Thạnh Phú khai thác tiềm năng để phát triển du lịch

Thạnh Phú là huyện ven biển của tỉnh Bến Tre có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, du lịch cộng đồng, sinh thái. Những năm gần đây, Thạnh Phú đã đầu tư, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, xây dựng nhiều công trình đưa vào khai thác tạo thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch trải nghiệm...

Du khách trải nghiệm cào nghêu tại bờ biển xã Thạnh Hải, khu vực Hợp tác xã thủy sản Bình Minh. Ảnh: Phương Nghi

Khai thác tiềm năng

Thời gian qua, huyện Thạnh Phú tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng, tạo điểm nhấn mang nét đặc trưng du lịch Thạnh Phú với các loại hình tham quan di tích lịch sử - văn hóa (nhà cổ Huỳnh Phủ, nơi xuất quân Tiểu đoàn 307, di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển), du lịch biển Thạnh Phú gắn với tham quan điện gió và các điểm tâm linh. Bên cạnh đó, ven sông Cổ Chiên, Hàm Luông có tiềm năng lợi thế phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong những chiến lược phát triển du lịch Thạnh Phú.

Trước khi ra bãi biển, tại Cồn Bửng (xã Thạnh Hải), du khách có thể tham quan đền thờ cá ông. Ngoài ra, ở đây còn có Lễ hội Nghinh Ông, là dịp để người dân làm nghề biển thư giãn sau những ngày lao động vất vả, đồng thời để tỏ lòng biết ơn đối với một sinh vật “thiêng” của biển, mà ngư dân chứa đựng niềm tin về sự giúp đỡ của cá ông mỗi khi đi biển.

Ông Đặng Công Trường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Thạnh Phú cho biết: "Trong năm 2022, với nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá gắn với việc nâng cao chất lượng phục vụ, lượng khách du lịch tăng trên 350.000 lượt, tuyến, điểm du lịch cơ bản hình thành, sản phẩm du lịch tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng... Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tiêu thụ số lượng lớn mặt hàng thủy, hải sản của địa phương thông qua hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch”.

Sự hòa quyện giữa chiều dài lịch sử của các di tích đan xen với tiềm năng du lịch biển đã giúp cho Thạnh Phú ngày càng phát triển các loại hình du lịch phong phú và đa dạng như ngày nay. Du khách đến đây ngoài tận hưởng nhiều khung cảnh đẹp ở vùng biển, còn được đắm chìm trong muôn ngàn loại hải sản phong phú và đa dạng. Để phục vụ du khách, Thạnh Phú đã đầu tư các nhà hàng, khách sạn và các sản phẩm du lịch mô tô nước, dịch vụ câu cá, du lịch tham quan làng nghề...

Điểm nhấn của du lịch Thạnh Phú năm 2023 là vừa qua, địa phương này đã tổ chức thành công Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch biển năm 2023, với chủ đề “Du lịch biển Thạnh Phú liên kết và phát triển”, tại Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (xã Thạnh Hải), thu hút hơn 30.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Ông Châu Văn Bình, Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú cho biết: “Việc tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch biển huyện Thạnh Phú năm 2023 vừa là sự kiện để giới thiệu, quảng bá và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh Bến Tre nói chung và Thạnh Phú nói riêng, vừa là hoạt động kích cầu du lịch, hưởng ứng thực hiện Chương trình hành động số 22 của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh Bến Tre về phát triển du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, tạo điều kiện liên kết, thúc đẩy phát triển tuyến, điểm du lịch huyện Thạnh Phú gắn với các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo Đề án phát triển du lịch huyện Thạnh Phú, đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thu hút 2,5 triệu lượt khách du lịch và tạo việc làm cho 2.500 lao động... Để hiện thực hóa khát vọng này, Thạnh Phú đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch tập trung xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, công nghệ thông tin phục vụ phát triển du lịch. Không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn để thu hút du khách, nhất là khách ngoài tỉnh và khách quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết: Trong thời gian tới, Thạnh Phú có nhiều giải pháp định dạng lại các mô hình nông nghiệp sinh thái như trồng xoài, sa sâm, nuôi tôm công nghệ cao. Đây là sản phẩm du lịch, điểm đến tham quan, du lịch của huyện Thạnh Phú. Huyện sẽ mở ra dịch vụ du lịch tham quan điện gió, quy hoạch lại Khu du lịch Cồn Bửng, chợ thủy sản khang trang, quy củ hơn. Đặc biệt, phát triển 2 làng văn hóa du lịch Thạnh Phong - Thạnh Hải và Đại Điền - Phú Khánh.

“Bên cạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; tín ngưỡng dân gian vùng biển, du lịch vui chơi giải trí tiếp tục là các loại hình du lịch tiềm năng của Thạnh Phú. Huyện quan tâm nghiên cứu phát triển du lịch về nguồn, chọn điểm nhấn là khai thác có hiệu quả Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển...” - ông Tân thông tin.

Thạnh Phú cũng quan tâm mời gọi đầu tư vào các dự án du lịch nghỉ dưỡng biển, nâng cấp các cơ sở lưu trú thành khách sạn, đầu tư nhà hàng đáp ứng được yêu cầu phục vụ du khách, thúc đẩy liên kết phát triển các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh. Tin rằng, nếu khai thác hiệu quả và có sự đầu tư đúng đắn theo hướng bền vững, Thạnh Phú sẽ là điểm đến hấp dẫn khách du lịch mỗi lần đặt chân đến Bến Tre.

Phương Nghi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thanh-phu-khai-thac-tiem-nang-de-phat-trien-du-lich-post464725.html