Thanh tra Bộ Y tế làm sai luật

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều công ty dược vi phạm trong mua bán nguyên liệu, xuất khẩu, bán thuốc thành phẩm có chất gây nghiện...

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 16-4, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết đã có thông báo chính thức kết luận thanh tra việc thực hiện quản lý nhà nước về dược của Bộ Y tế. Qua đó, TTCP đã phát hiện nhiều công ty dược vi phạm trong mua bán nguyên liệu, xuất khẩu, bán thuốc thành phẩm có chất gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc...

Cục trưởng Cục Quản lý Dược vô can

Trong đó Công ty Dược phẩm Inexpharm trong thời gian từ ngày 1-7-2010 đến 31-8-2011 đã bán hơn 4 triệu viên thuốc gây nghiện; Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây bán hơn 1,4 triệu viên thuốc Gardenal không đúng đối tượng; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế TP.HCM bán và Công ty Cổ phần Dược phẩm Minh Hải mua 500 kg nguyên liệu tiền chất dùng làm thuốc khi chưa có giấy phép của Bộ Y tế; Công ty Cổ phần Dược phẩm Tipharco bán hơn 400.000 viên thuốc hướng tâm thần không đúng đối tượng…

Về nội dung đơn của bảy doanh nghiệp dược phản ánh liên quan đến Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường, kết luận thanh tra nêu rõ qua xác minh có 7/16 nội dung phản ánh không có cơ sở, 9/16 nội dung phản ánh không đúng sự thật. Trước đó, bảy doanh nghiệp tố cáo ông Cường đã ký rất nhiều đơn hàng không có số đăng ký cho một số công ty không đúng nguyên tắc và ngăn chặn không duyệt đơn hàng cho các công ty khác. Các doanh nghiệp cũng tố ông Cường đã ưu tiên cho các công ty “sân sau” trong cấp hạn ngạch nhập khẩu, cấp phép nhập chuyến, cấp số đăng ký lưu hành thuốc, cho phép sản xuất gia công. Ngoài ra, đơn thư còn nêu việc ông Cường ưu ái cho Công ty Cổ phần Dược phẩm BV Pharma nhập khẩu nhiều tấn tiền chất ma túy để sản xuất thuốc cảm cúm…

Qua kết luận thanh tra, Công ty dược phẩm Inexpharm là một trong những công ty vi phạm bán thuốc thành phẩm có chất gây nghiện. Ảnh: VH

Với nội dung phản ánh Thứ trưởng Cao Minh Quang vay 2 tỉ đồng của Công ty BV Pharma, TTCP đã chuyển các tài liệu xác minh liên quan để Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét. Sau khi xem xét, cơ quan này đã đề nghị kỷ luật hình thức cảnh cáo đối với Thứ trưởng Cao Minh Quang.

Không tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng

Đối với việc phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2008, 2009, 2011 của lãnh đạo Bộ Y tế, TTCP cho rằng còn chậm so với quy định. Một số quyết định thanh tra có thời hạn thanh tra quá dài, cá biệt có những quyết định thanh tra không có thời hạn thanh tra. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức xác minh đơn khiếu nại của Công ty Nanogen nhưng không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, không có báo cáo kết luận thẩm tra xác minh, không có kết luận kiến nghị việc giải quyết khiếu nại. Cuộc thanh tra hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam - ZPV (thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng) kết thúc đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo kết quả thanh tra, chưa có kết luận thanh tra. “Điều này là không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - TTCP nhấn mạnh.

TTCP kiến nghị Bộ Y tế xem xét, xử lý nghiêm các công ty dược vi phạm trong mua bán nguyên liệu, xuất khẩu, bán thuốc thành phẩm có chất gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc. Đồng thời, Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại và không tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý việc bảy doanh nghiệp phản ánh không có cơ sở, sai sự thật theo đúng các quy định của pháp luật.

Vi phạm hơn 800 tỉ đồng

Cũng tại cuộc họp báo, TTCP cho biết đã ban hành kết luận thanh tra đối với Dự án Trường bắn Quốc gia khu vực 1; công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại Vĩnh Long và khai thác khoáng sản, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Định. Qua đó đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 800 tỉ đồng (Vĩnh Long 380 tỉ đồng, Bình Định 278 tỉ đồng…), chủ yếu là thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nợ tiền thuê đất.

Đơn cử như tại Bình Định, qua thanh tra cho thấy việc giao đất, cho thuê đất ở nhiều dự án vi phạm Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Công tác quản lý hoạt động khoáng sản sau cấp phép bị buông lỏng, để nhiều doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nhưng vẫn tiến hành khai thác. Tình trạng cấp phép khai thác titan khi chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng rồi khai thác vào hàng ngàn hecta rừng phòng hộ ven biển. Thủ tục cấp giấy phép rườm rà, phức tạp, tạo ra cơ chế xin-cho, dễ phát sinh tiêu cực…

TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Bình Định thu hồi hơn 50 tỉ đồng nộp ngân sách. Đồng thời, tỉnh phải có biện pháp bảo vệ rừng, không cho khai thác titan tại các khu vực có diện tích rừng phòng hộ có mật độ cao, cây đã lớn, xác định là đai rừng, phòng hộ ven biển, chắn sóng.

THÀNH VĂN

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/201304170110540p0c1013/thanh-tra-bo-y-te-lam-sai-luat.htm