Tháo gỡ vướng mắc, phát sinh trong thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Ngày 17/4/2024, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Nguồn thu từ đất tạo động lực cho địa phương phát triển

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 18/01/2024. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Sở Tài chính một số tỉnh để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định này; gửi xin ý kiến bộ, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.

Nhấn mạnh đây là một chính sách khó, tác động diện rộng, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng nêu rõ: “Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị này để trực tiếp lấy kiến về dự thảo Nghị định. Mong rằng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nghiên cứu sâu, đóng góp ý kiến phù hợp để Bộ Tài chính tổng hợp đầy đủ, trung thực các ý kiến đóng góp và báo cáo Chính phủ, ý kiến nào tiếp thu hay không tiếp thu sẽ giải trình rõ ràng nhằm đạt cao nhất chất lượng dự thảo Nghị định, trình Chính phủ ban hành theo tiến độ đề ra.”

Chính sách tài chính đất đai là một nội dung không thể thiếu trong quản lý, sử dụng đất đai, vừa là công cụ để điều tiết nguồn thu ngân sách nhà nước, vừa là công cụ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung đóng góp ý kiến để làm rõ các nội dung như: Dự thảo Nghị định đã thể chế hóa đủ những nội dung về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà Luật đã giao cho Chính phủ hướng dẫn hay chưa?; Dự thảo Nghị định đã giải quyết được triệt để các vướng mắc thực tế hay không?; Dự thảo Nghị định đã đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai khác chưa?

Tóm lược một số nội dung quan trọng của dự thảo Nghị định tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, thời gian qua, chính sách tài chính về đất đai ở nước ta đã được rà soát để xây dựng và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các yêu cầu đặt ra trong từng giai đoạn phát triển của Đất nước.

Chính sách tài chính về đất đai cũng đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, bao quát quá trình hình thành, sở hữu, sử dụng, khai thác đối với đất đai, bất động sản; đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện việc quản lý nhà nước về tài chính đối với đất đai; góp phần tăng cường quản lý tài chính về đất đai và tăng thu ngân sách nhà nước; hạn chế được việc sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, thất thoát tại các cơ quan, tổ chức… Nhờ đó, nguồn thu từ đất tăng dần qua các năm, tạo nguồn lực cho địa phương phát triển, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách nhà nước (năm 2023 chiếm 7,86% tổng thu ngân sách nhà nước, năm 2022 là 17% tổng thu ngân sách nhà nước).

Đảm bảo miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đúng đối tượng

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, nhưng sau 10 năm thi hành, các quy định về tài chính đất đất đai theo Luật Đất đai năm 2013 bộc lộ một số hạn chế; vì vậy, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024; trong đó có những nội dung đổi mới liên quan đến chính sách tài chính về đất đai. Bộ Tài chính được Chính phủ giao làm cơ quan chủ trì, soạn thảo Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Bà Nguyễn Thị Thoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản thông tin về các nội dung cốt lõi tại dự thảo Nghị định.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thoa, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo nghị định dựa trên nguyên tắc: Bám sát những nội dung tài chính về đất đai mà Luật Đất đai trực tiếp giao cho Chính phủ quy định hoặc hướng dẫn; Tổng hợp vướng mắc trên thực tiễn trong thời gian vừa qua để quy định xử lý trong Nghị định, bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Đất đai năm 2024 và quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, kế thừa những quy định của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013, đang thực hiện ổn định, phù hợp.

Phó Cục trưởng nêu rõ, dự thảo Nghị định gồm 05 chương, 54 điều, trên cơ sở ghép 2 chính sách về thu tiền sử dụng đất và thu tiền thuê đất vào một nghị định.

Về quy định miễn, giảm tiền thuê đất, đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo, bà Nguyễn Thị Thoa thông tin, tại Điều 39, Điều 40 dự thảo quy định miễn tiền thuê đất là cho phép người sử dụng đất không phải nộp tiền thuê đất cho cả thời gian thuê; giảm tiền thuê đất là cho phép người sử dụng đất không phải nộp một số tiền cụ thể tính bằng tỷ lệ (%) tiền thuê đất phải nộp.

Dự thảo quy định cũng thiết kế các mức giảm tiền thuê đất theo lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật, cơ bản tương đồng với mức quy định hiện hành. Cùng với đó, dự thảo quy định chung về các mức ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, chứ không xây dựng ưu đãi riêng.

Về trình tự, thủ tục miễn, giảm, để đảm bảo giám sát thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đúng đối tượng, tránh thất thu ngân sách nhà nước, đảm bảo hiệu quả của chính sách ưu đãi của Nhà nước, dự thảo quy định việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được ghi trong quyết định cho thuê đất.

Một trong những nội dung đang rất được dư luận quan tâm là tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, dự thảo Nghị định quy định, khi chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật Đất đai, người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất như sau: nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả một lần cho cả thời gian thuê bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất cho thời gian sử dụng đất còn lại; nộp tiền thuê đất hằng năm theo loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Quang cảnh Hội nghị.

Theo phản ánh của các địa phương, trong thực tế để thực hiện dự án thì nhà đầu tư phải nhận chuyển nhượng nhiều loại đất khác nhau, sau đó làm thủ tục để được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch sử dụng đất được duyệt nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất trong trường hợp này. Vì vậy, dự thảo Nghị định bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp dự án sử dụng đất hỗn hợp trong trường hợp này.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng cho biết thêm, dự thảo Nghị định này còn "thiết kế" các quy định cụ thể nội dung về tính tiền thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đảm bảo tính thống nhất với pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Nêu ý kiến tại Hội nghị, đại diện Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh cho biết, cơ bản dự thảo đã tháo gỡ một số điểm nghẽn trong quá trình thực hiện của các nghị định hiện hành về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất. Theo đại diện Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, về việc miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, dự thảo đã quy định các thủ tục được rút gọn theo hướng cơ quan quản lý không cần ban hành quyết định miễn, giảm nhằm đơn giản hóa việc thực hiện.

Tuy nhiên, đại diện Cục Thuế tỉnh này cũng cho rằng, do không có thông tư hướng dẫn, nên dự thảo nghị định cần phải có các quy định chi tiết, cụ thể hơn để hạn chế vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung đóng góp cụ thể những ý kiến quan trọng, xác đáng vào dự thảo Nghị định để cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện.

Gia Hân

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thao-go-vuong-mac-phat-sinh-trong-thu-tien-su-dung-dat-tien-thue-dat.html