Thanh Hóa: Dưới thảm đỏ còn rất nhiều...đinh

Mặc dù Chính phủ vừa có Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và chính ông Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa từng tuyên bố với báo chí luôn hết lòng phục vụ doanh nghiệp, thậm chí Tết đến còn đi chúc Tết doanh nghiệp nhưng thời gian gần đây, có rất nhiều vụ việc khiến doanh nghiệp bức xúc, kêu ca về môi trường đầu tư ở Thanh Hóa.

Một góc dự án Nhà máy nước Bình Minh

Dự án chồng dự án, “bóp cổ” doanh nghiệp

Đọc lá đơn của ông Tào Quốc Tuấn, nguyên Đại tá công an, nay là Giám đốc Công ty TNHH Bình Minh, chúng tôi thấy doanh nghiệp này đang thực sự trong cơn bĩ cực vì lý do khách quan.

Ông Tuấn là một trong những doanh nhân đầu tiên về Thanh Hóa đầu tư quy mô lớn từ đầu những năm 2000 theo lời kêu gọi trải thảm đỏ của địa phương. Là người con của quê hương xứ Thanh, ông đã dốc sức dốc lòng, mang toàn bộ vốn liếng từ TP Vũng Tàu về đầu tư liên tục lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Tại dự án Nhà máy nước sạch tại xã Hải Thượng huyện Tĩnh Gia để phục vụ cho Khu kinh tế Nghi Sơn, ông Tuấn được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư từ năm 2007, tổng công suất 90.000m3/ngày đêm, đủ cung cấp nước sạch cho toàn bộ khu kinh tế và vùng lân cận. Ông Tuấn đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng cho nhà máy và từ năm 2013, đã ký hợp đồng cung cấp nước cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Thế nhưng, từ tháng 5-2016, địa phương lại cho phép 2 đơn khác là các công ty Sông Chu, Anh Phát đầu tư thêm dự án nhà máy nước sạch với qui mô 60.000 m3/ngày đêm tại khu vực Hồ Quế Sơn gần đó. Dự án này còn nằm ở vị trí “đón lõng” đầu vào của nhà máy nước Bình Minh, khiến cho nhà máy của ông Tuấn rơi vào cảnh không có nguồn nước vào, cầm chắc “cái chết đã được báo trước”.

“Dự án chồng dự án, cho thêm nhà máy nước mới không trong quy hoạch án ngữ nguồn nước, khác gì chúng tôi bị “bóp cổ”. Khó ở địa phương, lại thêm khó cả ở Trung ương. Tôi và một Giám đốc doanh nghiệp lọc hóa dầu Nhật Bản ra gặp một Cục trưởng ở một Bộ để xin thủ tục về môi trường còn bị ông Cục trưởng xé tan hồ sơ trước mặt đối tác Nhật Bản, khiến họ rất thất vọng. Tôi đã báo cáo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phản ánh tới Thủ tướng Chính phủ việc này” – ông Tuấn ngậm ngùi kể với phóng viên.

Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, ông Tuấn cho rằng, việc địa phương cho phép xây dựng “dự án chồng dự án” là vi phạm khoản 6, điều 33 Luật Đầu tư năm 2014 đã qui định rõ: Khi thẩm định đầu tư phải “đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch sử dụng đất, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án”.

Bị ép, doanh nghiệp xin trả lại đất

Doanh nhân K. (xin được giấu tên) cũng kêu cứu vì bị nhiều cơ quan chức năng gây khó một cách thái quá khi kinh doanh mặt hàng gas. Hồ sơ, thủ tục xin đầu tư xưởng, nhà máy bị “ngâm” rất lâu, quá thời hạn quy định của pháp luật nhiều tháng trời. Ông K. còn bị các doanh nghiệp đối thủ gây sức ép, tìm mọi sơ hở báo cơ quan chức năng xử phạt liên tục, lên tới nhiều tỷ đồng khiến ông hết đường sống, phải chuyển kinh doanh mặt hàng khác.

Doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm, đơn vị được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất từ năm 2015 để thực hiện dự án Khu bể bơi thể thao dưới nước và vui chơi giải trí cho thiếu nhi tại huyện Thạch Thành cũng đang khốn khổ trong vòng xoáy thủ tục.

Ông Bùi Huy Long, Giám đốc doanh nghiệp cho biết, đơn vị đã nộp hồ sơ vào Phòng một cửa của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa từ ngày 10-3-2016 để thẩm định. Theo Nghị định số 64/2012/NĐ-CP của Chính phủ thì thời gian cấp giấy phép xây dựng không quá 20 ngày làm việc nhưng đến nay, đã qua 3 lần nộp hồ sơ, doanh nghiệp vẫn chưa được cấp phép. Sau đó, doanh nghiệp bất ngờ bị thanh tra Sở Xây dựng, sau đó là Thanh tra Bộ Xây dựng đến thanh tra cả vào ngày...thứ bảy, trong khi theo quy định là ngày nghỉ của cán bộ công chức.

Trước đó, UBND huyện Thạch Thành cũng có kiến nghị về sự cấp thiết của dự án đối với địa phương, đề nghị Sở Xây dựng sớm xem xét và cho phép điều chỉnh mặt bằng quy hoạch và cấp phép xây dựng doanh nghiệp sớm thi công.

Tuy nhiên, những kiến nghị đều bị bỏ qua nên cực chẳng đã, ngày 1-7-2016, doanh nghiệp Huy Lâm đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xin trả đất, với nội dung: “Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho người lên đấu giá lại khu đất, tài sản trên đất (nếu có) cho doanh nghiệp của tôi thanh lý lại, tìm thị trường khác để đầu tư vì không thể đầu tư được ở thị trường này được nữa”. Không dừng lại ở đó, theo kết luận thanh tra mới đây của địa phương, phần lỗi hoàn toàn do doanh nghiệp cùng những yêu cầu phải “xin lỗi”, xử lý nghiêm”

Cá nằm trên thớt?

Tại Hội thảo về Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức gần đây, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã thẳng thắn nêu ra nhiều vấn đề bức xúc như của doanh nghiệp. Ông Đệ nói: “Tôi nghe Thủ tướng nói chính quyền phải đồng hành cùng doanh nghiệp mà cứ như chuyện ở đâu đâu. Ở Thanh Hóa không có chuyện đó, người ta còn nói “chính quyền là cấp trên, sao phải “đồng hành với doanh nghiệp”. Chỉ doanh nghiệp lớn mới được đồng hành, ưu ái, thậm chí trở thành độc quyền, gây khó dễ cho các doanh nghiệp khác. Còn với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì “đồng” thì ít mà “hành” là chính. Đơn cứ như khu kinh tế Nghi Sơn, từ hạ tầng đến nước, xăng dầu... đều do một ông lớn thao túng.Một doanh nghiệp khác vào làm ăn là gặp khó ngay”. Ông Đệ kiến nghị, VCCI cần cử một đoàn công tác đặc biệt vào Thanh Hóa xác minh để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Dự án Nhà máy nước sạch hồ Quế Sơn bị cho là "dự án chồng dự án"

Dưới thảm đỏ là đinh

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, trước đơn kiến nghị của các doanh nghiệp Thanh Hóa, VCCI sẽ có đoàn công tác làm việc chính thức với tỉnh Thanh Hóa sau đó sẽ có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Hiện, VCCI đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa bố trí thời gian làm việc nhưng chưa được trả lời thời gian cụ thể.

Trong một động thái khác, dù đưa ra những khuyến nghị bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp theo đúng chức năng của mình, nhưng kết luận của thanh tra địa phương mới đây đã “thẳng thừng” yêu cầu chi nhánh VCCI tại Thanh Hóa phải có văn bản báo cáo lại chính xác nội dung sự việc tới các cơ quan mà chi nhánh đã gửi văn bản phản ánh và cần thiết phải xin lỗi, nghiêm túc rút kinh nghiệm...

Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển Doanh nghiệp đến năm 2020 đã nêu rõ: “Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng”. Trao đổi với báo chí gần đây, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa từng nói: “Lãnh đạo địa phương phải cảm ơn nhà đầu tư, phải lặn lội đến với nhà đầu tư, phải gặp gỡ nói chuyện với nhà đầu tư, phải rải thảm mời họ. Tránh chuyện trên rải thảm, dưới rải đinh”. Nhưng rõ ràng những gì xảy ra nêu trên đây đã trái ngược với những chủ trương tốt đẹp trên và cần được xử lý, không để làm xấu hình ảnh, môi trường đầu tư của Thanh Hóa.

Diệp Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/thanh-hoa-duoi-tham-do-con-rat-nhieudinh-287129.html