Thành phố Hà Nội chăm lo cho người dân tộc thiểu số

Thành phố Hà Nội là một trong số những địa phương triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đường giao thông của xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) được đầu tư nâng cấp giúp cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tốt hơn. Ảnh: hanoimoi.

Đợt khảo sát mới đây của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho thấy, chương trình được triển khai bảo đảm thiết thực và hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số...

Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng hơn 108 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc 50/53 dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn Thành phố. Trong đó, đồng bào các DTTS sống quần cư thành thôn ở 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, với dân số trên 55.000 người, chiếm 51% người DTTS trong toàn Thành phố.

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, đặc điểm tình hình vùng đồng DTTS và miền núi của Thủ đô, ngày 11/11/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030 (Kế hoạch 253), trong đó đề ra 9 nội dung thực hiện để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo kế hoạch, tổng mức vốn đầu tư dự kiến là 2.144,523 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.647,702 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp là 496,821 tỷ đồng.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025 tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến là: 2.144,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản 1.647,7 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp 496,8 tỷ đồng

Có 9 nội dung được đầu tư, gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất, nông, lâm nghiệp, du lịch, củng cố phát triển ngành, nghề truyền thống, làng nghề, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tính đến hết tháng 7 năm 2023, Thành phố Hà Nội đã bố trí hơn 1.172 tỷ đồng để thực hiện các nội dung đạt 54,7% kế hoạch. Trong đó: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản 1.050,2 tỷ đồng. Vốn sự nghiệp 121,8 tỷ đồng

Kết quả thực hiện: Tổng số dự án đã được bố trí vốn: 95/114 dự án, đạt 83%. Kinh phí đã bố trí: 1.050,2 tỷ đồng, đạt 71,76%. Kinh phí đã giải ngân 883,5 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch. Số dự án chưa bố trí vốn: 19 dự án. Kinh phí cần tiếp tục bố trí: 413,3 tỷ đồng.

Trong đó: Lĩnh vực thủy lợi: 2 dự án. Kinh phí: 86,6 tỷ đồng. Lĩnh vực văn hóa: 9 dự án. Kinh phí: 45,6 tỷ đồng. Lĩnh vực y tế: 1 dự án. Kinh phí: 27 tỷ đồng. Lĩnh vực giáo dục 2 dự án: Kinh phí: 210,6 tỷ đồng. Lĩnh vực khác: 5 dự án. Kinh phí: 43,5 tỷ đồng.

Các dự án đã bố trí vốn, được các huyện tích cực triển khai thực hiện, đến nay đã có 52/95 dự án hoàn thành đã đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư; 15 dự án cơ bản hoàn thành chuẩn bị bàn giao;13 dự án chuyển tiếp đang tổ chức thi công; 15 dự án phân bổ vốn năm 2023 các huyện đang tích cực hoàn thiện các thủ tục đầu tư, chuẩn bị khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2025.

P.V

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thanh-pho-ha-noi-cham-lo-cho-nguoi-dan-toc-thieu-so-5739831.html