Thanh toán QR Code 'phủ sóng', khách hàng cần cẩn trọng để tránh mất tiền oan

Khi thanh toán thông qua quét mã QR (QR Code) trở thành phương thức phổ biến hiện diện khắp mọi nơi, từ các nhà hàng, quán ăn, cà phê, trà sữa… thì thủ đoạn mới nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng cũng xuất hiện.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 6 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán qua phương thức QR Code tăng 152% về số lượng và 301% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Thanh toán qua mã QR phủ sóng khắp nơi

Theo ghi nhận ở một quán cà phê tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Smart City (Hà Nội) trong buổi sáng, cứ 10 khách thì có khoảng 6-7 người chọn thanh toán không tiền mặt, trong đó chủ yếu là quét QR Code. Quán cà phê cũng đưa ra nhiều lựa chọn cho khách như VietQR, VNPay, MoMo, ZaloPay và một số nền tảng thanh toán khác.

Không chỉ các trung tâm thương mại, quán cà phê, tại các chợ cóc, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng bùng nổ. Chị Hương – chủ một ki ốt bán rau tại chợ Đình (Tây Mỗ, Hà Nội) đã trang bị mã QR Code để thanh toán trực tuyến gần một năm nay. Thấy hình thức thanh toán này rất tiện lợi nên mỗi lần khách mua hàng, chị đều khuyến khích thanh toán bằng cách quét mã QR.

Để tránh tình trạng kẻ gian đánh cắp tiền, nhiều cửa hàng chỉ in mã QR Code khi tạo đơn hàng cho khách hàng.

“Trước đây, khi khách hàng chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt, mỗi ngày, tôi nhận được rất nhiều tiền lẻ, cuối ngày phải ngồi đếm rất mất thời gian, có nhiều hôm đông khách còn trả nhầm tiền và rơi. Nhưng từ khi được ngân hàng đến tận nơi cấp mã QR Code, tôi khuyến khích khách hàng thanh toán bằng chuyển khoản dù khoản thanh toán rất nhỏ chỉ từ vài nghìn đồng”, chị Hương cho hay.

Ngay tại các tỉnh lẻ, người dân cũng đã chuyển khoản "nhoay nhoáy". Chị Hương Tràm (Hà Nội) có dịp đi công tác tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cũng hết sức bất ngờ vì người dân vùng nông thôn không còn xa lạ với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. “Không chỉ những hàng hóa có giá trị lớn vài trăm ngàn đồng, mà mua từ cái kẹp tóc 10.000 đồng, khách hàng cũng có thể quét mã QR. Thậm chí, khi đi gội đầu hay ăn chè với số tiền 20.000 - 30.000 đồng cũng thanh toán không dùng tiền mặt", chị Tràm cho hay.

Thông tin từ NHNN cho biết, thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tất cả các cơ sở dịch vụ như siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh hay quán trà đá vỉa hè... đều có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, phương thức sử dụng QR Code có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất cả về số lượng và giá trị. Số lượng thanh toán năm sau luôn cao hơn năm trước. Phương thức sử dụng QR Code trong năm 2022 tăng tới hơn 225% về số lượng và 244% về giá trị so với năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán qua phương thức QR Code tăng tương ứng là 152% và 301% so với cùng kỳ năm 2022.

Cảnh báo thủ đoạn chiếm đoạt tiền mới

Trong bối cảnh thanh toán QR Code bùng nổ, tình trạng lừa đảo qua hình thức này gần đây xuất hiện khi nhiều ngân hàng đã phát đi thông báo cảnh báo khách hàng về tình trạng kẻ gian lợi dụng mã QR bên ngoài các cửa hàng đã dán đè mã khác để chiếm đoạt tài sản.

Trao đổi với VnBusiness, chị Bùi Thu Huyền (chủ cửa hàng tạp hóa ở Hà Nội) cho biết, để thuận tiện cho khách hàng khi thanh toán, chị đã dán mã QR cá nhân ngay trên bức tường trước cửa hàng. Sáng ngày 15/8, một khách hàng chuyển khoản cho chị hóa đơn trị giá hơn 200.000 đồng qua hình thức quét mã QR, nhưng tài khoản của chị không có biến động số dư, vì vậy chị đã nhờ khách cho kiểm tra lịch sử giao dịch.

Lúc kiểm tra, chị Huyền mới "tá hỏa" khi tiền lại đến một số tài khoản khác. Sau đó, chị dùng điện thoại của mình quét mã thấy hiện lên số tài khoản không phải của mình, phát hiện một miếng dán mã QR khác được dán đè lên mã của mình.

Trên thực tế tại nhiều cửa hàng, mã QR thường được in và đóng khung tại quầy. Một số nơi còn sao thành nhiều bản, dán tại nhiều khu vực trong cửa hàng. Đây cũng là kẽ hở khiến một số đối tượng thực hiện hành vi dán đè mã giả mạo. Theo các chuyên gia, chủ cửa hàng cần tra soát kỹ giao dịch, đơn vị cung cấp ứng dụng cũng cần thêm giải pháp hạn chế rủi ro cho người dùng.

Trước tình trạng giả mạo mã QR hiện nay, nhiều chủ cửa hàng chỉ đưa mã QR trên điện thoại mỗi lần thanh toán cho khách hàng, chứ không in sẵn rồi dán lên tường như trước đây. "Sợ bị quỵt tiền, tôi luôn yêu cầu khách hàng chờ đến khi tài khoản của mình nhận được tiền thì mới được coi là chuyển khoản thành công", chị Hương (Hà Nội) nói.

Anh Ngô Minh Hiếu, người sáng lập dự án Chống lừa đảo, chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC) cảnh báo, thời gian qua, hình thức giả mạo, dán đè mã QR đã được ghi nhận dù chưa phổ biến. Tuy nhiên, để tránh mất tiền oan, người dùng luôn cần kiểm tra lại thông tin số tài khoản, tên chủ tài khoản với chủ cửa hàng khi thực hiện quét mã QR để trả tiền. Đồng thời, chủ cửa hàng cần rà soát các mã QR để chuyển tiền mặt đặt tại cơ sở của mình nhằm kịp thời phát hiện và gỡ bỏ mã QR giả mạo.

Trong khi đó, các ngân hàng cũng khuyến cáo chủ cửa hàng có thể kiểm tra lại camera an ninh để xem dấu hiệu của kẻ lừa đảo, người đã đặt mã QR giả mạo, báo cáo cơ quan chức năng để xử lý.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/thanh-toan-qr-code-apos-phu-song-apos-khach-hang-can-can-trong-de-tranh-mat-tien-oan-1094923.html