Thanh Hóa xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng theo chuỗi giá trị hàng hóa

Dự án: 'Xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng theo chuỗi giá trị hàng hóa tại một số tỉnh Bắc Trung Bộ' giúp nông dân chuyển đổi sang sản xuất tập trung quy mô lớn ứng dụng tiến bộ khoa học.

Vụ Xuân 2023, Công ty CP Phát triển nông nghiệp và Khuyến nông Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và các đơn vị địa phương trong tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện Dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng theo chuỗi giá trị hàng hóa tại một số tỉnh Bắc Trung Bộ”.

Mô hình sản xuất lúa chất lượng theo chuỗi giá trị hàng hóa đã hình thành được liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Mục tiêu của dự án năm 2023 là đưa giống lúa J02 vào thực tế sản xuất; áp gói kỹ thuật cơ giới hóa đồng bộ khép kín bao gồm: cơ giới hóa khâu làm đất, mạ khay máy cấy, phun thuốc bằng máy bay, cơ giới hóa khâu thu hoạch, tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Dự án được triển khai tại 4 huyện, gồm xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), xã Trường Xuân (Thọ Xuân), xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc) và xã Định Tiến (Yên Định) với quy mô 80 ha và 262 hộ tham gia.

Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 50% giống lúa J02, được tham gia tập huấn kỹ thuật, cấp bao bì đóng gói để thuận tiện cho bao tiêu. Các điểm được lựa chọn là những địa phương có điều kiện đất đai, đồng ruộng phù hợp, thuận lợi tưới tiêu…

Qua 5 tháng triển khai, dự án đã thực hiện xây dựng được 80 ha lúa J02 (20 ha/điểm). Đánh giá cho thấy giống J02 rất phù hợp với đồng đất địa phương, có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh. Mặt khác, thông qua mô hình đã hình thành được liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra giúp nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, tạo chuỗi sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao hơn.

Tại các điểm thực hiện mô hình, lúa J02 được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt, năng suất trung bình đạt trên 65 tạ/ha, hiệu quả kinh tế tăng 25-30%, lãi tăng hơn so với ngoài mô hình trên 8 triệu đồng/ha. Toàn bộ sản phẩm đã tổ chức thu mua. Mô hình đã giúp nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất lúa truyền thống manh mún, sang sản xuất tập trung quy mô lớn, thâm canh cùng một loại giống, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học

Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng thế mạnh về phát triển nông nghiệp, vụ Xuân năm 2023 toàn tỉnh gieo trồng 192.000 ha, sản lượng lương thực phấn đấu đạt 789.000 tấn, trong đó diện tích lúa là 113.000 ha, năng suất 64 tạ/ha./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thanh-hoa-xay-dung-mo-hinh-san-xuat-lua-chat-luong-theo-chuoi-gia-tri-hang-hoa/297888.html