Thanh Hóa: Những mối hiểm nguy ở làng đá 'tử thần'

Khu khai thác đá ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa còn được gọi là “làng đá tử thần” bởi đã có những vụ tai nạn khiến nhiều người bị chôn vùi dưới những tảng đá khổng lồ. Khai thác trái phép, không tuân thủ quy định vẫn tiếp diễn, khiến người dân càng thêm lo lắng về sự an toàn.

Ô nhiễm môi trường, thiếu biện pháp bảo đảm an toàn trong khai thác đá đang là vấn đề nóng tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định. Ảnh: P.B

"Kêu mãi không thấu"

Xã Yên Lâm, huyện Yên Định là khu vực có số lượng mỏ đá đang được khai thác lớn nhất hiện nay của tỉnh Thanh Hóa. Theo con số mà UBND huyện Yên Định cung cấp, hiện trên địa bàn xã này còn có đến 36 mỏ, trong đó 33 mỏ đã được cấp phép hoạt động, khai thác từ 5 đến 30 năm, 3 mỏ đã hết hạn.

Có mặt tại xã Yên Lâm, điều mà chúng tôi nhận thấy là tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đến thôn Đông Sơn, nơi tập trung hàng chục công ty đang khai thác và chế biến đá hiện nay, chỉ nhắc đến sự ô nhiễm là người dân nơi đây đã bức xúc. “Trời mưa thì nhão nhoẹt, trời nắng thì bụi bay không nhìn được đường đi, lối lại. Sống ở vùng núi mà chỉ suốt ngày nghe tiếng khoan, tiếng mìn, tiếng đục đẽo và ô tô gầm rú. Khổ lắm nhưng kêu mãi không thấu”, bà N.T.H, một người dân nơi đây than thở.

Đi vào một quán nước ven đường, chúng tôi được anh N.V.T, chủ quán nước vội vã yêu cầu khách chưa được ngồi bởi anh phải lấy khăn lau bàn ghế đã. “Khổ lắm các chú ơi, nhà cửa, bàn ghế ở đây chỉ cần đứng dậy là bụi bám bạc trắng rồi. Nghèo nên phải ở chứ có điều kiện chắc phải mua đất nơi khác mà chuyển thôi. Ở thế này không chết vì đá rơi vào đầu thì cũng chết vùi bụi bặm”, anh T nói. Theo sự chỉ dẫn của anh T, phía sau ngôi nhà là mỏ đá của Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hùng đang rầm rộ khai thác thuộc khu vực Núi Hang Cá. Cách đây chưa lâu, vào hồi 10h30 ngày 22/1, mỏ đá này đã bị sập và gây ra vụ tai nạn lao động làm 8 người chết. Sau vụ tai nạn kinh hoàng này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công văn khẩn yêu cầu tạm dừng hàng chục mỏ đá không đảm bảo an toàn lao động trên địa bàn xã Yên Lâm. Đến nay, theo thông tin mà ông Hoàng Văn Phúc, Phó Chủ tịch huyện Yên Định cung cấp thì các mỏ đá này đã được cấp phép trở lại.

Không có hồ sơ nên khó kiểm tra?

Bà N.T.H, một người dân xã Yên Lâm bày tỏ nỗi bức xúc của người dân nơi đây.

Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Yên Định về công tác khai thác, sản xuất, chế biến đá của các doanh nghiệp trên địa bàn xã Yên Lâm thì công nghệ khai thác chủ yếu là khai thác thủ công, bằng cách sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, kết hợp với nêm, tách đá. Đây là cách khai thác dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn lao động, dễ xảy ra tai nạn và hiệu quả kinh tế rất thấp.

Mặc dù thời gian qua, chính quyền nơi đây luôn khẳng định làm nghiêm nhưng vi phạm của doanh nghiệp thì vẫn tràn lan. Một số mỏ đá đã hết hạn nhưng doanh nghiệp vẫn khai thác, hoặc trong quá trình kiểm tra, phía UBND huyện đề nghị Sở TNMT hoặc các công ty cung cấp hồ sơ pháp lý thì chờ mãi… chẳng có. Trao đổi với chúng tôi vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quy, Phòng TNMT huyện Yên Định cho biết, theo quy định thì các doanh nghiệp không phải gửi hồ sơ pháp lý về khai thác mỏ cho cấp huyện. Tuy nhiên, về chức năng, nhiệm vụ thì cấp huyện, cấp xã lại kiểm tra trực tiếp, mà không có hồ sơ pháp lý thì rất khó. “Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản các cấp, cũng như yêu cầu các doanh nghiệp gửi hồ sơ về để lưu và kiểm tra nhưng họ không gửi thì mình cũng chẳng làm gì được”, ông Quy than thở.

Nhiều bậc cha mẹ lo lắng vì con nhỏ sống gần các mỏ khai thác đá thiếu an toàn.

Báo cáo của UBND huyện Yên Định về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn cho thấy, một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Nước thải trong sản xuất đá xẻ chưa được xử lý triệt để, chưa có các biện pháp xử lý theo cam kết đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, một số doanh nghiệp để nước thải chứa đầy bột đá chảy ra môi trường ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như: Công ty Tân Sơn, DN Dân Nam, DN Phúc Hương. Một số chất thải nguy hại như: Giẻ lau dầu, mỡ chưa được thu gom xử lý đúng nơi quy định. Điều mà người dân lo lắng nhất là việc nổ mìn “vô tội vạ” của nhiều doanh nghiệp, bất chấp quy định của pháp luật như DN Tiến Thành, Công ty TNHH Xuân Trường, Công ty Minh Thành, DN Dân Nam… vẫn chưa chấp hành giờ giấc nổ mìn, để cho người lao động nổ mìn không đúng giờ quy định.

Một điển hình về vi phạm pháp luật, trong 6 tháng đầu năm 2016, Phòng Tài nguyên & Môi trường phối hợp với UBND xã Yên Lâm lập biên bản vi phạm đến 6 lần đối với Công ty TNHH Xuân Trường. Mặc dù UBND huyện đã phải báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa để đề nghị xử lý vi phạm nhưng đến nay, việc khai thác của doanh nghiệp này vẫn diễn ra bình thường. Trao đổi với chúng tôi, ông Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định Hoàng Văn Phúc khi nhắc đến doanh nghiệp này cũng chỉ biết… thở dài.

Theo thông tin phía Phòng TNMT huyện Yên Định cung cấp, mặc dù khai thác mỏ, khoáng sản là nghề đặc thù, dễ xảy ra tai nạn lao động nhưng các chủ doanh nghiệp chưa chú trọng công tác đào tạo tập huấn, huấn luyện an toàn lao động cho người lao động. Công tác bảo hộ lao động, BHXH, BHYT cho người lao động chưa được các doanh nghiệp thực sự quan tâm.Việc bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ của các doanh nghiệp còn mang tính hình thức, hầu hết các mỏ đá không có Giám đốc điều hành mỏ có mặt thường xuyên tại mỏ. Hoặc nếu có mặt tại mỏ là những người quản lý, nhưng không có bằng cấp theo chuyên ngành được đào tạo theo quy định.

Phùng Bình

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thanh-hoa-nhung-moi-hiem-nguy-o-lang-da-tu-than-20161107072336701.htm