Thành phố Lạng Sơn: Khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ rau an toànTin khácThể lệ tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm 'Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' năm 2022Tổng đài viên đặc biệt: Chỗ dựa vững chắc cho F0 điều trị tại nhà

Trong vài năm trở lại đây, nắm bắt được xu hướng lựa chọn và sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng, các hợp tác xã (HTX) sản xuất rau ở địa bàn thành phố Lạng Sơn đã chuyển hướng sang trồng, chăm sóc rau an toàn. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích cũng như tiêu thụ rau an toàn ở các HTX lại gặp nhiều khó khăn.

Từ lâu nay, bà con tại một số xã, phường của thành phố Lạng Sơn đã đưa cây rau vào trồng vụ đông đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm nông sản an toàn, các hộ trồng rau, hợp tác xã sản xuất rau nơi đây đã chú trọng sản xuất rau đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Người dân chăm sóc rau an toàn tại thôn Pò Đứa, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế thành phố, trong 3 năm trở lại đây, bà con trên địa bàn duy trì diện tích trồng hơn 100 ha rau các loại, tập trung nhiều tại các xã: Mai Pha, Quảng Lạc, với sản lượng hằng năm đạt gần 9.000 tấn. Trong đó, diện tích trồng rau an toàn đạt gần 25 ha với sản lượng hằng năm khoảng 300 tấn. Hiện nay, thành phố có 4 HTX sản xuất rau an toàn gồm: HTX Nông nghiệp công nghệ cao và phát triển Lạng Sơn; HTX Dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông; HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Pò Đứa (xã Mai Pha) và HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng (xã Quảng Lạc).

Qua tìm hiểu của chúng tôi, khó khăn đối với các HTX sản xuất rau an toàn đó là thị trường tiêu thụ rau không ổn định, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Hiện nay, hầu hết sản lượng rau an toàn đều được các hộ thành viên của các HTX tự bán cho các tiểu thương ở các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố chứ chưa liên kết được với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Cái khó nữa là giá rau an toàn cao hơn so với rau thông thường, trong khi đó, việc phân biệt rau an toàn của người tiêu dùng còn hạn chế nên nhiều người chọn mua sản phẩm rẻ hơn.

Là một trong những HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố, thời gian qua, HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Pò Đứa, xã Mai Pha cũng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Bà Lý Thị Thắng, Giám đốc HTX cho biết: Hiện HTX có 34 hộ trồng, sản xuất rau củ an toàn với diện tích trên 5 ha. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất và tiêu thụ được khoảng 135 tấn rau, củ các loại. Trước năm 2021, HTX ký hợp đồng với một số công ty, đơn vị để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, từ năm 2021 trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các doanh nghiệp không còn thu mua nữa, nên các hộ thành viên trồng rau tự chủ động mang ra chợ bán, hoặc giao tư thương mang đi các địa phương khác tiêu thụ.

Chị Lý Thị Vân, thành viên HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Pò Đứa cho biết: Năm 2018, tôi tham gia HTX và triển khai trồng rau an toàn. Tham gia mô hình, tôi thấy việc trồng rau an toàn phải tuân thủ đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc và cần nhiều thời gian hơn, chi phí đầu tư sản xuất cao. Tuy nhiên, hiện nay, khi bán thì giá rau an toàn cũng chỉ bằng giá rau sản xuất đại trà và chúng tôi cũng tự tìm nơi tiêu thụ, chủ yếu vẫn là bán lẻ tại các chợ.

Không chỉ HTX trên, các HTX sản xuất rau an toàn còn lại trên địa bàn thành phố cũng gặp khó khăn tương tự. Được biết, thời gian qua, để tạo điều kiện phát triển các mô hình trồng rau an toàn, các cấp chính quyền từ tỉnh đến thành phố cũng đã quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí để các HTX xây dựng một số hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên.

Ông Phạm Công Cường, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lạng Sơn cho biết: Các HTX sản xuất rau an toàn đã từng có thời gian tạo được mối liên kết với một số doanh nghiệp để tiêu thụ rau, tuy nhiên, sự liên kết này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp cần tiêu thụ số lượng lớn nhưng việc sản xuất rau ở thành phố thì theo thời vụ, chủ yếu vào vụ đông, sản lượng không đều nên mối liên kết bị “đứt gãy”. Thời gian tới, dựa trên nhu cầu của bà con, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất rau an toàn cho bà con, từng bước hình thành vùng chuyên canh, sản xuất rau quanh năm, tạo sản lượng đều chứ không phải theo thời vụ như hiện nay.

Thiết nghĩ, để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ rau an toàn, ngoài sự chủ động từ doanh nghiệp, HTX, rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị trong việc tìm kiếm doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân trên địa bàn thành phố nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

CẨM HÀ - HOÀNG CƯỜNG

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/488967-thanh-pho-lang-son-kho-khan-trong-san-xuat-va-tieu-thu-rau-an-toan.html