Thanh niên Đắk Lắk thi hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc

Trong khuôn khổ Ngày hội tôi yêu Tổ quốc tôi, Tỉnh đoàn Đắk Lắk đã tổ chức Hội thi thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc. Các đơn vị đã thể hiện nhiều tiết mục đặc sắc, mang đậm dấu ấn vùng miền. Nhiều thí sinh chia sẻ, qua hội thi, họ đã có cơ hội hiểu hơn, thêm yêu và muốn lan tỏa văn hóa dân tộc mình.

Trên nền nhạc rộn ràng, 6 cô gái Mông trong trang phục sặc sỡ uyển chuyển múa điệu Sênh Tiền. Chị Ma Thị Huế, ở xã Cư Króa, huyện Mrắk cho biết Sênh Tiền là một điệu múa cổ của người Mông, thường được dùng trong các dịp lễ, tết hay ngày hội. Tuy vậy, ở quê mới Đắk Lắk, điệu múa này ít được biểu diễn. Chỉ đến khi có hội thi Thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thì các chị mới được tập và hiểu hơn về điệu múa độc đáo này.

Qua hội thi, thanh niên Đắk Lắk có cơ hội hiểu hơn, thêm yêu và muốn lan tỏa văn hóa dân tộc mình.

Còn với em H Chuyên Knul, ở buôn Mblơt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, hội thi là dịp để thể hiện niềm tự hào với bài chiêng độc đáo riêng có của người Êđê Bih. H Chuyên bộc bạch, từ mùa hè năm trước, em học diễn tấu chiêng Jhô. Với sự hướng dẫn của các nghệ nhân tại địa phương, em được biết chỉ có người Êđê Bih mới có dàn chiêng Jhô dành riêng cho nữ đánh. "Em cảm thấy yêu dân tộc mình hơn và văn hóa của mình. Và em muốn lan tỏa truyền thống văn hóa của dân tộc mình đến tất cả mọi người".

Hội thi thể hiện màu sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc đang sinh sống tại Đắk Lắk.

Hội thi Thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc là một hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội tôi yêu Tổ quốc tôi do Tỉnh đoàn Đắk Lắk vừa tổ chức. Gần 30 tiết mục, 300 diễn viên không chuyên là những đoàn viên, thanh niên và thiếu nhi ở 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thể hiện những làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống, bài diễn tấu của các dân tộc ở nhiều vùng miền trên cả nước. Từ những tiết tấu quen thuộc của dàn chiêng Jhô, chiêng đồng, chiêng tre, đàn T’rưng, khèn đing năm đến tiếng đàn tính, sáo mèo, các làn điệu ay-ray, hát then, hát lý, ví dặm, dân ca Nam bộ … đã tạo nên một không gian âm nhạc sôi nổi, độc đáo.

Chị H Tuyết Niê, ở buôn Cuôr Dăng A, xã Cuôr Dăng, huyện Cư Mgar nói: "Những cuộc thi như thế này tạo điều kiện cho các bạn học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm hơn từ các đội bạn khác. Cũng giúp tôi có thêm nhiều kiến thức để trau dồi, có đam mê về đánh cồng chiêng rồi cảm thụ được các nhạc cụ dân tộc, hiểu biết nhiều hơn về các nhạc cụ dân tộc của mình".

Nhiều tiết mục trong hội thi thể hiện bởi các em thiếu niên.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, hội thi đã thể hiện được sự đa dạng về màu sắc văn hóa của các dân tộc đang sinh sống tại Đắk Lắk. Mỗi tiết mục có sự đầu tư chỉn chu cả về lựa chọn nội dung, trang phục và cách dàn dựng, hòa âm. Cùng với đó, tính kế thừa ở các đội thi đã thể hiện rõ khi có sự góp mặt các em thiếu nhi trong nhiều tiết mục tập thể.

Ông Lê Văn Hồng, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, Trường Ban Giám khảo hội thi cho biết: "Ban giám khảo năm nay đánh giá rất cao sự tham gia của các đội, đặc biệt là phần thi để diễn tấu nhạc cụ dân tộc, để lại nhiều ấn tượng và nhiều tiết mục rất đặc sắc. Đặc biệt là các tiết mục tham gia của các em nhỏ thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa như huyện Krông Bông, huyện Lắk. Các em mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng mà thổi hồn vào trong những làn điệu dân ca và những tiếng chiêng, điệu múa, đem lại sự thành công chung cho ngày hội".

Thành công của hội thi đã góp phần khơi dậy và lan tỏa trong đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi Đắk Lắk niềm yêu thích các loại hình âm nhạc, văn hóa dân gian, để tiếp tục gìn giữ và phát huy.

H Xíu/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/thanh-nien-dak-lak-thi-hat-dan-ca-va-dien-tau-nhac-cu-dan-toc-post1052639.vov