Thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt: Bước dài từ ý tưởng đến hiện thực

GD&TĐ - Sau 2 năm Sở GD&ĐT TPHCM triển khai thí điểm đề án thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt (đề án SSC), còn gọi là thẻ học đường, mặc dù có khá nhiều tiện ích, nhưng phụ huynh và HS sử dụng thẻ vẫn còn nhiều lúng túng, băn khoăn.

Theo kiến nghị của một số trường, để đề án thẻ SSC phát huy hết tính hiệu quả của nó, cần có thêm thời gian để trường tuyên truyền, hướng dẫn kĩ cho phụ huynh cũng như đẩy nhanh tiến độ tích hợp các dịch vụ tiện ích của thẻ.

Khó khăn trong việc làm quen

Đề án SSC được TPHCM triển khai thí điểm từ năm học 2014 - 2015. Theo báo cáo của Sở tại hội nghị triển khai đề án SSC mới đây, bắt đầu từ năm 2017, TPHCM sẽ triển khai thu học phí qua thẻ 100% (tương ứng với phát hành 1 triệu thẻ SSC) đến cả bậc tiểu học, THCS.

Trong quá trình triển khai đề án, theo chia sẻ của một số trường, họ cần có thêm thời gian để tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh, HS về việc đăng kí cũng như thấy được sự tiện ích của thẻ.

Có mặt tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) ngày 11/10, theo quan sát của chúng tôi, có không ít phụ huynh đến trường để đăng kí tham gia làm thẻ cũng như nghe các nhân viên ngân hàng tư vấn thêm, tuy nhiên số lượng phụ huynh đến thanh toán tiền học qua thẻ khá ít.

Anh Nguyễn Sơn Hải, có con đang theo học khối 11 của trường sau khi quẹt thẻ đóng tiền học cho con, cho biết: Xài thẻ này rất nhanh gọn khi mình quẹt thẻ, nhập số tiền cần đóng, máy sẽ tự động in hóa đơn cho phụ huynh nhưng hiện thấy thẻ chỉ có chức năng đóng tiền học, cũng chưa khác lắm với thẻ ATM mình dùng đi mua hàng. Chưa kể, còn phải đóng phí hằng năm, rồi lại được cấp 2 thẻ, thẻ con, thẻ bố nữa cũng hơi rối một chút.

Tương tự, chị Đỗ Thị Mai có con đang theo học ở trường cho biết, khi nghe thông tin từ trường về triển khai làm thẻ học đường, chị đã đăng kí tham gia nhưng chị vẫn chưa nộp tiền vào để thanh toán tiền học mà vẫn chọn cách đến trường đóng tiền mặt.

Lý do chị Mai đưa ra là, “vì tiền học phí cũng không nhiều nên khi nào tiện tôi ghé qua trường đóng luôn. Thường ngày cũng ít khi dùng thẻ nên không quen ra ngân hàng đóng tiền chuyển tiền, thấy hơi mất thời gian”.

Được biết, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu có 1.516 HS, hiện đã có 60% phụ huynh HS đăng kí tham gia thẻ SSC. Hiện ban thực hiện đề án của trường đang tiếp tục vận động, tuyên truyền cho phụ huynh để thẻ SSC được phủ rộng trong toàn trường trong năm học 2016 - 2017.

Cũng như Trường Nguyễn Hữu Cầu sau một năm triển khai, Trường THPT Tân Phong (quận 7) đã phát hành thẻ SSC cho 1.500 HS và tiến hành thu tiền học 100% qua hệ thống thẻ.

Đến nay, số phụ huynh HS đóng tiền qua thẻ đã hơn 60%, số còn lại phụ huynh HS chưa quen nên vẫn đóng tiền mặt cho nhà trường. Theo đánh giá của thầy Hoàng Sơn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong, “do nhiều phụ huynh trong trường còn khó khăn, thậm chí có người không biết chữ nên việc họ ra ngân hàng hoặc dùng thẻ sẽ rất khó. Vì thế trường vẫn thu tiền mặt và nhập dữ liệu vào máy, đồng thời cố gắng động viên để phụ huynh HS quen dần”.

Sớm kích hoạt các tiện ích của thẻ

Được biết, thẻ SSC có chức năng đóng tiền học phí, các khoản khác thông qua máy POS (cà thẻ thông minh) được lắp đặt tại trường hoặc ngân hàng.

Thẻ còn dùng để chi trả các dịch vụ giá trị tiện ích gia tăng khác phục vụ cho HS học tập như video bài giảng, tài liệu tham khảo điện tử, học bạ điện tử, sách giáo khoa điện tử, trò chơi giáo dục và trong thời gian tới là ứng dụng y bạ điện tử.

Mức phí sử dụng cho thẻ này là 66.000 đồng/năm do Ngân hàng Nhà nước quy định. Vì vậy, là những người trực tiếp sử dụng tiện ích nói trên của thẻ, nhiều em HS cũng rất mong muốn, thẻ sớm có kết nối những tiện ích thay vì chỉ bước đầu thanh toán học phí như hiện tại.

Em Minh Phú, HS khối 11 của Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ, hiện ngoài việc thanh toán tiền thì thẻ vẫn chưa dùng được những tiện ích khác nên khi đóng tiền xong các bạn đều đưa lại thẻ cho ba mẹ hoặc cất vào cặp.

Vì vậy, chúng em hi vọng sớm có những tiện ích khác để sử dụng thẻ thường xuyên phục vụ cho học tập của chúng em như tên gọi của nó.

Đồng quan điểm, em Thúy Tiên (HS lớp 11B3, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu) cho rằng, “em thấy thẻ rất tiện khi chúng em chỉ cần thao tác đơn giản để đóng tiền.

Trước đây, một số bạn cầm tiền mặt theo có bạn làm rơi, có bạn bỏ quên ở đâu không nhớ nên quẹt thẻ cũng rất tiện lợi, an toàn, tuy nhiên chúng em vẫn luôn muốn thẻ sớm có thêm các tiện ích khác để sử dụng”.

Đánh giá về thẻ SSC, thầy Nguyễn Minh Triết, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu cho hay: Thẻ này rất tiện ích khi thanh toán tiền học cho các em đơn giản, thao tác nhanh gọn, chính xác. Về phía phụ huynh có thể dễ dàng quản lý được chi tiêu tài chính của con.

Còn về phía trường, việc thanh toán qua thẻ, cũng rất thuận lợi cho khâu quản lý tài chính về tính chính xác, nhanh, rành mạch. Nhưng để phụ huynh hiểu hết được tiện ích thì phải cần tăng cường tuyên truyền, động viên phụ huynh, cho phụ huynh thấy được tính tiện ích của nó.

Liên quan đến lộ trình thực hiện đề án, theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, hiện Sở đã ký kết sử dụng thẻ này với 21 đối tác là các nhà xuất bản, trung tâm Anh ngữ, bảo hiểm, hệ thống thức ăn nhanh, rạp chiếu phim, rồi tiến tới tích hợp làm thẻ đi xe buýt cho những tuyến ra vào TP... để tăng các dịch vụ tiện ích cho thẻ.

Được biết, việc thực hiện thẻ SSC là chủ trương của UBND TP thực hiện theo Nghị định của Chính phủ về việc thanh toán không sử dụng tiền mặt.

Đây là chủ trương rất mới nên Sở phối hợp với Công ty Ngôi nhà Xanh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP triển khai theo lộ trình. Từ thí điểm 16 trường, đến nay 40 trường và sắp tới sẽ nhân rộng đến 300 trường, rồi dần sẽ đến toàn ngành.

“Theo tôi, những khó khăn các trường gặp phải chủ yếu về mặt kỹ thuật, do công tác phối hợp chưa tốt giữa các bên nên thông tin đến trường và phụ huynh chưa đầy đủ. Thời gian tới, Sở sẽ cùng với Công ty cổ phần văn hóa Ngôi nhà Xanh và các ngân hàng tiếp tục công tác tuyên truyền rộng rãi đến xã hội về ý nghĩa và tiện ích khi sử dụng thẻ. Sở cũng đề nghị các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với các trường để khắc phục những khó khăn về kỹ thuật, hướng dẫn cụ thể cách dùng đến từng phụ huynh, không gây khó khăn hay phiền phức và mất niềm tin từ phụ huynh” - Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho hay.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thanh-toan-hoc-phi-khong-su-dung-tien-mat-buoc-dai-tu-y-tuong-den-hien-thuc-2423844-b.html