực hiện bộ tiêu chí thuộc thẩm quyền điều chỉnh và hướng dẫn của Trung ương, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiếp thu, tổng hợp đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Trung ương điều chỉnh như: tiêu chí về y tế (sổ khám chữa bệnh điện tử, khám chữa bệnh từ xa), tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch tập trung, tỉ lệ hỏa táng, tỉ lệ hộ có xử lý nước thải sinh hoạt, chỉ tiêu về quốc phòng trong xây dựng NTM nâng cao...

Riêng đối với bộ tiêu chí cấp huyện đối với chỉ tiêu số 6.4 có trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện hoạt động có hiệu quả, các địa phương đang xây dựng huyện NTM đều có kiến nghị khó khăn, vướng mắc, vì vậy Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng điều phối NTM Trung ương hướng dẫn, tháo gỡ; ngoài ra đã tổ chức 2 đợt học tập kinh nghiệm một số tỉnh có thành lập Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp, tổ chức 3 hội nghị để bàn tháo gỡ tiêu chí này. Cùng với Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương về các phương án thực hiện tiêu chí nêu trên.

Về cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM cơ bản thuận lợi, riêng chỉ có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đang có nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây là khó khăn chung của 3 Chương trình MTQG. Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Sở Nông nghiệp và PTNT được giao phụ trách tiểu dự án 1, dự án 2, dự án 3 của Chương trình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và dự án 2 của Chương trình giảm nghèo bền vững.

Về nội dung tại tiểu dự án 1, dự án 3: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với nội dung này, cơ bản triển khai thuận lợi, chỉ có 1 nội dung khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị, địa phương có kiến nghị đề xuất.

Cụ thể, trước đây theo quy định tại Khoản 3, Điều 10, Thông tư 15/2022/TT-BTC ngày 4/3/2023 của Bộ Tài chính quy định mức hỗ trợ cho “Kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu được tính bằng 7% trên tổng kinh phí khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, hỗ trợ trồng rừng phòng hộ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ của chủ rừng và không trùng với các chương trình, dự án khác, được bố trí trong tổng kinh phí cấp cho các đơn vị, địa phương thực hiện tiểu dự án 1, dự án 3”.

Để có cơ sở bố trí nguồn vốn thực hiện nội dung này, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Tài chính và các địa phương đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh, trong đó có quy định kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu trong tổng dự toán phân bổ cho tỉnh để thực hiện tiểu dự án 1, dự án 3.

Tuy nhiên, Thông tư 55/2023/TTBTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư 15/2022/TT-BTC ngày 4/3/2023 của Bộ Tài chính không quy định nội dung hỗ trợ “Kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu” nên không có cơ sở chi cho nội dung này. Do vậy, không có cơ sở bố trí nguồn vốn.

Trong lúc đó đối với Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 vẫn bố trí kinh phí cho nhiệm vụ này theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 21/2023/TT-BTC ngày 14/4/2023 của Bộ Tài chính nên Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh đã có văn bản số 5025/UBND-KT hỏi Bộ Nông nghiệp và PTNT nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời.

Đối với hợp phần phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kịp thời tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện, gồm: Nghị quyết số 99/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 quy định về nội dung, mức hỗ trợ trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Quyết định 939/QĐ-UBND ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh về ban hành Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 99/2022/NQ-HĐND.

Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cho cán bộ huyện, xã; tham mưu UBND tỉnh đồng ý chủ trương áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật trong thực hiện các Chương trình MTQG; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện của các địa phương, để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

Hoàn thiện hạ tầng dân sinh để xây dựng nông thôn mới ở Cam Lộ - Ảnh: N.K

Quá trình thực hiện, trên cơ sở khó khăn của các địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh các văn bản hỏi các Bộ, ngành Trung ương, đồng thời tổ chức cuộc họp liên ngành gồm các Sở KHĐT, Tài chính, LĐTB&XH, Ban Dân tộc và các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất còn gặp một số khó khăn, vướng mắc sau:

- Về quy định đối tượng và mức hỗ trợ: Cụ thể đối với Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi quy định đối tượng chỉ bao gồm hộ nghèo và cận nghèo, quy định này quá bó buộc về đối tượng và không phù hợp khi thực hiện các dự án liên kết. UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản số 4916/ UBND-KT ngày 26/9/2023 gửi Trung ương về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG, tuy nhiên đến nay chưa được Ủy ban Dân tộc trả lời.

- Về công tác mua sắm hàng hóa trong thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Thông tư số 55 của Bộ Tài chính; Văn bản số 5220/BKHĐT-TCTT ngày 5/7/2023 về việc góp ý danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù và tháo gỡ vướng mắc trong hỗ trợ phát triển sản xuất và văn bản số 8202/ BKHĐT-TCTT ngày 4/10/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 2 phương án thực hiện mua sắm là có thể giao đơn vị được giao dự toán mua sắm hoặc giao cho chủ trì liên kết, cộng đồng mua sắm.

Tuy nhiên, hướng dẫn của các bộ, ngành vẫn chưa rõ ràng; việc giao cho chủ trì liên kết hoặc cộng đồng mua sắm chưa đầy đủ cơ sở pháp lý (hiện nay Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù trong mua sắm hàng hóa thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất (giao cho chủ trì liên kết, cộng đồng thực hiện mua sắm và không qua đấu thầu).

Do vậy, hiện nay chưa có đầy đủ căn cứ để triển khai thực hiện. Có một số địa phương đang thực hiện giao cho chủ trì liên kết, mua sắm; một số địa phương cơ quan giao vốn thực hiện mua sắm. Ngoài ra, hiện nay theo văn bản của Bộ Tài chính tại Văn bản số 10205/BTC-HCSN công tác mua sắm hàng hóa phục vụ liên kết không thuộc đối tượng quy định của Thông tư 58, 68 của Bộ Tài chính. Do vậy, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cho ý kiến để thống nhấtvề đầu mối thực hiện công tác mua sắm để các địa phương thuận lợi trong quá trình thực hiện.

- Một số chủ trì liên kết (doanh nghiệp, HTX ) trên địa bàn chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định của Nghị định 98/NĐ-CP, hầu hết các chủ trì liên kết đều thiếu giấy phép về môi trường, vướng mắc về đất đai chưa đảm bảo theo quy hoạch. Do vậy, không đủ điều kiện thực hiện các dự án liên kết chuỗi theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐCP của Chính phủ.

- Tại Nghị định 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ có quy định: “Các dự án, kế hoạch, phương án, mô hình (gọi chung là dự án) phát triển sản xuất phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia dự án là đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thực hiện dự án có trên 70% người dân tham gia dự án là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo”.

Tuy nhiên, theo văn bản trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đối tượng tham gia dự án không thuộc đối tượng hỗ trợ của Chương trình sẽ không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Việc không hỗ trợ cho đối tượng tham gia dự án không phải là đối tượng của chương trình gây khó khăn trong quá trình chọn hộ tham gia và không mang lại hiệu quả trong thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là các dự án chuỗi giá trị; không phát huy được hộ khá tham gia để dẫn dắt cộng đồng.

- Một số cơ chế chính sách và quyết định phê duyệt chương trình đang được tiếp tục sửa đổi, bổ sung nên đã làm gián đoạn quá trình thực hiện theo mục tiêu kế hoạch đề ra. Do đó, đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2023 sang năm 2024. Đề nghị các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thống nhất hướng dẫn rõ hơn đối với công tác mua sắm vật tư, hàng hóa và hồ sơ thủ tục thanh toán đối với các trường hợp mua sắm cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các chương trình MTQG về xây dựng NTM.

Đối với những khó khăn liên quan đến tiêu chí nông thôn mới và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hiện nay đang được Trung ương xem xét, điều chỉnh, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu điều chỉnh, hoàn thiện và hướng dẫn để triển khai có hiệu quả chương trình, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của các địa phương.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/thao-go-vuong-mac-ve-tieu-chi-va-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-san-xuat-trong-xay-dung-nong-thon-moi-nbsp/182030.htm