Thanh Hóa: Dự án hàng trăm tỉ trở thành nơi chăn thả trâu bò, “bẫy” người dân

Một dự án được phê duyệt với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng sau nhiều năm thi công nay vẫn còn dang dở, trở thành nơi chăn thả trâu bò và điểm chích hút của dân nghiện ngập. Bên cạnh đó, công trình xuống cấp, hư hỏng, tạo thành những cái “bẫy” hết sức nguy hiểm cho người dân.

Công trình dang dở, trở thành “bẫy” người dân

Năm 2010, nguyên Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa Nguyễn Xuân Phi (nay là Bí thư Thành ủy) phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư xã Quảng Thành (nay là phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Chủ đầu tư là UBND TP. Thanh Hóa, đơn vị quản lý là Ban quản lý Dự án cải thiện môi trường đô thị Miền Trung – Tiểu dự án Thanh Hóa (gọi tắt là PMUTH).

Dự án dang dở, cỏ mọc um tùm, trở thành bãi chăn thả trâu bò.

Mặt bằng quy hoạch được phê duyệt với diện tích gần 270.000 m2 gồm đất dịch vụ thương mại, đất giáo dục, chung cư cao tầng, biệt thự chia lô liền kề, nhà văn hóa phố, khuôn viên cây xanh, hồ nước…

Tổng mức đầu tư dự án hơn 283 tỉ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, ngân sách thành phố và các nguồn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự án 4 năm, bắt đầu từ quý IV/2010.

Sau nhiều năm triển khai, dự án đến nay vẫn chưa hoàn thành giai đoạn 1.

Theo UBND TP Thanh Hóa, mục đích đầu tư xây dựng khu tái định cư xã Quảng Thành là nhằm sắp xếp lại dân cư đô thị, khai thác quỹ đất tạo nguồn ngân sách cho tỉnh, thành phố và phục vụ tái định cư cho các dự án do thành phố làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm năm 2013, sau gần 3 năm triển khai, dự án gần như vẫn dậm chân tại chỗ. Đến ngày 24/9/2013, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa Đào Trọng Quy tiếp tục có quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư xã Quảng Thành. Theo đó, tổng mức đầu tư được điều chỉnh từ 283 tỉ đồng lên 306 tỉ đồng để phù hợp với nguồn vốn, tăng tính khả thi và dự án được phân kỳ làm 3 giai đoạn.

Mặc dù dự án được phê duyệt, phân kỳ rõ ràng, nhưng sau nhiều năm, đến nay vẫn còn dang dở, nhếch nhác, trở thành bãi chăn thả trâu bò, gà vịt.

Hố ga không nắp đậy trở thành cái bẫy nguy hiểm cho người dân, vật nuôi.

Thiếu tầm nhìn hay nguồn vốn hạn hẹp?

Theo kế hoạch, giai đoạn I đã hoàn thành từ năm 2014 nhưng đến nay mới chỉ được khoảng 80% khối lượng, giai đoạn II và III chưa khởi công.

Đây cũng là bãi chích hút ma túy của các đối tượng nghiện ngập.

Bà Nguyễn Thị Mai, một người dân ở phường Quảng Thành bức xúc: "Khi phê duyệt dự án, chủ đầu tư, Ban bồi thường GPMB vận động người dân trả đất, tạo điều kiện cho dự án hoàn thành tiến độ, chúng tôi ai cũng vui vẻ chấp thuận, khấp khởi hi vọng dự án sẽ làm thay đổi bộ mặt phố thị nghèo nàn. Vậy mà đến nay đã nhiều năm trôi qua, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, đất đai hoang hóa không thể trồng trọt, một số hộ theo phương án tái định cư tại chỗ nay vẫn chưa có nhà ở".

Theo ghi nhận, Dự án khu tái định cư xã Quảng Thành như một đống đổ nát. Hàng loạt hạng mục dang dở, xuống cấp, trở thành nơi chăn thả trâu bò, gà vịt. Một số thiết bị phơi nắng mưa lâu ngày có dấu hiệu hư hỏng, gãy vở.

Bên cạnh đó, do chưa được đấu nối điện nên vào mỗi tối, bãi đất hoang này trở thành điểm “tập kết”, tiêm chích của các đối tượng nghiện ngập; kim tiêm còn dính máu vứt vương vãi khắp nơi.

Nguy hiểm hơn, vào đêm tối hay trời mưa một số hạng mục như hố ga, cống thoát nước bị mất nắp trở thành cái bẫy rất nguy hiểm cho người dân, trẻ em xung quanh. Đã nhiều lần người dân Quảng Thành kiến nghị lắp đặt các nắp cống, hố ga tránh tai nạn nhưng đến nay chủ đầu tư, đơn vị thi công vẫn chưa có biện pháp khắc phục, sửa chữa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Long, Chủ tịch UBND phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa cho hay: "Dự án khu tái định cư Quảng Thành dang dở nhiều năm gây nên không ít khó khăn cho người dân và chính quyền địa phương như, ảnh hưởng đến cấp thoát nước nông nghiệp, gây ngập cục bộ, trộm cắp, lãng phí quỹ đất… Chúng tôi rất mong dự án tiếp tục khởi công, hoàn thiện các hạng mục còn lại".

Một số hạng mục, thiết bị hư hỏng, xuống cấp do phơi mưa nắng lâu ngày.

Trao đổi về sự chậm trễ, nhếch nhác, xuống cấp của dự án trên, ông Trịnh Văn Bản, Giám đốc PMUTH cho hay: "Về vấn đề tiến độ của dự án, chúng tôi cũng rất đau đầu. Tuy nhiên do những nguyên nhân khách quan, nên đến nay dự án vẫn chưa thể khởi công trở lại".

Ông Bản cho biết thêm, khi phê duyệt dự án, chủ đầu tư chưa đánh giá hết được những thuận lợi, khó khăn sẽ gặp phải. Thời điểm quy hoạch dự án, thị trường bất động sản còn sôi động, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, đã hết “nóng” và có dấu hiệu chững lại. Nguồn vốn bố trí cho dự án gặp nhiều khó khăn, đã nhiều lần đề xuất nhưng vẫn chưa có nguồn để tái khởi động.

Dự án phơi nắng mưa trong khi các hộ tái định cư tại chỗ lại không có nhà cửa để ở.

Ngoài ra, dự án nằm trên trục đường tránh Bắc – Nam nhưng lại khá xa trung tâm thành phố, đặc biệt là trường học, chợ, bệnh viện… nên không mấy ai mặn mà để bỏ tiền ra mua; một số hộ được tái định cư ở các dự án của TP. Thanh Hóa thì không chịu về ở.

Về vấn đề giải quyết khó khăn của nguồn vốn, ông Lê Mai Khanh, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch TP. Thanh Hóa cho biết: "Nguồn vốn không có nên đến nay dự án chậm tiến độ so với kế hoạch. Chúng tôi đã liên hệ một số nguồn từ Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Khi nào sắp xếp được nguồn vốn thì chúng tôi sẽ triển khai tiếp".

Theo quy tại Điều 64 Luật Đất đai sửa đổi thì Nhà nước sẽ thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai như sau:

“1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:

a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao,cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;

b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;

c) Đất được giao, cho thuê khôngđúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;

d) Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;

đ) Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;

e) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;

g) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;

h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;

i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

2. Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai phải căn cứ vào các văn bản, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật đất đai”.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

Triều Dương

Nguồn: Tinnhanhonline.vn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/thanh-hoa-du-an-hang-tram-ti-tro-thanh-noi-chan-tha-trau-bo-a170807.html