Thanh toán phí đường bộ không dùng tiền mặt: Hạn chế tiêu cực, tiết kiệm chi phí nhân lực

Tổng cục đường Bộ Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT cho phép áp dụng thí điểm hình thức không dùng tiền mặt trong thanh toán phí đường bộ đối với các làn xe thu phí một dừng.

Thu phí không dừng tại “trạm một dừng”…

Đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra, dự kiến từ nay đến cuối năm 2016, cơ quan chức năng cần triển khai áp dụng thí điểm cách thức không dùng tiền mặt trong thanh toán phí đường bộ đối với hình thức thu phí một dừng sử dụng thẻ Prepaid Card VietinBank (E-Fast).

Các xe qua trạm thu phí theo cách thức không dùng tiền mặt,sẽ tránh khỏi việc dừng xe làm thủ tục

Theo đó, việc lắp đặt thí điểm thanh toán thẻ trả trước (Touch and Go) sẽ được thực hiện tại 1 làn thu phí một dừng trên mỗi chiều xe chạy, tại 1 hoặc 2 trạm thu phí sử dụng the E-Fast (thu phí một dừng) của VietinBank. Được biết, trên cả nước hiện có hơn 100 trạm thu phí trong có 86 trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý (74 trạm thu phí trên quốc lộ, 12 hệ thống thu phí trên đường cao tốc), 15 trạm thu phí do địa phương quản lý.

Từ thời điểm giữa năm 2015 Bộ GTVT cũng đã triển khai thu phí tự động không dừng theo hình thức BOT tại nhiều trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Theo dự kiến, giai đoạn 2016-2019 sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng trên 1 đến 2 làn thu phí mỗi chiều xe chạy. Giai đoạn sau năm 2019 sẽ áp dụng trên tất cả các làn của các trạm thu phí trên toàn quốc.

Như vậy có nghĩa rằng, khi đã triển khai thu phí không dùng tiền mặt (hình thức thu phí tự động không dừng), như đề xuất của Tổng Cục đường Bộ, thì trên các trạm thu phí vẫn tồn tại hình thức thu phí một dừng. Vấn đề này, Tổng cục ĐBVN cũng giải thích: Kinh nghiệm tại phần lớn các nước trên thế giới đã triển khai hình thức thu phí không dừng cho thấy vẫn tồn tại tối thiểu 1 làn thu phí một dừng trên mỗi chiều xe chạy khi đã triển khai thu phí tự động không dừng.

Do đó, việc nghiên cứu áp dụng hình thức không dùng tiền mặt trong thanh toán phí đường bộ đối với hình thức thu phí một dừng là cần thiết để thực hiện đề nghị của Bộ Tài chính về việc áp dụng hình thức không dùng tiền mặt trong thanh toán phí đường bộ.

Cách thức sử dụng thế nào?

Để có thể sử dụng dịch vụ thu phí tự động không cần dừng xe nói trên, chủ phương tiện sẽ được phát (miễn phí) một thẻ định danh dán lên kính trước xe kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này có thể dễ dàng nộp tiền bằng nhiều cách khác nhau như: nạp trực tiếp, nạp qua mạng, qua ngân hàng, nạp qua thẻ cào, hoặc gửi tin nhắn qua điện thoại… Số tiền nạp vào tài khoản được trừ dần mỗi lần qua trạm.

Toàn bộ giao dịch thu phí tại trạm theo phương thức mới đều được chuyển về và lưu trữ trên trung tâm dữ liệu của hệ thống.

Sau khi xe đã được gắn thẻ thẻ định danh chạy vào làn thu phí, hệ thống nhận diện xe sẽ kích hoạt camera chụp biển số, đồng thời phát tín hiệu đọc thẻ. Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe. Nếu tài khoản còn tiền, các thanh chắn barrie sẽ tự động mở để xe đi qua, đồng thời một tin nhắn SMS sẽ được gửi về số điện thoại của chủ phương tiện, thông báo (số tiền phí bị trừ) xe vừa qua trạm.

Trường hợp tài khoản hết tiền, hoặc xe không có thẻ định danh, hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ thu phí thông thường – tài xế phải dừng xe trực tiếp bỏ tiền mua vé qua trạm.

Toàn bộ giao dịch thu phí tại trạm theo phương thức mới đều được chuyển về và lưu trữ trên trung tâm dữ liệu của hệ thống. Cuối ngày, doanh thu của từng trạm sẽ được chuyển về tài khoản của nhà đầu tư BOT thông qua hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng, một cách chính xác, minh bạch. Tại bất kỳ đâu, và bất kỳ lúc nào các nhà đầu tư BOT cũng như cơ quan chức năng có thẩm quyền đều có thể kiểm soát được thông tin dữ liệu qua mạng Internet.

Hạn chế tình trạng khai man, gian lận thuế…

Trao đổi với báo chí xung quanh đề xuất trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: Đây là một công nghệ rất hiện đại tiên tiến được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Nếu Việt Nam triển khai thành công sẽ rất tốt, vì việc này tiện lợi cho người dân, không phải mất thời gian làm thủ tục thanh toán phí tại các trạm thu phí đường bộ - tránh được ùn tắc.

Phía DN sẽ hạn chế được các hiện tượng tiêu cực như quay vòng vé, trốn vé, tiết kiệm được chi phí nhân lực. Về phía cơ quan quan chức năng quản lý nhà nước cũng thu được thuế, và tăng cường tính công khai minh bạch.

Tất cả những thông tin, biển kiểm soát, chủng loại xe, tài xế, thời điểm qua trạm, mức phí… đều được công khai trong quá trình giao dịch giữa tài xế với trạm thu phí.

Những dữ liệu này cũng đều được tập hợp truyền về để cơ quan chức năng tiện quản lý, nên sẽ hạn chế tối đa tình trạng gian dối trong thu cước phí của trạm thu – chắc chắn sẽ không còn tình trạng thu 10 đồng nhưng lại báo cáo cơ quan chức năng chỉ 1 đồng, nhằm mục đích gian lận như đã từng xảy ra ở một số trạm thu” – ông Bùi Danh Liên nói.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến băn khoăn liên quan đến hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam. Thế nên, để chủ trương thực hiện thành công, cơ quan chức năng cũng cần tính đến khả năng những “lỗi” do khách quan đem lại ví dụ đứt cáp, đứt mạng Internet, dẫn đến trục trặc tín hiệu, thì biện pháp xử lý thế nào? Các trạm thu phí này, cũng phải đề phòng sự cố mất điện.

Thực tế cho thấy, hiện tại tài xế ô tô đang phải trả phí đường bộ theo cách mua vé ngày hoặc vé tháng tại các trạm thu phí. Cả hai cách này, mỗi lần qua trạm thu phí tài xế đều “tốn” thời gian do phải dừng lại chờ nhân viên soát vé làm thủ tục kiểm tra vé, hoặc bán vé thu tiền, mới có thể qua trạm.

Việc này cũng khiến tình trạng ùn tắc giao thông ở nhiều trạm thu phí diễn ra khá thường xuyên. Do đó, đề xuất của cơ quan chức năng về việc cho phép áp dụng thí điểm hình thức không dùng tiền mặt trong thanh toán phí đường bộ, chính là nhằm khắc phục các hạn chế của cách thu phí một dừng đang tồn tại hiện nay.

Sỹ Hào

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/thanh-toan-phi-duong-bo-khong-dung-tien-mat-han-che-tieu-cuc-tiet-kiem-chi-phi-nhan-luc-97451/