Thanh Oai: Đích nông thôn mới nâng cao không còn xa

Để hướng tới mục tiêu về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã coi trọng phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển đô thị sinh thái ven đô, có nền nông nghiệp hiện đại, làng nghề phát triển gắn với du lịch.

Đến nay, Thanh Oai đã xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp phát triển bền vững với những sản phẩm OCOP tiêu biểu, từ đó tô điểm “vành đai xanh của Thủ đô”.

Lợi thế từ sản phẩm OCOP

Một trong số đó là HTX Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng) đang duy trì sản xuất lúa nếp cái hoa vàng và bắc thơm theo quy trình VietGAP. Với tổng diện tích 650ha, HTX đã liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bảo đảm sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Đặc biệt, đến nay, HTX có 2 sản phẩm gạo đạt chứng nhận xếp hạng 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố.

Thực hiện Chương trình nông thôn mới nâng cao, HTX đang hướng đến mục tiêu nâng sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn 5 sao. HTX cũng đề xuất UBND huyện hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông để xây dựng vùng lúa Tam Hưng thành điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm với nền văn minh lúa nước sông Hồng.

Cùng đồng hành trên con đường xây dựng nông thôn mới của địa phương, HTX Hoàng Long (xã Tân Ước) đã kiên định với mô hình chăn nuôi khép kín, tuần hoàn, hạn chế ô nhiễm môi trường với những công nghệ tiên tiến và sự đầu tư cho sơ chế, giết mổ, chế biến, bao gói. Chính vì vậy mà HTX đã trở thành chủ thể của 9 sản phẩm OCOP 4 sao, tạo việc làm cho 40 lao động địa phương. Đặc biệt khi xác định được vai trò của mô hình HTX trong xây dựng nông thôn mới, tham gia chương trình OCOP, HTX đặc biệt quan tâm đến việc xúc tiến thương mại nhằm đưa sản phẩm OCOP đến được với nhiều người tiêu dùng hơn.

Giám đốc HTX Nguyễn Trọng Long cho biết các sản phẩm OCOP 4 sao sẽ là cơ hội để HTX tiếp tục khẳng định chất lượng, thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện, HTX đang nỗ lực để đưa sản phẩm này được công nhận 5 sao cấp quốc gia.

Có thể thấy, một số HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Oai đều khẳng định được thương hiệu trên thị trường nhờ tham gia và đầu tư vào phát triển sản phẩm OCOP. Các HTX này đều có sự đầu tư nghiêm túc và bài bản trong công nghệ, cơ sở hạ tầng, áp dụng quy trình, đầu tư chế biến sâu đến mẫu mã, bao bì.

Việc các sản phẩm của HTX được xếp hạng OCOP đều là nguồn lực để địa phương khai thác, tạo sức bật cho phát triển kinh tế, hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, huyện đã xây dựng thành công 31 sản phẩm OCOP, trong đó nổi bật là một số nhãn hiệu sản phẩm cây trồng như, gạo thơm Bối Khê xã Tam Hưng, gạo Bồ Nâu xã Thanh Văn, cam đường xã Kim An... từng bước nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân.

Để nâng sao cho các sản phẩm này, các HTX đang chú trọng đến vấn đề sở hữu trí tuệ, nâng chất lượng gắn với nhãn hiệu, thương hiệu…

Nhằm hỗ trợ các HTX trong việc nâng chất lượng sản phẩm OCOP, huyện đã xây dựng cơ chế hỗ trợ 2 triệu đồng/sản phẩm cho các sản phẩm được xếp hạng sao; đồng thời, lồng ghép vào các chương trình như xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hay chương trình xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, công nghệ cao… để hỗ trợ về kinh phí cũng như khoa học, kỹ thuật, mặt bằng sản xuất cho các chủ thể.

Chú trọng khâu quy hoạch

Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ huyện Thanh Oai, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao đi vào chiều sâu, tiệm cận tiêu chí đô thị. Mục tiêu này cũng sẽ trùng với định hướng phát triển Thanh Oai phát triển thành quận trong giai đoạn 2025-2030 của TP Hà Nội.

Để làm được điều này, huyện đã xác định phát triển hệ thống giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao nhằm mở ra các cơ hội phát triển, giao thương kinh tế. Trong khi trước đó, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn trong huyện vẫn bị đánh giá là thiếu đồng bộ, xuống cấp do bị ảnh hưởng bởi việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng phục vụ các dự án, công trình lớn. Việc giao thông không thuận lợi cũng khiến diện tích đất nông nghiệp, ruộng bị phân tán, khó phát triển theo quy mô lớn.

Nhờ đầu tư cho chăn nuôi bài bản mà HTX Hoàng Long có đến 9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Tuy nhiên, trước bước tiến của chương trình nông thôn mới nâng cao, huyện đã thực hiện quy hoạch, phê duyệt một số dự án xây dựng mới và tiến hành nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn; đường ngõ xóm. Đi liền với đó, ruộng đất sản xuất nông nghiệp cũng được dồn đổi, gắn với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cải tạo hệ thống kênh mương thủy lợi, trạm bơm, tạo thuận lợi cho người dân, HTX phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tiêu biểu là việc quy hoạch giao thông gắn với dồn đổi đất nông nghiệp đã giúp HTX nông nghiệp xã Kim An thuận tiện trong phát triển diện tích cây ăn quả, giảm diện tích hoa màu, từ đó làm khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ khai thác lợi thế vùng đất bãi màu mỡ, các loại cây ăn quả nhanh chóng trở thành cây trồng thế mạnh của Kim An, được thị trường ưa chuộng.

Cùng với việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dồn đổi đất nông nghiệp, huyện còn đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thông qua việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Chính nhờ vậy mà nhiều vùng sản xuất hàng hóa mới được phát triển, cho thu nhập cao. Tiêu biểu như vùng trồng cây ăn quả 300 ha ở các xã Kim An, Thanh Mai, Cao Viên, Thanh Cao; vùng trồng rau an toàn hơn 100 ha tại thị trấn Kim Bài và các xã Kim An, Xuân Dương, Tam Hưng, Bình Minh…

Từ đây, giá trị sản xuất bình quân trên diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện đạt hơn 300 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 67,8 triệu đồng, tăng 7,81 triệu đồng/người/năm.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư, phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu dự kiến các xã sẽ hoàn thành theo kế hoạch.

Ngay như xã Kim Thư, giữa tháng 8 vừa qua đã đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nếu như năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ được hơn 41 triệu đồng/ người, thì đến nay đã đạt khoảng 65 triệu đồng/người. 100% đường giao thông của xã được cải tạo, nâng cấp, cứng hóa, bê tông và giao thông nội đồng được kiên cố hóa.

Cùng trên bước đường xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện, xã Hồng Dương cũng nỗ lực với chặng đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đầu năm 2023, xã đã đáp ứng được các tiêu chí bắt buộc, như thu nhập bình quân đạt 70,5 triệu đồng/người/năm; có 1 mô hình thôn thông minh tại thôn Tảo Dương... Đây là những điều thuận lợi để Hồng Dương sớm được đón nhận bằng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hướng đến đích không xa

Có thể thấy, chương trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao của Thanh Oai đã và đang ghi nhận những thành công không nhỏ.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện phấn đấu năm 2024 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trước một năm so với kế hoạch đề ra. Đi liền với đó là thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng trở lên, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ rác thải, chất thải được thu gom, vận chuyển trong ngày đạt 100%.

Để đạt được kết quả nêu trên, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Oai đã và đang tích cực làm tốt từng nhóm tiêu chí. Trong đó, song song với hoàn thiện cơ sở hạ tầng là chú trọng không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân.

Chính vì vậy, ngoài các khu, cụm công nghiệp, huyện còn ưu tiên phát triển các làng nghề, các HTX để đẩy mạnh liên kết sản xuất. Đặc biệt huyện đã có 25 HTX đang hoạt động, trong đó có 23 HTX nông nghiệp, 1 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 1 HTX thương mại. Ngoài ra còn có các tổ hợp tác như: Tổ hợp tác chăn nuôi tại xã Đỗ Động, Tổ hợp tác dùng nước, Tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp, Tổ hợp tác ngành nghề tại xã Cự Khê...

Các HTX, tổ hợp tác đã và đang tăng cường ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đây cũng là nền tảng giúp 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, tạo thành các vùng sản xuất lúa, rau, quả ứng dụng công nghệ cao.

Việc các HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ không chỉ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp, tăng lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng gia tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ; tăng chất lượng, năng suất lao động trong sản xuất.

Hiện, huyện đã có 5 xã: Cao Dương, Dân Hòa, Kim Thư, Tân Ước, Liên Châu đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã Hồng Dương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có thể nói, những kết quả đáng ghi nhận này là tiền đề quan trọng để Thanh Oai về đích sớm trong thời gian tới.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/thanh-oai-dich-nong-thon-moi-nang-cao-khong-con-xa-1094778.html