Thành phố Hà Giang từng bước xây dựng Chính quyền số

Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành và giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước theo mô hình “Chính phủ điện tử” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Giang nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. Đến nay, sau hơn nửa nhiệm kỳ, thành phố Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trung tâm điều hành, giám sát IOC thành phố.

Xác định CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN ở địa phương, trong những năm gần đây, thành phố đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC, tạo lập dữ liệu điện tử, chuẩn hóa, công khai, niêm yết đầy đủ trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã tạo thuận lợi cho cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC. Đến nay, quy trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết hồ sơ TTHC tại Bộ phận “một cửa” thành phố và các xã, phường đã khắc phục những tồn tại, hạn chế và đi vào nền nếp, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt trên 30%; giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn, trước hạn đạt trên 97%.

Đồng chí Đào Quang Diệu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho biết: Cùng với quyết tâm phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số và ứng dụng dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, thành phố Hà Giang đang từng bước xây dựng, phát triển theo hướng đô thị thông minh bằng việc duy trì và phát triển các phân hệ của Trung tâm Điều hành giám sát thành phố (Trung tâm IOC). Tổng hợp báo cáo điều hành chỉ tiêu phát triển KT-XH bằng phần mềm VSR đến các phòng, ban, đơn vị. Tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện CCHC, hàng năm ban hành các kế hoạch CCHC như: Khắc phục và nâng cao chỉ số; tuyên truyền về CCHC; điều tra xã hội học xác định chỉ số CCHC các xã, phường; kế hoạch về thực hiện chủ đề năm 2023 “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá” và các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện CCHC…

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố đã tổ chức tuyên truyền pháp luật được 643 buổi với 44.545 lượt người tham gia; 1 lớp tập huấn cho 130 tuyên truyền viên pháp luật. Chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới công nghệ thông tin từ thành phố tới các xã, phường; đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC. Hiện, các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND thành phố, các xã, phường áp dụng đầy đủ các ứng dụng các phần mềm quản lý văn bản và điều hành, một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông, dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số. Đã có 312 thủ tục được công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh… đến hết quý I năm 2023, thành phố tiếp nhận 10.376 hồ sơ; đã giải quyết 10.148 hồ sơ đúng và trước hạn. Công tác tổ chức bộ máy được đổi mới, sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; việc sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định, biên chế giao hàng năm.

Để từng bước xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, thành phố đã triển khai hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU của BCH Đảng bộ thành phố về Chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Thành lập BCĐ chuyển đổi số thành phố và 8/8 xã, phường; 101/101 thôn, tổ dân phố thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 616 thành viên; tổ chức tập huấn cho 411 lượt cán bộ, công chức, viên chức là thành viên BCĐ chuyển đổi số thành phố, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Nâng cấp hệ thống wifi 3 phòng họp và Trung tâm hội nghị thành phố để phục vụ phòng họp không giấy tờ. Lắp đặt hệ thống camera tại Bộ phận một cửa các xã, phường và kết nối về Trung tâm IOC, Văn phòng Thành ủy để phục vụ hoạt động giám sát. Nâng cấp hệ thống nội mạng và hệ thống an toàn thông tin đảm bảo phục vụ tốt cho công việc. Cùng với đó, hệ thống hội nghị trực tuyến duy trì đồng bộ từ thành phố đến các xã, phường; khai thác, vận hành ứng dụng dùng chung từ cấp xã, phường lên thành phố như Hệ thống quản lý và điều hành văn bản VNPTiOffice, Hệ thống dịch vụ công, mail công vụ, Trang thông tin điện tử thành phố và các xã, phường... đảm bảo thông suốt; tỷ lệ sử dụng văn bản ký số đạt trên 99%; ra mắt Trang thông tin điện tử “hagiang360.vn” giới thiệu, quảng bá du lịch thành phố Hà Giang bằng công nghệ thực tế ảo. Kiện toàn Tổ vận hành Trung tâm IOC để ứng dụng, điều hành, giám sát hoạt động hiệu quả; hiện nay Trung tâm IOC đã được chuẩn hóa và tích hợp dữ liệu cơ bản cho 9 phân hệ quản lý…

CCHC, từng bước xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số là xu thế tất yếu, đặc biệt là đối với thành phố Hà Giang – Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, là nơi có khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực cao của chính quyền thành phố, các xã, phường trong việc CCHC, áp dụng công nghệ thông tin để giải quyết các TTHC của các cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN và hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thành phố Hà Giang trở thành đô thị loại II. Đây là một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm được đề ra và đang được Đảng bộ thành phố Hà Giang quyết liệt triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/chuyen-muc-cai-cach-hanh-chinh/202307/thanh-pho-ha-giang-tung-buoc-xay-dung-chinh-quyen-so-a897e34/