Thẳng thắn, trách nhiệm thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

Sáng 7-12, trong ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, nhiều vấn đề quan trọng đã được các đại biểu đề cập trong phiên thảo luận tổ.Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đối với các tờ trình kèm theo dự thảo nghị quyết; thẳng thắn trao đổi, thảo luận nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội năm 2023 cũng như các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trong năm 2024.CHÚ TRỌNG THU HÚT NHÂN TÀI

Tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự tâm đắc và kỳ vọng về Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các đại biểu cho rằng, quan điểm của Tiền Giang là phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó, công nghiệp đóng vai trò chủ chốt, đảm bảo tăng trưởng; dịch vụ với du lịch và thương mại tăng cường gắn kết với các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nông nghiệp tiếp tục phát huy thế mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. 31 nội dung trong quy hoạch tỉnh đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về sự phát triển của tỉnh Tiền Giang tầm nhìn đến năm 2050.

Sáng 6-12, HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X khai mạc Kỳ họp thứ 11. Tham dự kỳ họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang khóa XV; các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Tiền Giang; cùng 60/61 đại biểu HĐND tỉnh khóa X…

Trong ngày làm việc đầu tiên, HĐND tỉnh đã đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà năm 2023; xác định những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện trong năm 2024; lắng nghe nội dung các báo cáo, tờ trình kèm dự thảo nghị quyết, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Võ Văn Bình đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, tích cực tham gia thảo luận đóng góp nhiều ý kiến chất lượng đối với các nội dung trình tại kỳ họp để khẳng định sự quyết tâm và chủ động khi bước vào năm 2024, là năm bứt phá, tiến tới hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, góp phần vừa rút ngắn thời gian vừa đảm bảo cho kỳ họp thành công tốt đẹp…

Đóng góp cho các nội dung của quy hoạch tỉnh Tiền Giang, đại biểu Lê Thị Bé Phượng, Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho ý kiến: Theo định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nêu ở phần mục tiêu tổng quát, TP. Mỹ Tho là một trong những trung tâm du lịch, thương mại - dịch vụ, logistic khu vực Bắc sông Tiền.

Tuy nhiên, trong quy hoạch tỉnh Tiền Giang chỉ quy hoạch 3 trung tâm logistic ở các huyện Tân Phước, Cái Bè, Gò Công Đông. Bên cạnh đó, việc quy hoạch TP. Mỹ Tho trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao có phù hợp không trong điều kiện thành phố đang mở rộng không gian đô thị, phấn đấu chuyển 4 xã lên phường giai đoạn đến năm 2025 và 2 xã còn lại sẽ lên phường giai đoạn đến năm 2030.

Ngoài ra, cần xem xét, định hướng đầu tư phát triển hạ tầng Khu du lịch Thới Sơn để phát huy vai trò là khu du lịch quốc gia, khu du lịch trọng điểm của tỉnh Tiền Giang; bởi hiện nay Thới Sơn thu hút khoảng 60% - 70% lượng khách du lịch hằng năm của tỉnh.

Còn đại biểu Lê Tròn Vình cho rằng, định hướng trong quy hoạch tỉnh Tiền Giang là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung hiện nay. Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nhà có những bước phát triển, tạo ra nhiều điểm sáng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế nhất định.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình phát biểu khai mạc kỳ họp.

Có thể lấy ví dụ như mặc dù Tiền Giang có vị trí địa lý thuận lợi cùng với đó lãnh đạo tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư, song tình hình kêu gọi ở một số dự án đầu tư hiện còn thấp.

Bên cạnh đó, yếu tố con người cũng là một trong những vấn đề đáng bàn trong quy hoạch của tỉnh ở từng giai đoạn. Có thể thấy, con người là yếu tố tiên quyết, quyết định sự thành công của cả quá trình; nếu có cơ chế, chính sách tốt, chúng ta sẽ thu hút nhân tài.

Chính vì vậy, trong hướng phát triển sắp tới, rất mong có sự quan tâm đến yếu tố con người; trong đó, nhấn mạnh vào 2 việc là: Định hướng lại đội ngũ cán bộ quản lý và tập trung thu hút nhân tài về tỉnh cống hiến, làm việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, quy hoạch tỉnh Tiền Giang mang tính chất tổng thể, trong đó có 31 học phần gồm 11 học phần của các huyện, thị xã, thành phố và 20 học phần của các sở, ngành. Sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua thì từng huyện, từng ngành, từng lĩnh vực sẽ có đề án cụ thể và khi đó mới đi vào chi tiết.

Chủ tịch UBND tỉnh rất tâm đắc và tán thành với ý kiến của đại biểu Lê Tròn Vình khi cho rằng chính con người sẽ là giải pháp căn cơ lâu dài cho sự phát triển. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có những cơ chế, chính sách phát triển yếu tố con người, trong đó chú trọng thu hút nhân tài.

Thật ra, trong lĩnh vực doanh nghiệp, tỉnh cũng đã thực hiện tốt vấn đề này, bằng chứng là có rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp về tỉnh. Còn đối với lĩnh vực khác, tỉnh cũng sẽ chú ý nghiên cứu, tổ chức hội thảo nghiên cứu, thu hút nhân tài về tỉnh công tác.

QUAN TÂM THU NGÂN SÁCH VÀ NHÀ Ở XÃ HỘI

Trong phiên thảo luận tổ của Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, đại biểu Nguyễn Văn Bằng, Bí thư Huyện ủy Cai Lậy ý kiến về dự thảo nghị quyết liên quan vấn đề hỗ trợ cho nhân viên ngành Y tế. Theo đại biểu, trong dự thảo nghị quyết chưa đề cập đến nhóm đối tượng tạp vụ, tài xế, thợ sửa điện, thợ sửa ống nước; chưa nói đến các bệnh viện lớn có nhóm nhân viên vận hành trang thiết bị.

UBND tỉnh nên nghiên cứu thêm vì nhóm đối tượng chưa có nói trên có thu nhập thấp và công việc tương đối vất vả, dù không trực tiếp tham gia vào công tác khám, chữa bệnh nhưng cũng thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh khóa X.

Vấn đề chỉ tiêu thu ngân sách, đại biểu Nguyễn Văn Bằng cho rằng, năm 2023 tỉnh thu ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng, không đạt so dự toán. Thế nhưng, dự toán thu ngân sách năm 2024 của tỉnh hơn 8.000 tỷ đồng, trong khi nhu cầu chi ngân sách lớn nên việc cân đối ngân sách sẽ khó khăn. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cân đối ngân sách, song với tình hình thu ngân sách như hiện nay sẽ khó đạt mục tiêu. Do đó, UBND tỉnh cần nghiên cứu giải pháp để có nguồn thu bền vững và đảm bảo được mục tiêu đã đặt ra trong nhiệm kỳ.

Quang cảnh thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh khóa X.

Còn đại biểu Phạm Thị Mai Tiên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đề nghị có giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện đạt chỉ tiêu tăng trưởng gắn với thu ngân sách. Bên cạnh đó, các cơ quan nên xem lại giá đất của tỉnh, hiện rất cao. Việc người dân tiếp cận với các khu vực nhà ở tốt rất khó khăn. Việc tính giá đất tái định cư cần nghiên cứu lại cho hợp lý để người bị thu hồi đất được hưởng lợi.

Hiện nay, giá đất tái định cư được đưa cho đơn vị tư vấn dịch vụ theo giá thị trường thì người bị thu hồi đất sẽ không đủ khả năng để mua nền tái định cư. Đại biểu đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục làm việc với UBND tỉnh để có chỉ đạo cơ quan tham mưu nghiên cứu.

Cũng theo đại biểu Phạm Thị Mai Tiên, Tiền Giang có tỷ lệ đô thị hóa thấp. UBND tỉnh nên có những giải pháp, đặc biệt là quan tâm về nhà ở xã hội để tạo điều kiện phát triển các khu nhà ở xã hội đạt chuẩn giúp người dân có thu nhập trung bình có thể tiếp cận nhà ở dân cư đạt chuẩn.

ĐỖ PHI - CAO THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202312/ky-hop-thu-11-hdnd-tinh-tien-giang-khoa-x-thang-than-trach-nhiem-thao-luan-nhieu-van-de-quan-trong-997821/