Tháo gỡ khó khăn phát triển công nghiệp nông thôn

Thời gian qua, công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh khẳng định vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại dịch vụ...

Kỳ I: Phát triển chưa xứng tiềm năng

Công ty TNHH MTV Sơn Hà Phú Thọ, Cụm công nghiệp - làng nghề Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy chuyên may quần áo xuất khẩu tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động.

(baophutho.vn)

- Thời gian qua, công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh khẳng định vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại dịch vụ, tạo việc làm cho lao động địa phương. Sự phát triển của CNNT đã góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, CNNT còn phát triển chưa xứng với tiềm năng và cần có giải pháp đồng bộ để phát triển.
Những chuyển biến tích cực
Xác định phát triển CNNT đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách khuyến khích phát triển, thu hút đầu tư. Từ những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời, CNNT có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt nhịp với bối cảnh kinh tế hội nhập.Hàng năm, tỉnh đã cân đối nguồn ngân sách địa phương để thực hiện hoạt động khuyến công đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển sản xuất CNNT; hỗ trợ các cơ sở sản xuất CNNT phát triển sản xuất góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua đó, bước đầu hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị và cải tiến công nghệ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường. Từ các chương trình hỗ trợ đã khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị; khai thác tốt tiềm năng, nguồn nguyên liệu hiện có, tạo ra giá trị sản xuất chung của ngành, sự chuyển dịch cơ cấu CNNT theo hướng tích cực. Hoạt động sản xuất CNNT chủ yếu tập trung vào các ngành nghề như: Chế biến nông sản, thực phẩm; dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác chế biến khoáng sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí. Số lượng cơ sở sản xuất hiện đạt khoảng 24.580 cơ sở, trong đó trên 3.600 doanh nghiệp, hợp tác xã; trên 20.000 hộ kinh doanh. Số lao động tham gia sản xuất CNNT là 64.650 người. Các cơ sở sản xuất đa dạng về quy mô, ngành nghề, mô hình tổ chức với nhiều sản phẩm mới, tạo nên sự đa dạng về hàng hóa, chủng loại trên thị trường. Toàn tỉnh có 75 làng nghề được công nhận, các nghề phát triển chủ yếu là đan lát, nón lá, mộc dân dụng, chế biến thực phẩm, sản xuất chè, vật liệu xây dựng... Sự hình thành các khu, cụm công nghiệp, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhân cấy nghề của các làng nghề đã giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.Tuy nhiên, CNNT vẫn còn nhiều khó khăn do nhiều cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương thiếu vốn đầu tư, thiếu lao động tay nghề cao, tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn hạn chế, phát triển chưa đồng đều. Các cơ sở CNNT phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn tài chính hạn hẹp, do đó đầu tư cầm chừng, nhất là trong đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại. Trình độ quản lý, sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, đầu tư thiếu đồng bộ, một bộ phận sử dụng máy móc thiết bị, công nghệ lạc hậu. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT còn thiếu kiến thức về quản trị, thị trường, quản lý sản xuất.

Xưởng sản xuất máy ruôi sắn của hộ ông Hà Kim Tới, xã Võ Lao, huyện Thanh Ba đóng góp vào phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã.

Vẫn còn nhiều thách thức

Là địa phương đa dạng về các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh ta có nguồn nguyên liệu phong phú phục vụ cho công nghiệp chế biến, là điều kiện phát triển CNNT. Tuy có nhiều lợi thế cạnh tranh về nguồn nguyên liệu tại chỗ, song việc phát triển các cơ sở chế biến nhằm thúc đẩy giá trị sản xuất vẫn đang đứng trước không ít thách thức. Vì vốn đầu tư thấp nên lĩnh vực chế biến mới tiếp cận với những nguyên liệu dễ chế biến; sản xuất đa phần chỉ ở dạng sơ chế nên chưa khai thác hết tiềm năng vùng nguyên liệu và chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ. Với lợi thế về lâm nghiệp, chế biến gỗ là ngành tương đối phát triển ở khu vực nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 620 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản và trên 2.100 hộ tham gia chế biến, đóng đồ mộc gia dụng. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ và vừa; trình độ công nghệ chế biến mức trung bình, mức tiêu hao nguyên liệu còn lớn, sản phẩm phần lớn chưa có thương hiệu nên chưa tác động mạnh mẽ đến sự phát triển chung của ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Công ty TNHH MTV Hùng Luân, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn chuyên sản xuất gỗ bóc. Năm 2020 sản lượng gỗ thành phẩm của Công ty đạt khoảng 5.000m3, doanh thu ước đạt trên 12 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thái Hùng - Giám đốc Công ty cho biết: Công ty hiện tạo việc làm cho khoảng 40 lao động. Sản xuất gỗ cần vốn quay vòng lớn, đầu tư ban đầu khá cao nên việc đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cần tiềm lực lớn. Trong khi đó với năng lực hiện tại của các doanh nghiệp quy mô nhỏ nên đầu tư có mức độ nhất định. Sản phẩm tiêu thụ chính ở trong nước, một phần xuất khẩu qua trung gian; sản phẩm ở dạng sơ chế nên giá trị gia tăng không cao. Lao động của Công ty chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ và tay nghề ở mức trung bình. Năm 2020 được hỗ trợ kinh phí khuyến công, chúng tôi mời cán bộ kỹ thuật về đào tạo, tập huấn cho người lao động để đáp ứng một số khâu ứng dụng máy móc hiện đại.Một trong những hạn chế của nhiều sản phẩm CNNT trong tỉnh là chưa chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Nguyên nhân do các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề vẫn trong tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa chú trọng khâu nghiên cứu thị trường, thay đổi thiết kế, mẫu mã; không tạo được sự khác biệt nên giá trị hàng hóa thấp, độ đồng đều của sản phẩm không cao, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn. Một số sản phẩm CNNT chưa vào được các siêu thị do quy mô sản xuất nhỏ không đảm bảo được nguồn hàng thường xuyên. Mẫu mã, kiểu dáng và bao bì sản phẩm ít được cải tiến, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được sản xuất trên dây chuyền hiện đại. Các doanh nghiệp có đủ năng lực đứng ra làm đầu mối để cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm TTCN cho người lao động chưa nhiều. Đây là bài toán khó trước yêu cầu chuyên nghiệp hóa của thị trường hội nhập.Đoan Hùng là huyện có CNNT tương đối phát triển. Toàn huyện có 245 doanh nghiệp, trong đó có 76 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trên 1.500 hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ông Vũ Trọng Khải - Trưởng phòng Kinh tế -Hạ tầng huyện cho biết: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nhìn chung hoạt động ổn định, chủ yếu tập trung sản xuất, kinh doanh và chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, cũng giống như các địa phương khác trong tỉnh, CNNT ở Đoan Hùng còn gặp khó khăn nhất định. Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, ít doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch còn chậm, trình độ khoa học và công nghệ còn thấp. Kiến thức của doanh nghiệp về các Hiệp định thương mại, về chính sách bảo hộ thương mại của các nước, về thương mại điện tử còn hạn chế. Lao động nông thôn được đào tạo nghề chủ yếu là trình độ sơ cấp. Lao động tham gia học nghề và tham gia thị trường lao động sau học nghề chủ yếu là lao động phổ thông nên khó tìm việc được ở các vị trí đòi hỏi kỹ năng nghề cao hơn. Một bộ phận lao động được tuyển dụng vẫn phải được đào tạo lại để đáp ứng với yêu cầu của doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là việc gắn kết giữa đào tạo và doanh nghiệp còn hạn chế. Gắn sản xuất với nhu cầu thị trường là yêu cầu tất yếu đối với tất cả các cơ sở sản xuất hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Trong tình hình hiện nay, ngoài khó khăn do sự giảm sút của tổng cầu thị trường, khó khăn lớn nhất của nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn là sản phẩm còn đơn điệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao dẫn đến hạn chế trong quá trình phát triển của cơ sở. Để giải quyết khó khăn cùng với sự vào cuộc của cả các cơ quan quản lý Nhà nước thì bản thân các cơ sở sản xuất phải nỗ lực để bứt phá.

Ngọc Lam - Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202105/thao-go-kho-khan-phat-trien-cong-nghiep-nong-thon-177305