Thăng trầm nghề biển

Ngồi trên bãi biển giữa buổi chiều hè nắng chói chang, những lão ngư ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam hướng đôi mắt nặng trĩu lo toan về phía biển. Sự cơ cực của nghề 'ăn sóng, nói gió' hằn rõ trên khuôn mặt đầy vết chân chim cùng đôi bàn tay gân guốc, đen sạm của những lão ngư này.

Các lão ngư ở xã biển Bình Minh ngồi trên bãi biển trò chuyện về nghề biển. Ảnh: Bích Nguyên

Sinh kế gói gọn trong chiếc thúng chai

Sinh ra ở làng biển, ông Trần Trường ở thôn Bình Tịnh theo nghề truyền thống của ông cha từ năm 15 tuổi. Cho đến bây giờ, đã ở tuổi 72, ngày ngày ông vẫn bám biển kiếm sống.

Gần 60 năm gắn bó với biển, ông Trường trải qua không biết bao thăng trầm, sóng gió, vất vả. Lão ngư này làm nghề lưới câu, khai thác gần bờ. Chỉ tay về chiếc thúng chai đã được kéo lên bờ biển, ông Trường kể: “Chiếc thúng này là kế sinh nhai của vợ chồng tôi. Thường ngày, tôi thức dậy từ 2 giờ sáng để ra biển thả lưới bắt cá đến 7-8 giờ thì về bờ. Bây giờ tuổi già, sức yếu, biển lại ít cá nên mần ăn kém lắm”.

Hoài niệm về một thời đã xa, ông Trường giãi bày: “Ngày xưa, biển có nhiều cá, việc đánh bắt dễ dàng hơn, trong nhà cũng có đồng ra, đồng vào. Bây giờ, mỗi ngày tôi đánh bắt được vài ký cá, bán được hơn 100.000 đồng thôi. Vào mùa Đông, tiền bán cá mỗi chuyến chỉ được chừng 70.000 đồng”.

Cùng ngồi trò chuyện, ông Tô Văn Tài cho rằng, mình là người may mắn khi sống sót qua nhiều cơn bão, vẫn còn làm nghề biển được cho đến ngày hôm nay. Lão ngư 60 tuổi này có dáng người cao lớn, chắc nịch. Giống như nhiều ngư dân khác, da ông sạm đen bởi nắng gió biển cả. Thời trai trẻ, ông Tài đi làm thuê cho các thuyền câu mực khơi xa bờ. “Ở xứ này, lớp người chúng tôi đa số đều theo nghề biển, bởi không biết làm nghề gì khác. Làm nghề biển phải chấp nhận sóng gió, nguy hiểm. Chúng tôi thường nói với nhau rằng, không đi biển thì chết đói cả nhà, đi biển thì chết mình cha” - ông Tài tự nhắc mình về sự hiểm nguy của nghề biển khi gặp phong ba bão tố.

Ở xứ biển Bình Minh, ngư dân vẫn chưa nguôi nỗi ám ảnh về cơn bão Chanchu năm 2006. Vùng biển này là địa phương chịu thiệt hại thảm khốc nhất với con số 83 ngư dân bị chết. Ông Tài luôn bảo rằng, được ông bà tổ tiên độ trì mới sống sót trở về. Ký ức kinh hoàng gần 20 năm trước chưa bao giờ nhòa trong tâm khảm của ông. “Hồi đó, tôi làm trên tàu cá của ông Năng (chủ tàu ở thành phố Đà Nẵng - PV). Tàu chúng tôi và nhiều tàu khác đang đánh bắt ngoài khơi thì nghe tin bão Chanchu. Tàu thuyền chạy bão tán loạn. Sóng đánh mạnh, tàu chòng chành, rung lắc dữ dội. Chúng tôi phải quăng hết đồ trên tàu xuống biển cho nhẹ mới chạy thoát khỏi bão. Có gia đình mất tới 3 người. Đau thương không lời nào tả hết” - ông Tài nhớ lại.

Sau bão Chanchu, ông Tài không theo tàu câu khơi nữa mà chuyển nghề đánh bắt gần bờ. “Nghề này cực lắm. Bữa nào trúng cá thì được 300.000 đồng. Bữa đói được vài chục ngàn. Bù qua lại vừa đủ để tôi trang trải chi phí hàng ngày” - ông Tài chia sẻ.

Cũng trên bãi biển Bình Minh, tôi gặp lão ngư Tô Hạc. Năm nay 73 tuổi, ông vẫn ngày ngày ra biển kiếm cá. Dáng người gầy gò của ông như khô héo hơn trong ánh nắng biển như thiêu đốt. Ánh mắt chất chứa nhiều nỗi niềm, ông Hạc chia sẻ: “Tôi làm nghề câu cá lăng. Giờ tuổi tôi đã cao, sức yếu nên chỉ làm vừa phải, gắng kiếm miếng cơm qua ngày. Có bữa, tôi trúng được vài trăm ngàn, có bữa chỉ kiếm được vài chục ngàn. Ngày trúng thì ít, ngày thua thì nhiều, vì thế, tôi phải chi tiêu rất dè sẻn”.

Vươn khơi xa mong làm giàu

Những lão ngư mà tôi gặp ở bãi biển Bình Minh đại diện cho thế hệ ngư dân của thời trước, tuổi già, sức yếu, tiềm lực kinh tế hạn hẹp nên vẫn gắn bó với nghề đánh bắt gần bờ. Còn lớp người trẻ trung đều đã đầu tư tàu lớn để đánh bắt ở vùng biển xa với rất nhiều hy vọng.

Anh Trần Công Tư và cán bộ Đồn Biên phòng Bình Minh xem bản đồ về vùng biển ngư dân Việt Nam được phép khai thác. Ảnh: Bích Nguyên

Trở về sau chuyến biển dài 68 ngày, anh Trần Công Tư ở thôn Bình Tịnh phấn khởi cho biết: “Chuyến này, tàu tôi đánh bắt được 26 tấn mực khô. Giá mực hiện tại là 160.000 đồng/kg, tôi dự tính bán được 4 tỉ đồng. Sau khi trừ phí tổn, mỗi bạn thuyền được chia khoảng 60-70 triệu đồng, phần tôi được khoảng 400 triệu đồng”.

Anh Tư là chủ tàu QNa 95636 TS, công suất 1.436CV làm nghề câu mực với hơn 40 thuyền viên. Mỗi chuyến biển của anh thường kéo dài từ 50 - 70 ngày trên ngư trường truyền thống từ quần đảo Hoàng Sa tới quần đảo Trường Sa. Trong một năm, anh Tư đi được 3 chuyến biển, năm nào thời tiết thuận lợi có thể đi được 4 chuyến.

Kể chuyện đời, chuyện nghề, anh Tư cho biết, năm 16 tuổi, anh khởi nghiệp bằng việc làm thuê trên tàu giã cào ở tận Vũng Tàu. Sau khi học, có bằng thuyền trưởng, năm 2011, anh vay tiền ngân hàng, góp vốn mua chiếc tàu 340CV làm nghề câu mực. 3 năm sau, trả hết nợ, anh tiếp tục mua tàu lớn hơn trị giá 3 tỉ đồng. Năm 2017, anh bán tàu cũ và đầu tư mua tàu mới, nâng cấp công suất lên thành 1.436CV và gắn bó cho tới giờ.

Anh Tư giãi bày: “Bây giờ, nguồn lợi thủy sản suy giảm rõ rệt. Làm ăn khó khăn hơn trước đây nhiều. Cách đây 10 năm, chúng tôi đi biển chỉ khoảng 1 tháng 20 ngày là khai thác được hơn 20 tấn. Bây giờ, đi 2 tháng 20 ngày mới được chừng đó. Phí tổn lại cao nên thu nhập không được là bao nhiêu. Nhìn con số mỗi chuyến biển thu về 400-500 triệu đồng, ai cũng tưởng là lớn, nhưng kỳ thực mình phải chi phí rất nhiều thứ, như tiền phí tu bổ, sửa chữa, hao mòn hằng năm. Tính ra, mỗi năm, tôi phải đổ vào tàu 300 triệu đồng để tu bổ”.

Nhìn lại chặng đường đã qua, anh Tư đúc rút: “Nghề biển bấp bênh lắm. Nếu chuyến biển chỉ khai thác được 10 tấn là không có ăn. Cuối năm 2020, bão gió liên tục, tàu tôi có chuyến chỉ đánh được 10 tấn mực, có tàu chỉ khai thác được 5 tấn, lỗ to. Tiền đầu tư cho một con tàu rất lớn, 3 năm liền làm được nhưng chỉ cần 1 năm làm ăn thất bát là suy sụp”.

Theo anh Tư, cái lo của ngư dân không chỉ ở việc biển có cá hay không, mà còn ở thời tiết, gió bão, tai nạn rủi ro. Một khó khăn nữa nằm ở việc tìm bạn thuyền (lao động). “Đóng tàu thì dễ, nhưng tìm bạn thuyền rất khó. Hiện, lao động rất khan hiếm, không dễ gì tìm được bạn thuyền gắn bó với mình. Tàu của tôi phải cần có đủ 43 lao động, nếu không có đủ chừng đó người thì phí tổn cho một chuyến biển sẽ tăng cao. Để giữ chân bạn thuyền, tôi phải ứng vốn cho họ vay để góp cổ phần với mình”.

Chia tay tôi, anh Tư bảo, dẫu khó khăn thì nghề biển cũng là nghề nuôi sống gia đình mình nên còn sức thì vẫn còn làm.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thang-tram-nghe-bien-post463989.html