Thành quả từ sự kết hợp ăn ý của phóng viên Tin tức ở hai đầu đất nước

Xuất phát từ thực tế đời sống có nhiều vướng mắc liên quan đến quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, phóng viên báo Tin tức ở hai 'đầu cầu' Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã kết hợp rất ăn ý, để rồi loạt bài 'Tháo gỡ vướng mắc trong sử dụng đất nông nghiệp' ra đời, được bạn đọc đánh giá cao.

Đồng lòng tạo nên sản phẩm thông tin chất lượng

Năm 2022, khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần 1 được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Chính phủ, là phóng viên theo dõi ngành, tôi được tiếp cận nhiều thông tin liên quan đến vấn đề này.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều với rất nhiều nội dung. Nhưng đất nông nghiệp là nội dung chiếm thời lượng lớn nhất trong dự thảo và trong thực tế, còn có rất nhiều vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất. Tôi lập tức có ý định xây dựng loạt bài về nội dung này. Theo chỉ đạo của Tổng biên tập báo Tin tức Ninh Hồng Nga, “cần có sự phối hợp phóng viên 2 miền để có cái nhìn tổng quát nhất”, tôi gọi điện cho phóng viên Hoàng Tuyết tại TP Hồ Chí Minh.

Khi tôi vừa đề cập vấn đề, phóng viên Hoàng Tuyết đã nhắc ngay đến quê mình - xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Mặc dù sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh gần 20 năm nhưng nhà báo Hoàng Tuyết vẫn luôn “đau đáu” về thực trạng tại quê nhà.

Cách đây hơn 10 năm, khi xã Cự Khê thực hiện việc thu hồi đất nông nghiệp, người dân ai cũng nghĩ đời sống sẽ tốt lên. Tuy nhiên, đã qua hơn 10 năm, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn không phát triển hơn, thậm chí một số ra gia đình còn rơi vào cảnh “khó khăn chồng chất” khi phải bỏ xứ mà đi, một số hộ dân vì vướng chính sách quy hoạch nên không có nhà để ở…

“Chứng kiến cuộc sống của người dân ở nơi mình sinh ra còn nhiều vất vả nên tôi thực hiện phần ghi nhận đời sống của người dân sau khi thu hồi tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội để mong sao các cơ quan chức năng sớm có giải pháp giúp người dân bị thu hồi đất được hưởng những quyền lợi chính đáng sau 10 năm bị “treo””, phóng viên Hoàng Tuyết chia sẻ.

Chúng tôi thống nhất, phóng viên Hoàng Tuyết ngoài ghi nhận thực tế tại quê nhà sẽ ghi nhận thực tế tại TP Hồ Chí Minh, còn tôi sẽ đảm nhận phỏng vấn chuyên gia, doanh nghiệp và quản lý nhà nước về vấn đề này. Sau đó, tôi sẽ chắp bút và cùng chị Hoàng Tuyết hoàn thiện sản phẩm.

Phóng viên Hoàng Tuyết kể, khi thực hiện phần ghi nhận thực tế tại dự án khu đô thị mới Bình Trưng Đông - Cát Lái, TP Thủ Đức, chị đã gặp không ít khó khăn. Đây là khu đất vàng nằm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm và dự án này được người dân kỳ vọng sẽ giúp thay đổi đời sống người dân ở khu vực Quận 2 (cũ) - nay là TP Thủ Đức. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm chờ đợi người dân vẫn chưa được đền bù thỏa đáng và được giao đất xây nhà ổn định đời sống.

“Khi đến khu vực dự án này ghi nhận thực tế thì đa số người dân đều từ chối và không muốn hợp tác. Bởi họ cho rằng, cách đây hơn 10 năm rất nhiều báo chí đã viết về đời sống, kiến nghị của họ nhưng không có kết quả như mong đợi. Vậy bây giờ viết tiếp, viết lại liệu còn tác dụng gì không? Tuy nhiên sau nhiều lần thuyết phục, tôi cũng được người dân đồng ý chia sẻ những khó khăn khi không có nhà, có đất sau khi giao đất nông nghiệp cho các chủ đầu tư thực hiện dự án”, phóng viên Hoàng Tuyết kể.

Phóng viên Thu Trang phỏng vấn chuyên gia kinh tế.

Loạt bài có “sức nặng”

Khi phóng viên Hoàng Tuyết đi ghi nhận thực tế, tôi cũng thực hiện đi phỏng vấn doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý về vấn đề này. So với phóng viên Hoàng Tuyết, tôi có chút thuận lợi hơn, khi doanh nghiệp rất mong muốn được chia sẻ những khó khăn trong thực tế của mình. Tuy nhiên, tôi cũng phải mất thời gian để thuyết phục và chờ đợi chuyên gia, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sắp xếp lịch (vì lịch làm việc dày đặc), bố trí thời gian trả lời phỏng vấn.

Loạt bài “Tháo gỡ vướng mắc trong sử dụng đất nông nghiệp” gồm có 5 bài, khai thác từ nhiều góc độ. Ngoài 2 bài ghi nhận thực tế từ người dân và doanh nghiệp trong vướng mắc quản lý, sử dụng đất đai thì bài 3 và bài 4 là ý kiến chuyên gia, đóng góp ý kiến về nội dung đất nông nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và bài thứ 5 là phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.

Trong đó, riêng bài 3 “Làm rõ quy định về ngân hàng đất đai” viết về ngân hàng đất đai là một trong những điểm mới tại dự thảo. Quy định này đưa ra được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng đất đai bị bỏ hoang gây lãng phí, trong khi các doanh nghiệp thì lại thiếu đất để sản xuất, tháo gỡ nhiều vướng mắc hiện nay. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chuyên gia, cần quy định rõ khái niệm và cơ chế hoạt động của mô hình này.

Loạt bài sau khi được đăng tải trên báo giấy Tuần Tin tức đã nhận được phản hồi tích cực từ phía bạn đọc cũng như các chuyên gia và cơ quan quản lý.

Một trong những thành công của loạt bài là đã góp tiếng nói xây dựng, chỉ ra những vướng mắc khi thực hiện ngân hàng đất đai. Trước những ý kiến góp ý trong đợt lấy ý kiến đầu tiên, tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần thứ 2 lấy ý kiến nhân dân từ 3/1-15/3/2023 đã bỏ quy định này, thay vào đó, nội dung này đã được đưa vào Chương VIII: Phát triển quỹ đất với nhiều quy định tiến bộ và sát với thực tế, được người dân và chuyên gia đánh giá cao.

Rất may mắn, tôi và phóng viên Hoàng Tuyết cùng theo dõi lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường nên khi nói ý tưởng và đề cương loạt bài, cả hai đã rất hiểu ý nhau và việc khớp nối nội dung bài viết cũng thuận lợi hơn.

Trong suốt quá trình thực hiện đề tài, hai phóng viên trao đổi thường xuyên về khó khăn, hạn chế khi đi thực hiện tìm hiểu lấy tư liệu cho bài viết. Mỗi lần gặp khó khăn chúng tôi lại động viên nhau cố gắng hơn để hoàn thành loạt bài. Những lần làm việc nhóm còn giúp phóng viên trưởng thành hơn trong khâu tác nghiệp, thu thập tư liệu và cách xây dựng bố cục bài viết nhiều kỳ.

Cùng với đó, để tạo được loạt bài có chất lượng thì không thể thiếu sự góp ý của các đồng nghiệp, các lãnh đạo phòng, Ban Biên tập báo Tin tức, từ khâu xây dựng đề cương tới biên tập loạt bài, hiệu đính và xuất bản. Và khi chứng kiến sự lan tỏa của tác phẩm, chúng tôi thêm thấm thía: Một bài báo có chất lượng ra đời, không chỉ mang trong nó sự xông pha cần mẫn của phóng viên, mà còn là sự kết tinh tâm huyết, là sản phẩm sáng tạo tập thể, đồng lòng của cả tòa soạn báo Tin tức.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/thanh-qua-tu-su-ket-hop-an-y-cua-phong-vien-tin-tuc-o-hai-dau-dat-nuoc-20230424105142766.htm