Thanh Hóa: 10 năm, chuyển đổi gần 23.000 ha đất lúa

Từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi thành công 22.798,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn, ổn định hơn.

Tính riêng năm 2016, tổng diện tích chuyển đổi là 4.286,2 ha…

Thanh Hóa tập trung đẩy mạnh chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác

“Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích đất trồng lúa sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Triển khai sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ giống, hình thức canh tác, cơ giới hóa đến quản lý dịch bệnh nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm đảm bảo năng suất, chất lượng”, đây là một trong những nội dung trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII nhấn mạnh trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.

Để đề án sớm đi vào thực tiễn, những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách kích cầu cho bà con nông dân như: Hỗ trợ kinh phí sản xuất vụ đông; hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai, ngô lai; kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm; tăng cường cải tạo hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn…

Nhờ có chủ trương đúng đắn, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và trên hết là sự nỗ lực của bà con nông dân, đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả hết sức khả quan trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trồng trọt.

Năm qua Sở NN-PTNT định hướng, tập trung phát triển 7 sản phẩm có lợi thế gồm: lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao 64.534 ha; ngô thâm canh 8.000 ha; mía thâm canh 6.669 ha; rau an toàn 379 ha; cây ăn quả 2.500; hoa, cây cảnh 40 ha; cây thức ăn chăn nuôi 3.476 ha.

Triển khai xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất chuỗi mang lại hiệu quả cao (sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ, quy mô 100 ha ở vụ xuân và 180 ha ở vụ mùa tại huyện Thiệu Hóa; ứng dụng ngô biến đổi gen, quy mô 50 ha tại huyện Thọ Xuân; sản xuất mía thâm canh, thu hoạch bằng máy công suất 150-200 tấn/ngày/máy tại Cty Cổ phần Mía đường Lam Sơn...).

Tích cực chuyển đổi đất lúa mở ra cơ hội phát triển sản xuất vụ đông ở Thanh Hóa

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT, từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi thành công 22.798,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao. Tính riêng năm 2016, tổng diện tích chuyển đổi là 4.286,2 ha, đi đầu là các huyện Quảng Xương 778 ha, Yên Định 500 ha, Nông Cống 329 ha, Hoằng Hóa 300 ha, Hậu Lộc 210 ha, Thọ Xuân 194 ha…

Sau chuyển đổi, diện tích đất chuyên ngô 2 vụ/năm tăng lên 5.100 ha, diện tích ngô vụ đông trên đất lúa được mở rộng từ 9.846 ha (năm 2011) lên 18.000 ha (năm 2015). Qua khảo sát thực tế, năng suất 3 vụ ngô triển khai trên đất lúa đạt bình quân 52 tạ/ha/vụ, cao hơn bình quân toàn tỉnh 10 tạ/ha/vụ. Riêng sản lượng ngô đông trên đất lúa tăng chóng mặt, từ 44.300 tấn năm 2011 vọt lên 80.000 tấn năm 2015.

Không chỉ với cây ngô, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng mía, ớt, ngô dày làm thức ăn chăn nuôi, hoa, cây ăn quả hay rau màu các loại đều mang lại hiệu quả nhất định.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, chủ trương thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả đã tạo ra quỹ đất ổn định cho quá trình sản xuất vụ đông, từng bước đưa vụ đông thành vụ chính trong năm. Ghi nhận sơ bộ, diện tích sản xuất hàng năm đạt mức 50.000 ha với tổng giá trị vào khoảng 2.200 tỷ đồng, bước đầu nhiều loại cây trồng mang lại giá trị, lợi nhuận kinh tế cao: lạc 47,7 triệu đồng/ha; khoai tây 80 triệu đồng/ha; rau đậu 60 -100 triệu đồng/ha; hoa 150 – 300 triệu đồng/ha; ớt xuất khẩu 100 – 150 triệu đồng/ha…

Đưa nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch cho người tiêu dùng trên địa bàn cũng là một trong những nội dung trọng tâm của ngành trong năm 2016. Khảo sát bước đầu, một số mô hình triển khai tại các huyện Thọ Xuân, Như Thanh, Hậu Lộc, Đông Sơn… đang phát huy hiệu quả rõ rệt.

Đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bước đầu phát huy hiệu quả ở Thanh Hóa

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thời gian tới Thanh Hóa tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo đúng định hướng, kế hoạch. Về trồng trọt, tiếp tục chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao và nuôi trồng thủy hải sản, xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển các sản phẩm chủ lực.

Về chăn nuôi, tập trung phát triển kinh tế trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao và củng cố chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn. Ngoài ra, phải triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách; cải cách thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiến tới xây dựng chuỗi liên kết mang giá trị bền vững.

Trong năm 2016, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh Thanh Hóa đạt 435.028 ha, bằng 99,1% KH. Tổng sản lượng lương thực đạt 1.726.281 tấn, giá trị sản xuất ngành trồng trọt ước khoảng 13.489 tỷ đồng, đạt 100% KH, tăng 564 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/thanh-hoa-10-nam-chuyen-doi-gan-23000-ha-dat-lua-post184061.html