Lâm Đồng: Đoàn ĐB Quốc hội chỉ rõ nhiều bất cập trên thị trường bất động sản

Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lâm Đồng vừa có báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 trên địa bàn.

Theo kết quả giám sát, trong giai đoạn trên, các khoản thu từ nhà, đất chiếm khoảng 15 - 25% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thị trường BĐS ở tỉnh này gặp nhiều khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm; thiếu nhà ở vừa túi tiền, đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các người thu nhập thấp tại đô thị. Nhiều dự án nhà ở thương mại (NƠTM) phải “dừng, giãn tiến độ”, số lượng các dự án NƠTM được hoàn thành và chấp thuận mới đều giảm.

Giai đoạn 2015 - 2023, địa phương có 12 dự án đầu tư xây dựng NƠTM, khu đô thị được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký thực hiện 16.637 tỷ đồng, quy mô diện tích đất 256ha.

“Nguồn cung BĐS trên địa bàn tỉnh chủ yếu là đất nền đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; thiếu các sản phẩm NƠTM giá rẻ, NƠXH cho người có thu nhập thấp tại đô thị”, văn bản của Đoàn ĐBQH nêu.

Hoạt động kinh doanh BĐS cũng ảm đạm giai đoạn gần đây. Từ 2015 - 2023, tỉnh cấp mới 2.023 DN có ngành nghề kinh doanh BĐS. Trong đó, 1.675 DN đang hoạt động, tổng vốn điều lệ đăng ký 37.068 tỷ đồng; 204 DN đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại; 144 DN tạm ngừng kinh doanh.

Toàn tỉnh có 28 sàn giao dịch BĐS đang hoạt động, bảo đảm các điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, các sàn này chưa cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu về tình hình giao dịch chuyển nhượng, mua bán BĐS thông qua sàn, chưa tuân thủ chế độ báo cáo.

Lượng giao dịch BĐS tại Lâm Đồng giảm dần qua các năm, và các giao dịch chủ yếu không qua công chứng. Năm 2020 có 25.192 giao dịch đất nền và 80% lượng giao dịch không qua công chứng; năm 2021 có 36.549 giao dịch đất nền với hơn 90% không qua công chứng. Năm 2022 có 61.038 lô đất nền giao dịch…

Liên quan công tác thanh, kiểm tra, năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã lập tổ công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực hiến đất làm đường giao thông để tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Qua kiểm tra, đã xác định rõ các tồn tại, bất cập trong việc hiến đất làm đường, việc đầu tư, xây dựng đường giao thông, việc phân lô, tách thửa, việc xây dựng các công trình nhà ở.

Từ 2015 đến hết 2023, UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh triển khai 2 cuộc thanh tra đột xuất liên quan việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư dự án kinh doanh BĐS với dự án xây dựng Khu dân cư (KDC) 6B, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc của CTCP BĐS Mãi Thành; và dự án KDC kế cận Khu công nghiệp (KCN) Lộc Sơn của CTCP Đầu tư xây dựng phát triển Đông Đô 1 - BQP.

Tháng 3/2024, Thanh tra tỉnh có báo cáo gửi Đoàn ĐBQH. Với dự án KDC 6B, Cty Mãi Thành lập thiết kế đô thị chưa đầy đủ một số nội dung quy định về quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị tại dự án; chưa thiết kế mẫu các loại nhà trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện dự án theo chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư; quá trình thẩm định quy hoạch 1/500 của Phòng Quản lý đô thị TP Bảo Lộc và phê duyệt quy hoạch chi tiết của UBND TP chưa chặt chẽ nên chưa phát hiện và yêu cầu Công ty Mãi Thành lập đầy đủ các nội dung của thiết kế đô thị để làm cơ sở quản lý về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng…

Đến nay, Công ty Mãi Thành vẫn chưa hoàn tất các kiến nghị tại Kết luận thanh tra 79/KL-TTr ngày 5/10/2022 của Thanh tra tỉnh, như chưa kê khai nộp thuế thu nhập DN và thu nhập cá nhân theo Luật Quản lý thuế.

Với dự án KDC kế cận KCN Lộc Sơn, tính đến tháng 8/2023 đã chậm 58 tháng so với tiến độ đã được gia hạn. Một số vi phạm tại dự án này như khu nhà trẻ mẫu giáo, mật độ xây dựng tối đa 40%, tầng cao trung bình 1,5 - 2 tầng, không thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư đã tự ý xây dựng không phép tổng diện tích 8.996m2; nhiều công trình thi công không phù hợp kiến trúc, vị trí theo quy hoạch chi tiết được duyệt…

Rà soát dự án Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt

Theo Đoàn ĐBQH, giai đoạn 2015 - 2023, tỉnh chỉ có 1 dự án BĐS được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển nhượng một phần dự án, là dự án Khu công viên văn hóa đô thị Đà Lạt (Golf Valley) của CTCP Địa ốc Trung Nam Đà Lạt; đã chuyển nhượng Khu khách sạn K.1 cho CTCP ĐT- TM- DV thung lũng Golf; Khu A.1, C1, S.2 cho CTCP Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Dalat Land; Khu trung tâm dịch vụ công cộng A2, khách sạn K3, các công viên G.1, G.2, G.6, G.11, G.12 cho CTCP Dịch vụ du lịch Dalat Land.

Đoàn ĐBQH đề nghị UBND tỉnh làm rõ các cơ sở pháp lý liên quan việc chuyển đổi công năng sử dụng, giá chuyển đổi và giá giao dịch với diện tích đất hơn 10.600m2 của khu G2 và S2 là đất cây xanh mặt nước, giao thông đô thị và bãi đậu xe công cộng.

Thực hiện đề nghị trên, ngày 13/5, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng rà soát, làm rõ có hay không và căn cứ pháp lý của việc chuyển đổi công năng diện tích đất hơn 10.600m2 nói trên. Đồng thời UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp các Sở: Xây dựng, TN&MT, Tài chính, UBND Đà Lạt rà soát việc tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1341/QĐ-UBND ngày 26/5/2021 về chuyển nhượng một phần dự án Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt, báo cáo kết quả trước 24/5/2024.

Theo Pháp luật Việt Nam

Mai Long

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/lam-dong-doan-db-quoc-hoi-chi-ro-nhieu-bat-cap-tren-thi-truong-bat-dong-san-d110728.html