Tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Hôm nay 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị.

Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, đến nay trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.252 ha so với năm 2020.

Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn, trong đó số lượng dự án hoàn thành 72 dự án với quy mô 38.128 căn; dự án đã khởi công xây dựng 129 dự án với quy mô 114.934 căn.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, đến nay các mục tiêu đề ra, tiến độ các dự án đều không đạt yêu cầu. Quá trình triển khai thực hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ cả pháp luật, cơ chế chính sách, nguồn vốn và tổ chức thực hiện ở các địa phương từ quy hoạch đất, giải phóng mặt bằng, phê duyệt đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Tại tỉnh Quảng Trị, hiện nay toàn tỉnh chỉ có 1 dự án đầu tư nhà ở xã hội đang triển khai, chưa hình thành nhà ở, sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp và quỹ đất 20% của dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự kiến khoảng 142 căn, tương ứng 19.880m2 sàn.

Trên địa bàn tỉnh chưa có dự án nhà ở xã hội độc lập, dạng nhà chung cư. Việc phát triển nhà ở theo hình thức dự án đối với các dự án đã hình thành cũng như đang nghiên cứu khảo sát, chủ yếu tập trung tại TP. Đông Hà; các địa phương khác chiếm số lượng rất ít và cũng đang ở giai đoạn nghiên cứu. Dự kiến quỹ đất nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh khoảng 144ha, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn đến năm 2025 và đầu giai đoạn đến năm 2030.

Tại hội nghị, ý kiến các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và các địa phương đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển dự án nhà ở xã hội như: thiết kế cơ chế, chính sách đơn giản hơn, phát triển theo quy l;uật kinh tế thị trường; Nhà nước phải chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người dân mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội bảo đảm công bằng trong tiếp cận nhà ở; cần có chính sách hạ lãi suất ngân hàng cho người mua và chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội vì hiện nay lãi suất chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội cao hơn một số khoản vay khác của ngân hàng thương mại...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc ban hành cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đều do đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước, vì vậy khó khăn vướng mắc ở chỗ nào thì chỗ đó phải làm, không ai trông chờ ai.

Tất cả các chủ thể liên quan đều phải làm hết trách nhiệm, khả năng của mình, tìm ra cách làm phù hợp nhất vận dụng pháp luật linh hoạt để thực hiện truyền thống đạo đức xã hội chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ lẫn nhau làm sao mọi người đều tiếp cận nhà ở bình đẳng, không ai bị bỏ lại phía sau.

Quan điểm là nguồn lực bắt đầu từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh từ Nhân dân, chung sức đồng lòng, góp gió thành bão, quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đề ra.

Năm 2024 cả nước được giao 130.000 căn hộ nhà ở xã hội. Thời gian qua Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 4 dự án luật mới về nhà ở, kinh doanh bất động sản, đất đai và các hoạt động các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần tháo gỡ vướng mắc, chồng chéo trong các quy định pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương quyết liệt sớm xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách nhà ở xã hội để thực hiện một cách đồng bộ, giải quyết ách tắc trong xây dựng nhà ở xã hội với quan điểm tiếp cận những nơi đất đẹp phải dành cho sản xuất kinh doanh. Xây dựng nhà ở xã hội cũng phải đảm bảo các điều kiện như các dự án nhà ở khác, chỉ khác ở cơ chế chính sách đối với người mua và người bán, từ đó đảm bảo tiếp cận công bằng về nhà ở.

Nhà nước khuyến khích phát triển nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường, gắn với thị trường bất động sản; linh hoạt, sáng tạo trọng vận dụng chính sách để thực hiện. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói tín dụng lãi suất hạ xuống còn khoảng từ 3-5% để người mua nhà dễ tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội.

Cấp ủy các địa phương phải có nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng nhà ở xã hội và các cấp chính quyền phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra.

Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/thao-go-kho-khan-thuc-day-phat-trien-nha-o-xa-hoi/184175.htm