Thanh Hóa: Làm tốt công tác truyền thông, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường trong nhân dân và cộng đồng

Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa quan trọng, đóng góp vào việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh để hiểu hơn về kết quả này.

Ông Mai Xuân Bình - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa.

+ Thưa ông, sau gần 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được đi vào thực thi tại địa phương và bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Những kết quả tích cực ấy là gì?

- Ông Mai Xuân Bình: Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn 1 từ 2021-2025), Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; HĐND tỉnh thông qua nghị quyết ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương, thông qua nghị quyết đã phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025. Ban chỉ đạo các chương trình MTQG các cấp đã chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, phân công và thực hiện các nhiệm vụ, nội dung của chương trình theo đúng các quy định.

Đặc biệt, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 281/KH-UBND, ngày 16-12-2021 về triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 257/KH-UBND, ngày 1-11-2022 về triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN năm 2022; Kế hoạch số 106/KH-UBND, ngày 5-5-2023 về triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt chương trình).

Qua đó, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 7,37%, vượt 4,37% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh tại Quyết định số 653/QĐ-TTg;

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi năm 2023 giảm khoảng 4,81%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm khoảng 3,35%;

Thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi năm 2023 đạt 38,12 triệu đồng, đến hết năm 2023 ước đạt 40,7 triệu đồng.

Lễ đóng điện cho bà con

+ Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm từ việc triển khai chương trình tại địa phương những năm qua?

- Ông Mai Xuân Bình: Làm tốt công tác truyền thông, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường trong nhân dân và cộng đồng, từ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng tham gia tích cực bằng công sức của mình để từng bước vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, an toàn xã hội.

Có nhận thức đúng đắn, sâu sắc của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở về tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của chương trình để có biện pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; ban hành những quyết định, hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện Chương trình.

Vận dụng sáng tạo cơ chế quản lý đơn giản, thông thoáng của các chính sách dân tộc phù hợp với điều kiện địa bàn, dễ thực hiện, phân cấp, nêu cao vai trò của cơ sở.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai trong việc lựa chọn các mục tiêu đầu tư của các chương trình, dự án. Thực hiện đồng thời các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn; tạo nguồn lực tập trung, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn.

Đặc biệt, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong tất cả các công đoạn thực hiện Chương trình: Từ thực tế cho thấy những địa phương nào coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra thì nới đó hiệu quả Chương trình được nâng cao.

Đồng thời, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, không công khai, minh bạch hoặc huy động quá sức dân.

Gắn biển công trình nước sạch tại huyện Bá Thước

+ Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xóa đói giảm nghèo, từ thực tiễn tại địa phương, đâu là điểm mấu chốt cần tập trung, đó phải chăng là những giải pháp thiết thực như hỗ trợ trực tiếp về nhà ở, chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, thưa ông?

- Ông Mai Xuân Bình: Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xóa đói giảm nghèo, từ thực tiễn tại địa phương, cần tập trung vào hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân; đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực miền núi, để người dân có tay nghề, tự lao động vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó cần tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất cho vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK.

+ Một trong những tác động được xem là tích cực nhất từ Chương trình mục tiêu quốc gia là giúp cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội tại địa phương. Ông có thể nói rõ hơn về những đổi thay tích cực này?

- Ông Mai Xuân Bình: Giai đoạn 2021 - 2023, từ nguồn vốn thực hiện chương trình MTQG 1719 đã đầu tư xây dựng 154 công trình giao thông trên địa bàn miền núi, đã kết nối giao thông giữa các địa phương trong khu vực với các vùng lân cận, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các huyện. Đến nay, tỷ lệ đường giao thông đến trung tâm xã, trung tâm huyện hư hỏng, xuống cấp được sửa chữa, nâng cấp đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ đường giao thông thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 68%.

Hệ thống thủy lợi miền núi được quan tâm phát triển, phục vụ tốt hơn yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Đến nay, đã đầu tư xây dựng 35 công trình thủy lợi, đã góp phần đáp ứng 92,5% nhu cầu tưới tiêu trên địa bàn miền núi.

Các công trình nước sạch trên địa bàn 11 huyện miền núi tiếp tục được quan tâm đầu tư. Đến nay, đã và đang đầu tư xây dựng 34 công trình nước sinh hoạt tập trung góp phần nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 93,6%, tăng 2,8% so với năm 2020.

Thêm vào đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã miền núi được đầu tư nâng cấp. Hiện nay đang cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 9/15 trạm y tế xã và đầu tư nâng cấp, cải tạo 05 trung tâm y tế huyện miền núi (thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

Chúng tôi cũng tiếp tục hoàn thiện thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, nhất là hệ thống nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản; đã và đang đầu tư xây dựng 134 công trình nhà văn hóa, khu thể thao thôn, bản; đến nay, tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt 82,2%; tỷ lệ làng, thôn, bản, khu phố được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa đạt 74,6%.

Ngoài ra, hạ tầng giáo dục tiếp tục được đầu tư. Từ năm 2021 đến nay, đầu tư xây dựng 73 công trình trường học, nâng tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia đạt 72,8%, tăng 14,7% so với năm 2020.

+ Trong câu chuyện thay đổi nhận thức của người dân, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền, vai trò của truyền thông báo chí cũng rất quan trọng. Ông đánh giá thế nào về công tác truyền thông chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương thời gian qua, cũng như có những góp ý gì để công tác truyền thông báo chí ngày càng hiệu quả hơn?

- Ông Mai Xuân Bình: Trong thời gian qua, công tác truyền thông được triển khai bằng nhiều hình thức, như: truyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh – truyền hình từ tỉnh tới cơ sở, tuyên truyền trên các trang báo của Trung ương và địa phương, tuyên truyền trên trang thông tin điện tử từ tỉnh tới cơ sở hoặc thực hiện lồng ghép trong nhiệm vụ chuyên môn của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã vùng DTTS&MN… đã góp phần nâng cao hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn trong công tác truyền thông về chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, năm 2022 Ban Dân tộc đã có 11 bài viết trên báo Thanh Hóa và báo Dân tộc và Phát triển; 03 phóng sự truyền hình trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh; lồng ghép công tác truyền thông về Chương trình 1719 trong các hội nghị tuyên truyền tại cơ sở. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền 289 buổi/11,560 lượt người; 1.682 giờ qua hệ thống loa truyền thanh lưu động của xã, phường, thị trấn, đơn vị. Xây dựng, phát sóng 20 chuyên mục Biên phòng toàn dân, 20 phóng sự, 23 tin bài trên VTV1, VTV8, Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, 21 tin bài, 5 bài viết trên báo Quân đội Nhân dân, báo Thanh Hóa, Báo Biên phòng, 650 tin bài trên fanpage, …

Để triển khai thực hiện công tác truyền thông có hiệu quả hơn trong thời gian tới, Ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị truyền thông của tỉnh như Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh Truyền hình tỉnh các huyện vùng DTTS&MN, Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Thanh Hóa; cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện, báo, tạp chí chuyên ngành của Ủy ban Dân tộc và các báo, tạp chí khác làm nòng cốt đóng vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại về việc thực hiện Chương trình 1719; phát huy vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên tại cơ sở, nâng cao công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện công tác truyền thông Chương trình.

+ Xin cảm ơn ông./.

Minh Anh (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thanh-hoa-lam-tot-cong-tac-truyen-thong-khoi-day-y-chi-tu-luc-tu-cuong-trong-nhan-dan-va-cong-dong-post274904.html