THANH HÓA: VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN ĐƯỜNG CAO TỐC NHẬN ĐƯỢC SỰ ỦNG HỘ RẤT LỚN CỦA NGƯỜI DÂN

Kết quả giám sát cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án đường cao tốc đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân từ việc kiểm kê, tháo dỡ di dời, giải phóng mặt bằng cho đến công tác đền bù, hỗ trợ và tái định cư, thậm chí ngay cả việc giải quyết đối với những thắc mắc, khiếu kiện liên quan của người dân cũng được xử lý nhanh chóng, thỏa đáng.

Thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Thanh Hóa được Chính phủ giao chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ dự án.

Dự án đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa gồm 03 dự án thành phần với tổng chiều dài 98,8 km; cụ thể: (i) Dự án thành phần Mai Sơn - QL.45 do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, có chiều dài 49,02 km; (ii) Dự án thành phần QL.45 - Nghi Sơn do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư, có chiều dài 43,28 km; (iii) Dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu do Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư, có chiều dài 6,5 km.

Dự án qua tỉnh Thanh Hóa có phạm vi ảnh hưởng đến 9.495 hộ dân, thuộc địa phận 09 huyện, thị xã, thành phố; Số hộ dân phải di chuyển chỗ ở là 1.128 hộ; diện tích đất bị ảnh hưởng phải thu hồi là 820,8ha; Phải di dời 21 công trình công cộng, 61 cột điện cao áp (110-220 KV), 282 cột điện trung áp (6 – 35 KV, 862 cột điện hạ áp 0,4KV và 27 công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (ảnh: Internet).

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải cho biết, dự án có chiều dài và khối lượng bị ảnh hưởng phải giải phóng mặt bằng (GPMB) lớn, nên ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu thực hiện tốt, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án.

Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp có dự án đi qua đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc khẩn trương, tập trung thực hiện GPMB; đẩy nhanh đầu tư xây dựng các khu tái định cư; công tác GPMB được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, công khai, minh bạch, được đa số Nhân dân đồng tình ủng hộ. Một số khó khăn, vướng mắc đã được các cấp, các ngành giải quyết và đề xuất UBND tỉnh giải quyết kịp thời đúng quy định của pháp luật; quyền lợi của các hộ dân bị ảnh hưởng cơ bản được đảm bảo.

Về công tác bố trí tái định cư: Dự án qua tỉnh Thanh Hóa có phạm vi ảnh hưởng đến 9.495 hộ dân, thuộc địa phận 09 huyện, thị xã, thành phố gồm: Thành phố Thanh Hóa, Thị xã Nghi Sơn và các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống; trong đó, số hộ dân phải di chuyển chỗ ở là 1.128 hộ và để đáp ứng chỗ ở phải bố trí, xây dựng 43 khu tái định cư (gồm 19 khu tập trung và 24 khu xen cư) để thực hiện di dời.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã có những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, giải quyết kịp thời những khiếu kiện của người dân liên quan tới việc bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất. Quá trình thực hiện, đã được tổ chức một cách khách quan, công bằng và công khai minh bạch để người dân theo dõi, giám sát và thực hiện. Đời sống của các hộ phải di dời chỗ ở được bảo đảm và đã ổn định tại khu vực tái định cư.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị: Dự án có quy mô lớn được triển khai trên địa phận 09 huyện, thị xã, thành phố, khối lượng bị ảnh hưởng phải GPMB lớn, tác động ảnh hưởng tới 9.495 hộ dân. Theo báo cáo của các địa phương gửi về Đoàn giám sát, quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các địa phương triển khai dự án đều có khiếu nại, thắc mắc, thậm chí khởi kiện của người dân đối với các vấn đề liên quan.

Việc khiếu nại, phản ánh của người dân do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, vụ việc khiếu nại có cả đúng và có sai; nhiều vụ việc có tình tiết phức tạp do liên quan đến đất ở lâu đời, nhiều thế hệ chung sống, giấy tờ không đầy đủ, rõ ràng… Tuy nhiên, về cơ bản các khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân đã được các cấp chính quyền ở huyện và tỉnh chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, kịp thời, thỏa đáng và đúng quy định của pháp luật. Kết quả giải quyết được đa số người dân đồng tình, chấp thuận và thi hành; một số trường hợp thuộc thẩm quyền của cơ quan tố tụng đang được Tòa án nhân các huyện xem xét giải quyết theo quy định.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải phát biểu tại cuộc họp Tổ của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Về công tác phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc giải quyết nguồn vật liệu cung cấp cho dự án: Dự án xây dựng mới nên có nhu cầu về nguồn vật liệu xây dựng rất lớn. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQCP ngày 19/10/2021, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ được khó khăn trong giải quyết nguồn vật liệu, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án.

Ngoài ra, do dự án xây dựng mới nên ngoài nhu cầu về nguồn vật liệu xây dựng, còn có nhu cầu về bãi đổ thải vật liệu không thích hợp với trữ lượng là 4.256 nghìn m3. Trên cơ sở đề xuất của các chủ đầu tư, UBND tỉnh đã kịp thời chấp thuận 52 vị trí với tổng trữ lượng 4.549 nghìn m3 đáp ứng nhu cầu đổ thải cho 03 dự án.

Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được các cấp chính quyền thực hiện đúng quy định của pháp luật

Đánh giá chung về kết quả đạt được trong việc thực hiện dự án, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải nhận định, từ thực tế triển khai và qua báo cáo của các địa phương, đơn vị liên quan gửi về Đoàn giám sát cho thấy: Mặc dù dự án có chiều dài và khối lượng phải GPMB lớn, thời điểm thực hiện có nhiều khó khăn đặc biệt chưa có tiền lệ do phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự quyết tâm nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị đã bàn giao mặt bằng các dự án trước 20/10/2021 vượt tiến độ so với tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Quá trình triển khai nhiệm vụ được giao, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có quyết tâm chính trị rất cao, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tinh thần và chuyên môn để tập trung chỉ đạo và thực hiện hiệu quả từng nội dung nhiệm vụ liên quan. Kết quả, về cơ bản công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được các cấp chính quyền ở địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật. Dự án được triển khai cũng cho thấy cấp ủy, chính quyền đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của người dân rất lớn từ việc kiểm kê, tháo dỡ di dời, giải phóng mặt bằng cho đến công tác đền bù, hỗ trợ và tái định cư, thậm chí ngay cả việc giải quyết đối với những thắc mắc, khiếu kiện liên quan của người dân cũng được xử lý nhanh chóng, thỏa đáng.

Công tác phối hợp với các bộ ngành trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ quá trình thực hiện dự án cũng được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, hiệu quả và thực chất như các vấn đề về giải quyết nguồn cung vật liệu xây dựng, vị trí đổ thải cho dự án.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác kiểm kê tài sản trên đất thực hiện chưa khoa học, có trường hợp phải thực hiện nhiều lần; Thu hồi đất khi chưa hoàn thành hạ tầng khu tái định cư; Thiếu biên bản họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất bị thu hồi. Công tác lập hồ sơ, chi trả đền bù, hỗ trợ có trường hợp không đúng đối tượng phải xử lý trách nhiệm hình sự (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc).

Công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý chất lượng công trình còn một số thiếu sót về trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật như việc thực hiện các thông báo, báo cáo, kế hoạch... Một số gói thầu công trình di chuyển và hoàn trả công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ GPMB tại một số địa phương, quá trình lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán còn xảy ra sai sót dẫn đến phải giảm trừ thanh toán, giảm giá trị hợp đồng còn lại. Công tác hoàn trả, sửa chữa các công trình do quá trình thi công Dự án cao tốc dẫn đến hư hỏng tại các địa phương chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải, nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế trên là do giai đoạn triển khai thực hiện dự án trùng với giai đoạn năm 2020-2022 khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, nhiều thời điểm phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội dẫn đến không thể thực hiện các nhiệm vụ theo đúng kế hoạch ban đầu của Dự án.

Các vấn đề phát sinh từ đơn giá bồi thường, phương án tái định cư, những tài sản, vật kiến trúc trên đất bị ảnh hưởng nhưng không thuộc trường hợp được bồi thường, hỗ trợ… chưa có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết dẫn đến nhiều khó khăn khi thực thi. Công tác quản lý đất đai còn nhiều tồn tại dẫn đến việc xác định nguồn gốc đất, xác định đối tượng được bồi thường, hỗ trợ gặp khó khăn.

Nguyên nhân chủ quan là do tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ trong thực thi nhiệm vụ chưa cao, thiếu kinh nghiệm chuyên môn nên vẫn còn dẫn đến những thiếu sót, vi phạm. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng còn nhiều hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát của một số chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chưa thực sự hiệu quả, chưa thường xuyên. Công tác phối hợp giữa một số địa phương với các đơn vị chủ đầu tư, Ban quản lý các dự án, nhà thầu thi công có việc còn hạn chế.

Một số đề xuất, kiến nghị

Trước thực tế trên, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mai Văn Hải đưa ra một số kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh và các huyện có dự án cao tốc Bắc-Nam đi qua.

Đối với Bộ Giao thông vận tải: Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban QLDA, nhà thầu thi công các dự án thành phần đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng thực hiện việc sửa chữa, khắc phục và hoàn trả lại các công trình do quá trình thi công Dự án cao tốc dẫn đến hư hỏng như đã cam kết với các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đối với UBND tỉnh Thanh Hóa: Chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, tham mưu giải quyết để bảo đảm quyền lợi hợp pháp đối với những hộ gia đình, cá nhân có tài sản, vật kiến trúc bị ảnh hưởng bởi việc thi công dự án cao tốc nhưng không thuộc diện bồi thường, hỗ trợ của dự án.

Đối với các huyện có dự án cao tốc Bắc-Nam đi qua: Đề nghị UBND các huyện tiến hành rà soát lại việc hư hỏng đường, kênh mương, cầu cống, rãnh thoát nước, nhà ở của dân… chưa được giải quyết (tính đến 31/12/2023). Kết quả rà soát, thống kê báo cáo về Đoàn ĐBQH tỉnh trước ngày 10/3/2024.

Ngoài ra, cần rà soát chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, không để đơn thư kéo dài, vượt cấp./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=85993