Tháng Chín, về Cây Thị Anh hùng

Xã Cây Thị (Đồng Hỷ), vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đang chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống ấm no, sung túc...

Diện mạo nông thôn mới ở xã Cây Thị.

Theo những tài liệu còn lưu giữ được của Đảng bộ xã Cây Thị, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã xây dựng cơ sở cách mạng ở Cây Thị trở thành con đường liên lạc từ Xứ ủy Bắc Kỳ lên Căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai vào năm 1940.

Từ đó cho đến ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cơ sở cách mạng tại Cây Thị đã dẫn đường và bảo vệ an toàn cho hàng trăm lượt cán bộ của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Bên cạnh đó, Trạm liên lạc xã Cây Thị còn chuyển thành công nhiều tài liệu quan trọng của Đảng đến các nơi quy định.

Từ năm 1945 đến năm 1954, nhân dân các dân tộc xã Cây Thị đã đóng góp cho kháng chiến hàng nghìn kg gạo và nhiều loại thực phẩm. Đồng thời vận động con em tòng quân đi tham gia chiến đấu tại các chiến trường.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Cây Thị đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu: khôi phục, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân; cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội chủ nghĩa; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất và phục vụ chiến đấu, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong giai đoạn này, xã Cây Thị có 104 thanh niên xung phong lên đường đánh giặc; đóng góp cho Nhà nước trên 50 tấn thóc, thực phẩm cùng hàng vạn ngày công phục vụ cho việc chiến đấu của quân ta.

Ghi nhận những thành tích đón, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Cây Thị là xã An toàn khu.

Ông Trần Duy Hưng, nguyên Chủ tịch UBND xã Cây Thị, nhớ lại: Năm 1987, khi cả nước bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Cây Thị là một trong những xã có mặt bằng kinh tế khó khăn nhất của huyện Đồng Hỷ. Bà con chủ yếu trồng lúa, nhưng tập quán canh tác lạc hậu; trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng chưa có gì. Hàng năm vẫn có khoảng 70% dân số bị thiếu ăn từ 3-4 tháng...

Bộ phận "Một cửa" ở xã Cây Thị được xây dựng khang trang, phục vụ tốt nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Song, với tinh thần đoàn kết và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc xã Cây Thị đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Trong đó, xã chú trọng động viên tinh thần tự lực của nhân dân; phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, xóa bỏ hình thức sản xuất độc canh cây lúa, chú trọng trồng chè, trồng rừng; quan tâm phát triển văn hóa - giáo dục; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Nhờ vậy, những khó khăn của Cây Thị đã từng bước được giải quyết.

Năm 2012, xã Cây Thị bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo của địa phương lại tiếp tục có những đổi thay tích cực.

Ông Dương Minh Thư, Chủ tịch UBND xã Cây Thị, cho biết: Là xã có xuất phát điểm thấp nên khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về XDNTM; thực hiện tốt quy chế dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để huy động sự đóng góp của người dân trong thực hiện các tiêu chí, nhất là những tiêu chí cần kinh phí đối ứng, như làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa... Với cách làm này, năm 2019, xã Cây Thị đã hoàn thành Chương trình XDNTM, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

Theo thống kê của UBND xã Cây Thị, trong quá trình XDNTM, bên cạnh việc tranh thủ các nguồn vốn ngân sách của cấp trên, toàn xã đã huy động người dân hiến gần 25.000m2 đất, đóng góp trên 9,5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đến nay, 100% tuyến đường trục xã, liên xã và gần 75% tuyến đường trục xóm, liên xóm ở Cây Thị đã được bê tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 7/7 xóm có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định; thu nhập bình quân tăng theo từng năm, đến hết năm 2022 đạt 39 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 7 triệu đồng so với năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 11% (năm 2019) xuống còn 9%...

Trải qua thời gian xây dựng và phát triển, giờ đây, Cây Thị đã “khoác” lên mình một diện mạo mới mẻ, đầy sức sống. Đây chính là tiền đề quan trọng để Cây Thị tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, hướng đến mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, nâng cao đời sống người dân, xứng đáng với truyền thống xã Anh hùng...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202309/thang-chin-ve-cay-thi-anh-hung-3a01119/