Thành lập Nhóm nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn

Tưởng nhớ 23 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (2001 - 2024), gia đình nhạc sĩ vừa thông báo thành lập Nhóm nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn để phát huy và lan tỏa những giá trị di sản của ông.

23 năm - một câu chuyện

Kỷ niệm 23 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như thông lệ hàng năm, vào sáng sớm ngày 1.4, gia đình nhạc sĩ cùng bạn bè và người hâm mộ sẽ gặp nhau tại ngôi nhà nơi ông từng sinh sống để thắp nhang, sau đó viếng mộ nhạc sĩ tại nghĩa trang Gò Dưa, TP.Thủ Đức.

Năm nay, lễ tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ tổ chức lúc 10 giờ ngày 1.4 tại 47C Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM.

Gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bên những tài liệu và bút tích của ông - Ảnh: Gia đình cung cấp

Tại mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở TP.Thủ Đức, một số bạn bè sẽ ở lại và dự đêm Thao thức cùng Trịnh - 2024 với chủ đề Trịnh Công Sơn, phiêu du một đời. Tham gia chương trình là các thành viên của gia đình cùng những người hâm mộ Trịnh Công Sơn đến từ khắp mọi miền đất nước để hát với ông suốt đêm như mọi năm.

Riêng năm nay, ngoài các hoạt động âm nhạc, gia đình đã xây dựng 3 điểm trường Trịnh Công Sơn và tặng nhiều quần áo cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa.

Nhóm nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn

Sau một thời gian hợp tác giữa gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vàTrung tâm Nghiên cứu Việt Nam của Đại học Fulbright Việt Nam, tháng 4.2024, “Nhóm nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn” (gọi tắt là Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn) đã chính thức được thành lập. Thành viên chủ chốt của nhóm gồm có ông Nguyễn Trung Trực, bà Trịnh Vĩnh Trinh (em rể và em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) và tiến sĩ Nguyễn Nam (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam). Ngoài ra, nhóm còn có sự tham gia của những người trẻ am hiểu về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Nhóm nghiên cứu có sứ mệnh “giải mã” và phát triển di sản âm nhạc của Trịnh Công Sơn, lan tỏa các giá trị tích cực đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Trung Trực và bà Trịnh Vĩnh Trinh bên tượng nhạc sĩ Công Sơn ở Huế - Ảnh: Gia đình cung cấp

Không chỉ thực hiện công tác chuyên môn, Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn có một số thành viên đảm nhiệm việc nghiên cứu để biểu diễn các tác phẩm âm nhạc với một tinh thần mới mẻ, trẻ trung và sáng tạo. Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn sẽ biểu diễn nhạc Trịnh cho người trẻ với những thông điệp mới lan tỏa tình yêu thương, lòng biết ơn.

Một số hoạt động của Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn dự kiến trong năm 2024 - 2025:

- Thực hiện series podcast về Trịnh Công Sơn trong chương trình podcast Bán nguyệt tâm thư khố.

- Đề án nghiên cứu “Trịnh Công Sơn qua tư liệu lưu trữ” cùng việc số hóa các tư liệu về Trịnh Công Sơn.

- Dịch thuật và ấn hành công trình khảo cứu Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, Essays on War, Love, Songwriting, and Religion của GS. John C. Schafer vừa được NXB California Polytechnic State University xuất bản cuối năm 2023.

- Concert nhạc Trịnh tại ĐH Fulbright Việt Nam đầu năm 2025, cùng một số hoạt động khác.

Bìa cuốn sách "Trịnh Công Sơn và Bob Dylan - Essays on War, Love, Song Writing, and Religion"

Trong buổi ra mắt Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn, các thành viên sẽ đàn, hát một số tác phẩm của ông cùng sự tham gia của một số ca sĩ, nghệ sĩ gần gũi với gia đình.

Nếu thắp một nén hương cho Trịnh Công Sơn thì chúng ta không nên thắp bằng sự tiếc thương mà thắp bằng ý thức là Trịnh Công Sơn đang còn đó với mình và mình có thể mang Trịnh Công Sơn đi về tương lai, để Trịnh Công Sơn có thể tiếp tục sứ mạng của mình, sứ mạng chuyên chở thông điệp thương yêu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tiểu Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thanh-lap-nhom-nghien-cuu-va-bieu-dien-am-nhac-trinh-cong-son-215337.html