Tháng Ba về Bắc Kạn thưởng thức bánh trứng kiến

Những ngày đầu tháng Ba âm lịch, nhiều người dân ở Bắc Kạn lại lên rừng thu hoạch trứng kiến về làm bánh. Đã từ lâu, bánh trứng kiến trở thành món ăn đặc sản mang hương vị núi rừng đối với người dân địa phương.

Ông Hoàng Văn Vận, tổ Đon Tuấn, phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) thu hoạch trứng kiến.

Bánh trứng kiến là món ăn dân dã của dân tộc Tày, được chế biến tương đối cầu kỳ, có hương vị thơm ngon đặc trưng với nguyên liệu chính là trứng kiến.

Những ngày này, món bánh trứng kiến được bán nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút đông khách trong và ngoài tỉnh đặt mua.

Ông Lưu Đình Sáng, thôn Nà Kha, xã Quang Thuận (Bạch Thông) cho biết: “Để lấy được trứng kiến làm nhân bánh, tôi thường đi vào rừng tìm tổ kiến lúc mới bắt đầu vào mùa kiến đẻ trứng để đánh dấu tổ kiến đó và chờ khoảng hai tuần sau quay lại thu hoạch. Quá trình thu hoạch hết sức tỉ mỉ và cẩn thận để trứng kiến không bị vỡ, bị nát, nên mỗi tổ mất chừng một giờ đồng hồ.

Ông Lưu Đình Sáng, thôn Nà Kha, xã Quang Thuận (Bạch Thông): Vào mùa kiến đẻ trứng tôi thường xuyên vào rừng lấy trứng kiến về làm nhân bánh.

Tổ kiến thường ở trên những cành cây cao, sau khi lấy tổ xuống sẽ dùng dao bổ ra và gõ để trứng kiến rơi xuống mẹt đã để sẵn. Tiếp theo dùng những cành cây nhỏ phủ lên trên để kiến bám vào. Thỉnh thoảng tôi lại rũ cành cây để loại bỏ kiến ra khỏi mẹt trứng. Sau khi đã loại bỏ hết kiến, dùng khăn ướt phủ lên trên mẹt trứng kiến để loại bỏ hết những vụn của tổ kiến. Từ đó được trứng kiến sạch để đem về làm bánh”.

Trứng kiến đem về rửa sạch rồi cho vào chảo phi cùng hành khô, đảo đến khi chín là được. Tuy nhiên, người dân còn dùng thêm thịt lợn băm nhuyễn, hành khô, vừng hay lạc rang giã nhỏ làm nhân cùng với các gia vị khác để tạo vị đậm đà cho bánh.

Phần vỏ bánh được làm từ gạo nếp ngon, đãi sạch rồi ngâm qua đêm, đến sáng hôm sau thì vớt ra để ráo nước. Sau đó gạo được đem xay thành bột và nhào nặn cho đến khi dẻo, mịn, không dính tay. Người dân chia bột và cán mỏng ra thành từng miếng nhỏ hình vuông bằng bàn tay rồi đặt lên miếng lá vả, cho một chút nhân đã chế biến sẵn dàn đều lên bề mặt lớp bột đó rồi gói lại để giữ chặt phần bột và nhân bên trong.

Sau khi gói xong, bánh được mang đi hấp cách thủy từ 45-50 phút là chín. Bánh trứng kiến có thể ăn nóng hoặc nguội, khi thưởng thức sẽ cảm nhận được độ dẻo của bột gạo nếp, vị bùi chát của lá vả non và vị thơm ngậy của nhân trứng kiến.

Chị Nguyễn Thị Thiểm, tổ 1A, phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng làm bánh trứng kiến để bán. Trung bình mỗi ngày tôi bán đi Hà Nội, Thái Nguyên và trong tỉnh gần 500 cái bánh, với giá 17.000 – 20.000 đồng/cái. Vào dịp Tết Thanh minh, gia đình tôi phải huy động thêm nhân lực để phụ giúp làm bánh để kịp giao cho khách hàng”.

Khách hàng mua bánh trứng kiến tại chợ Đức Xuân (TP. Bắc Kạn).

Anh Phan Hữu Khánh, trú tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Trước đây tôi công tác tại Bắc Kạn nên rất yêu thích các món ăn mang đậm hương núi rừng như gạo bao thai, lạp sườn, bánh giầy, đặc biệt là bánh trứng kiến. Vì vậy năm nào gia đình tôi cũng chờ đến mùa bánh trứng kiến để đặt hàng gửi về thưởng thức loại bánh đặc sản này và biếu bạn bè”.

Chị Văn Thị Vân, trú tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Mẹ tôi quê ở thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn) nên năm nào về tảo mộ, cũng là dịp được xem các dì làm bánh trứng kiến. Hồi bé tôi không biết ăn nhưng mẹ dạy cách ăn, dần dần lớn lên tôi nghiện loại bánh đặc sản này. Bánh trứng kiến rất ngon, mang hương vị bản sắc dân tộc Tày, chứa đựng nhiều tình cảm, tâm huyết của người làm bánh”.

Nếu có dịp đến Bắc Kạn vào tháng Ba âm lịch, du khách đừng quên thưởng thức đặc sản bánh trứng kiến và mua về làm quà biếu tặng người thân, bạn bè./.

Bích Ngọc

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/thang-ba-ve-bac-kan-thuong-thuc-banh-trung-kien-post62484.html