Thanh toán không dùng tiền mặt: Giải pháp gỡ rối khi mua hàng trên mạng

Không ít chủ cửa hàng, nhân viên giao hàng trên các sàn thương mại, ứng dụng điện tử từng gặp phải tình trạng khách hàng đặt đơn nhưng sau đó không nhận hàng và thanh toán. Tuy các sàn thương mại, ứng dụng điện tử đã dần siết chặt việc quản lý với các tài khoản nhưng tình trạng 'bùng hàng' vẫn diễn ra thường xuyên.

Chị Phạm Khánh Ly (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) là chủ gian hàng thời trang trên một số sàn thương mại điện tử. Mỗi ngày chị Ly đều nhận được vài chục lượt đặt hàng nhưng gần 1/4 trong số đó là các đơn hàng khó, hoặc có biểu hiện cố ý “bùng đơn” hàng. Theo chị, đa phần những đơn hàng dạng này được thực hiện bằng phương thức thanh toán nhận hàng trước, sau đó mới trả tiền mặt cho phía đơn vị vận chuyển.

Với một người làm nghề giao đồ ăn trực tuyến trên các ứng dụng giao hàng, anh Hoàng Công Nam (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) nhiều lần gặp phải khách đặt hàng nhưng không nhận đồ ăn, đơn hàng cao nhất anh bị “bùng” lên đến hơn 1 triệu đồng. Anh Nam kể: “Sức cạnh tranh của công việc này rất lớn, cộng thêm việc nhiều người vì bị khách hàng đặt nhưng không nhận khiến ngày càng có nhiều tài xế giao đồ ăn nghỉ việc.

Thực tế, khi các đơn bị "bùng" đều được khách đặt trước sau đó tài xế sẽ phải ứng một khoản để lấy hàng, đến khi giao cho khách sẽ thu luôn tiền hàng cùng phí vận chuyển. Điều này tạo cơ hội thuận lợi để các đối tượng có ý đồ xấu trục lợi vào đó để gây ảnh hưởng, mất uy tín tới phía cửa hàng, đơn vị đối tác, trong khi đó người trực tiếp bị ảnh hưởng là các tài xế giao hàng công nghệ. Chúng tôi rất mong việc thúc đẩy không dùng tiền mặt sẽ thay thế hình thức thanh toán truyền thống để tránh những rủi ro này trong các giao dịch trực tuyến”.

Ông Đặng Hoàng Minh, Giám đốc Công ty CP Foody tại Đà Nẵng cho biết, nhóm khách hàng hiện nay sử dụng hình thức trả tiền trước qua ví điện tử, thanh toán kỹ thuật số có tỷ lệ nhận hàng từ các tài xế cao hơn so với nhóm nhận hàng mới trả tiền mặt trực tiếp. Điều này khá dễ hiểu vì tâm lý khách hàng trả tiền trước sẽ có lý do để nhận hàng, còn người chưa trả tiền hàng thì mức độ cam kết thấp hơn.

“Chúng tôi nhận thấy việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ cải thiện được rất nhiều những rủi ro trong việc giao dịch, tạo niềm tin từ người mua cũng như người bán với tính minh bạch từ tài khoản thanh toán lẫn tài khoản được nhận. Về phía người bán và tài xế công nghệ có thể thấy nguồn tiền đã được giữ lại, nên cũng yên tâm bán hàng và giao hàng”, ông Minh trả lời.

Ông Võ Văn Khanh, Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, để giảm thiểu rủi ro, nhiều cửa hàng, tài xế công nghệ đã lựa chọn gọi điện xác minh đơn hàng trước khi vận chuyển tránh việc giao sai, giao thiếu. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời chứ chưa thể khắc phục hoàn toàn.

“Các sàn thương mại, ứng dụng điện tử hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng trong việc quản lý tài khoản khi người dùng hay các đối tượng xấu vẫn có thể đăng ký tài khoản một cách dễ dàng, tài khoản chưa có sự định danh cá nhân nên việc các đối tượng phá rối, đặt rồi không nhận hàng vẫn xảy ra thường xuyên. Thiết nghĩ, để giảm thiểu vấn đề này, trước mắt thì các ứng dụng, sàn thương mại điện tử cần xác minh định danh các tài khoản, tránh việc một cá nhân có quá nhiều tài khoản bằng phương thức đăng ký truyền thống qua mạng xã hội hay hòm thư điện tử. Về lâu dài, các sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ có thể xem xét bỏ hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi các ví điện tử, tài khoản ngân hàng điện tử đều đã có thể sử dụng ví ghi nợ, trả góp, trả sau với trường hợp tài khoản cá nhân không đủ số tiền giao dịch”, ông Khanh bày tỏ.

CHIẾN THẮNG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5404/202303/so-tay-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-giai-phap-go-roi-khi-mua-hang-tren-mang-3940902/