Thành phố cải cách hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số, điện tử

Hơn 2 năm qua, các chỉ số xếp số hạng cải cách hành chính của thành phố Sơn La có nhiều chuyển biến tích cực, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều chuyển biến bước đầu

Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thành phố tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ theo từng quý, năm, từ đó ban hành các kết luận giao nhiệm vụ cụ thể theo hướng rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm trong triển khai trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, gồm: Công tác chỉ đạo điều hành; cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử; chính quyền số.

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố có sự chuyển biến rõ nét. Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Hằng năm, Thành phố đạt 98,5-100% các nhiệm vụ CCHC đề ra. Chỉ số xếp hạng CCHC các năm 2020-2022 nằm trong tốp đầu của tỉnh; tổ chức bộ máy ngày một tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Triển khai trạm Wifi tốc độ cao miễn phí tại Quảng trường Tây Bắc.

Đến hết tháng 3/2023, Thành phố đã triển khai hoàn thiện và đưa vào sử dụng 89 dịch vụ công mức độ 4 cấp thành phố; 67 dịch vụ công mức độ 4 cấp phường và 25 dịch vụ công cấp xã trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Sơn La. Trang bị đầy đủ máy scan, máy tính, thiết bị văn phòng tại Bộ phận một cửa Thành phố và 12 xã, phường. Đầu tư, nâng cấp xây dựng trụ sở cơ quan hành chính các xã, phường để phục vụ hoạt động của chính quyền cấp xã, nhân dân giao dịch hành chính công.

Thành phố cũng đang tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của thành phố Sơn La trên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai đồng bộ mô hình “Phòng họp không giấy", đảm bảo vận hành kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến; tỷ lệ văn bản được ký số và phát hành điện tử đạt trên 95%. Thử nghiệm hệ thống phản ánh kiến nghị của người dân đến chính quyền.

Công dân trải nghiệm máy tra cứu thủ tục hồ sơ tại Bộ phận một cửa Thành phố.

UBND phường Chiềng Lề thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử để trao đổi công việc, góp phần giảm tải số lượng văn bản hành chính. Cán bộ, công chức, các đơn vị, đoàn thể đều có máy tính và kết nối internet để trao đổi công việc. Trong quý I/2023, Bộ phận tiếp nhận và trả kết phường Chiềng Lề đã tiếp nhận, giải quyết 299 hồ sơ, đạt 100%; trong đó, giải quyết trước hạn 288 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 11 hồ sơ.

Ông Trần Việt Hoàn, công chức phường Chiềng Lề, thông tin: Bộ phận một cửa của phường trang bị máy tính kết nối internet, máy in; cán bộ được đào tạo kiến thức, kỹ năng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi cán bộ, công chức nêu cao trách nhiệm, góp phần xây dựng nền hành chính công hiện đại, thân thiện, tạo sự hài lòng cho tổ chức, nhân dân.

Ông Nguyễn Mạnh Trung, phường Chiềng Lề, cho biết: Đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của phường, tôi thấy công chức làm việc nhiệt tình, chuyên nghiệp. Thủ tục hành chính niên yết công khai, thực hiện thu phí bằng hình thức không dùng tiền mặt, đảm bảo thuận tiện, minh bạch, tôi rất hài lòng.

Tại Bộ phận một cửa phường Chiềng Lề có dán mã QR code thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư

Cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn, Thành phố kịp thời nắm bắt, đối thoại giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, dự án kéo dài.

Từ năm 2020 đến 2023, UBND Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng 44 dự án trên địa bàn; thông báo thu hồi trên 416 ha đất của 4.787 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức; thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư các dự án 295 đợt, với tổng kinh phí bồi thường hơn 397 tỷ đồng; di chuyển nhà ở, giao đất tái định cư đối với 85 hộ.

UBND Thành phố đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thu hút hơn 25 dự án. Trong đó, có 17 theo hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư; 8 dự án theo hình thức đấu giá, đấu thầu và khác (đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư), với tổng mức vốn đăng ký hơn 4.400 tỷ đồng.

Đến nay, một số dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, như: Dự án Trường Ngôi sao nhỏ - Baby star; Trường mầm non Ngọc Linh 2; Trường liên cấp Quốc tế Bình Minh; Khu dịch vụ thương mại Đ&T; Khu dân cư thương mại suối Nậm La - Lô số 5 và Dự án khu dân cư lô số 3A…

Công tác quản lý phát triển đô thị đạt kết quả tích cực, cảnh quan đô thị có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, giữ bản sắc, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2022 ước đạt 68,63%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 98,4%, tăng 1,4% so với năm 2020; tỷ lệ chất thải rắn tại đô thị được thu gom đạt 100%, tăng 13,69%; tỷ lệ chiếu sáng đường phố chính đạt 100%, các đường ngõ xóm đô thị đạt trên 70%; diện tích đất cây xanh đô thị bình quân đạt 10,69m2/người.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, khẳng định: Thành phố luôn chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai nhanh thủ tục thực hiện các dự án, nhất là các thủ tục về xây dựng, quy hoạch, đất đai, môi trường…

Giai đoạn 2020-2023, Thành phố tổ chức 5 hội nghị gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp theo định kỳ, để cung cấp thông tin hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nhiệp. Tiếp thu ý kiến, trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành thông báo kết luận giải quyết 16 kiến nghị theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất với UBND tỉnh, các sở, ngành giải quyết 5 kiến nghị thuộc tỉnh.

Công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La thi công kẻ vạch sơn trên các tuyến đường.

Phấn đấu các chỉ số CCHC trong tốp 3 của tỉnh

Thành phố đang tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung CCHC theo Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Chủ động rà soát các nội dung nhiệm vụ, kịp thời đề xuất các giải pháp nâng cao các chỉ số CCHC (PAR INDEX), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI), phấn đấu đến năm 2025, các chỉ số đều xếp số hạng trong tốp 3 của tỉnh.

Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, thông tin thêm: UBND Thành phố tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng đảm bảo yêu cầu chuyển đổi số cũng như CCHC và thúc đẩy các biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả thủ tục hành chính. Triển khai mô hình "Chính quyền thân thiện" tại phường Quyết Thắng gắn với thực hiện các mô hình của Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Đồng thời, triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn những điểm mạnh, việc làm mới, hiệu quả.

Giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân tại Bộ phận một cửa, phường Quyết Thắng.

Thúc đẩy công tác CCHC, nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính địa phương; giảm thời gian và chi phí từ ngân sách; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đó là những mục tiêu mà thành phố Sơn La đã và đang nỗ lực phấn đấu, hướng tới xây dựng đô thị loại I, phát triển Thành phố xanh, nhanh, bền vững.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/cai-cach-hanh-chinh/thanh-pho-cai-cach-hanh-chinh-huong-den-xay-dung-chinh-quyen-so-dien-tu-czl9lb84R.html