Tháo gỡ khó khăn thực hiện đường giao thông từ KCN Bỉm Sơn đi Nga Sơn

Dự án đường giao thông từ Khu Công nghiệp (KCN) Bỉm Sơn đến tuyến đường bộ ven biển Nga Sơn - Hoằng Hóa có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các tuyến giao thông và tạo không gian phát triển mới cho các huyện Hà Trung, Nga Sơn và thị xã Bỉm Sơn. Các ngành có liên quan của tỉnh và các địa phương liên quan đang tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Đơn vị thi công thực hiện xử lý phần đất yếu của dự án đoạn qua xã Nga Thanh (Nga Sơn).

Dự án đường giao thông từ KCN Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa được đầu tư xây dựng mới 18,807km với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng đi qua thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung và huyện Nga Sơn. Dự án được thực hiện trong thời gian từ năm 2022 đến năm 2024.

Thực hiện dự án đoạn qua huyện Nga Sơn có tổng chiều dài là 15,275km, trong đó có 2,510km trùng với đường ven biển tại xã Nga Tân, còn lại 12,765km phải thực hiện GPMB. Huyện Nga Sơn đã triển khai nhiều giải pháp và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân bị ảnh hưởng bởi dự án về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đến ngày 25/3, Nga Sơn đảm bảo chi trả đủ điều kiện bàn giao mặt bằng thi công cho đơn vị chủ đầu tư khoảng 11,65km/12,765km (đạt 91,2%). Huyện cũng đã hoàn thành công tác kiểm kê GPMB đất ở của 213 hộ dân bị ảnh hưởng về đất và tài sản trên đất thuộc phạm vi GPMB của dự án với diện tích 21.476,9m2. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công thực hiện 4 khu tái định cư tại các xã Nga Yên, Nga Thanh khu 1, Nga Thanh khu 2 và Nga Tân, sớm bố trí tái định cư cho các hộ dân bị di dời đến ổn định cuộc sống.

Ông Phạm Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Thanh, cho biết: "Dự án qua địa bàn xã Nga Thanh phải GPMB 3,8ha của 86 hộ bị ảnh hưởng. Xã đã tích cực phối hợp với Hội đồng GPMB huyện thực hiện kiểm kê, xác định nguồn gốc đất và công khai niêm yết giá tại trụ sở UBND xã và các nhà văn hóa thôn. Đồng thời, lập phương án bồi thường và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng chính xác, công khai, minh bạch đúng quy trình, quy định. Cùng với đó, xã thành lập tổ công tác phối hợp xuống tận nhà các hộ dân bị ảnh hưởng để tuyên truyền, vận động về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đối với địa phương để tạo sự đồng thuận của người dân. Đến ngày 25/3, cơ bản các hộ dân đã đồng thuận nhận tiền bồi thường bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Hiện còn 3 hộ dân phần đất yếu chưa đồng ý phương án bồi thường GPMB, xã đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ bàn giao mặt bằng trong thời gian sớm nhất".

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, hiện các địa phương mới bàn giao 15,327/16,442km (đạt 88,5%). Trong đó, có thị xã Bỉm Sơn đã cơ bản bàn giao mặt bằng 2,25km/2,25km; huyện Hà Trung đã hoàn thành bàn giao mặt bằng 1,427km/1,427km; huyện Nga Sơn đã bàn giao mặt bằng được 11,65km/12,765km toàn tuyến và đang tập trung đẩy nhanh công tác GPMB để hoàn thành theo tiến độ yêu cầu. Do diện tích GPMB toàn tuyến qua địa bàn huyện Nga Sơn lớn, số lượng hộ dân nhiều, quá trình sử dụng đất có nhiều biến động, nên đã có sự sai lệch giữa giấy tờ pháp lý về đất đai của các hộ dân với diện tích trích đo thực tế, làm thời gian xác minh bị kéo dài. Hiện nay đã có đơn giá mới thay thế Quyết định 25/QĐ-UBND và Quyết định thay thế Quyết định 3162/QĐ-UBND của UBND tỉnh dẫn đến một số hộ đã được phê duyệt phương án nhưng chưa đồng ý nhận tiền bồi thường GPMB do có sự thắc mắc giữa các hộ dân trên cùng một dự án. Kinh phí cho GPMB đất ở lớn, còn thiếu, huyện đang triển khai vay từ quỹ phát triển đất của tỉnh. Mặc dù huyện Nga Sơn đã tập trung ưu tiên nguồn vốn bố trí cho công tác GPMB dự án, tuy nhiên hiện nay việc đấu giá quyền sử dụng đất tỷ lệ người mua thấp do đó đây là khó khăn rất lớn của địa phương trong thực hiện GPMB.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác GPMB phải đảm bảo hoàn thành bàn giao toàn dự án trước ngày 30/6/2024. Vì vậy, huyện Nga Sơn mong muốn các sở, ngành có liên quan của tỉnh quan tâm chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu thi công phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác bồi thường GPMB. Đối với diện tích đất đã GPMB, chủ đầu tư cần tổ chức thi công ngay để tạo hiệu ứng trong công tác GPMB, tạo động lực cho địa phương vận động các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/thao-go-kho-khan-thuc-hien-duong-giao-thong-tu-kcn-bim-son-di-nga-son/210685.htm