Tháng 7 tri ân: Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội...

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những mất mát, đau thương vẫn còn đó. Có người đã ra đi mãi mãi không về, có người ở lại, nhưng tình đồng chí, đồng đội vẫn còn được lưu giữ mãi trong tim mỗi người.

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay đã đến, một ngày để người dân cả nước hướng về tưởng niệm, tri ân những thương binh, liệt sĩ đã hy sinh để mang lại nền hòa bình cho đất nước. Đây cũng là ngày mang ý nghĩa thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của người Việt.

Đến với Nghĩa trang liệt sĩ TP. Hà Nội trong những ngày này, từng đoàn người nối tiếp thành kính dâng hoa, dâng hương, dành những phút mặc niệm cho người thân, người đồng đội, những anh hùng, liệt sĩ đã nằm lại nơi chiến trường khói lửa.

Tháng 7, hòa mình cùng dòng người 3 cựu chiến binh Trần Tường Huấn, Vũ Doãn Tùng và Nguyễn Thắng Lợi đã đến tri ân những người đồng đội, chiến sĩ trong Ngày Thương bình- Liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP. Hà Nội.

Hà Nội những ngày cuối tháng 7 nắng như đổ lửa nhưng không cản trở bước chân của đoàn người đến thăm viếng tại Nghĩa trang TP. Hà Nội, dòng người mỗi ngày một đông.

Có mặt từ sáng sớm tại nghĩa trang Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống có dịp hạnh ngộ cùng 3 cựu chiến binh Trần Tường Huấn, Vũ Doãn Tùng và Nguyễn Thắng Lợi - những người đồng chí, đồng đội cùng trong Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1, Quân khu 9 (khu vực Hà Nội) khi về thắp hương cho những người đồng đội cũ một thời đã cùng "vào sinh ra tử".

Trò chuyện cùng PV, hồi ức lại một thời chiến trường đã xa, dường như ký ức một thời hoa lửa giữa bom đạn ác liệt vẫn hiển hiện trong tâm can mỗi người lính - đại tá Trần Tường Huấn.

Theo lời kể của ông Huấn, khi chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, ông Huấn và nhiều người bạn cùng trang lứa rời ghế nhà trường, tình nguyện tòng quân ra chiến trận. Trong số những thanh niên người Hà Nội ở độ tuổi học sinh tham gia chiến đấu, có nhiều người mãi không trở về.

Ông Trần Tường Huấn (trái) và Vũ Doãn Tùng (phải) bên phần mộ liệt sĩ cũng là người đồng đội của mình.

Ông Huấn chia sẻ, bản thân nhập ngũ vào tháng 1/1972 thuộc Trung đoàn 59 - Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Cùng nhập ngũ năm đó với ông còn có hai bạn học cùng độ tuổi 17-18 chung trường cấp 3 Chu Văn An là liệt sĩ Đặng Trần Cảnh và liệt sĩ Vũ Duy Hùng. Nhớ về hai người bạn đã "ngã xuống", người lính năm nào không khỏi xót xa, quặn thắt.

Trong hai trường hợp liệt sĩ là bạn học cùng nhập ngũ với ông Huấn có liệt sĩ Vũ Duy Hùng được xác định hy sinh ngày 25/11/1972 tại chiến trường Quảng Trị đã được về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP. Hà Nội. Tuy nhiên, hiện còn liệt sĩ Đặng Trần Cảnh vẫn chưa thể trở về với quê hương, đất mẹ.

Ông Trần Tường Huấn thắp hương, dâng hoa tưởng nhớ các liệt sĩ và đồng đội.

Nói về người đồng đội của mình ông Huấn xúc động cho biết, trong quá trình đi tìm đồng đội, đồng chí Đặng Trần Cảnh hy sinh tại Kiên Giang thuộc trung đoàn 20, quân khu 9 đã được xác định danh tính, giám định ADN đầy đủ, chính xác nhưng vì một số lý do hiện tại vẫn chưa đưa liệt sĩ về nghĩa trang thành phố và hiện ông vẫn đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kiên Giang.

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất hạnh phúc bởi trong lớp chúng tôi đi chiến đấu vào năm 1972 hai bạn hy sinh đều đã được tìm thấy.” - ông Huấn nói.

Ông Vũ Doãn Tùng bên mộ liệt sĩ Nguyễn Bắc Chính - một người đồng đội rất thân thiết cùng trung đội Huấn luyện tân binh trong những ngày đầu nhập ngũ. Theo lời ông Tùng, gia đình liệt sĩ Chính có hai anh em đi bộ đội và cả hai đều hy sinh nơi chiến trường.

Đi cùng đoàn với ông Huấn đến nghĩa trang hôm nay có đại tá Vũ Doãn Tùng - nguyên cán bộ Cục cán bộ Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến nghĩa trang vào ngày này, ông Tùng không thể kìm nén được cảm xúc, khi nhắc về những người đồng đội ông bật khóc nức nở. Ông Tùng chia sẻ, năm nào cũng về thăm viếng đồng đội nhưng những đau thương, mất mát chưa bao giờ bớt nguôi ngoai.

Đại tá Tùng cho biết: "Hôm nay tôi cùng Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 1 khu vực Hà Nội tổ chức đi thắp hương cho các liệt sĩ là đồng đội đã cùng nhập ngũ, cùng chiến đấu và đã hy sinh trong trận đánh ngày 12/4/1975 tại chiến khu Ba Càng, huyện Tam Bình của tỉnh Vĩnh Long".

Ông Tùng xúc động, bật khóc nức nở trước mộ người đồng đội đã mãi mãi nằm xuống.

Chỉ vào những phần bia mộ bên cạnh, ông Tùng chia sẻ, đây là 5 liệt sĩ trong tổng số hơn 60 liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh tại chiến khu Ba Càng.

Trong thời gian từ năm 2019 đến nay, anh em cựu chiến binh Trung đoàn 1 khu vực Hà Nội đã tổ chức hành trình đi tìm đồng đội thông qua việc giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ. Theo đó, Ban liên lạc đã phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương lấy gần 300 mẫu ở 300 ngôi mộ để giám định ADN và đã xác định được danh tính 45 liệt sĩ.

Đặc biệt, ngày 17/4/2022, Ban liên lạc đã phối hợp cùng gia đình tổ chức lễ đón nhận 5 hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang TP. Hà Nội. Hàng năm, anh em đồng đội cũ đều tổ chức dịp 27/7 để đến thắp hương, đây cũng là dịp mà cả nước toàn Đảng toàn dân và mọi người đều tưởng nhớ tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Ngồi bên phần mộ liệt sĩ Bùi Trọng Cảnh, ông Nguyễn Thắng Lợi cũng không thể che giấu sự u buồn, mất mát. Xúc động nhớ về người bạn của mình, ông Lợi kể: “Đây là mộ của liệt sĩ Bùi Trọng Cảnh cùng lứa với ông đi nhập ngũ. Ông Cảnh học rất giỏi. Năm 1972, Cảnh xung phong đi bộ đội đến ngày 25/8/1972 thì hy sinh tại mặt trận Quảng Trị, đến nay đã 51 năm.”

Ông Nguyễn Thắng Lợi bên mộ phần liệt sĩ Bùi Trọng Cảnh cùng đi nhập ngũ với ông thời chiến.

Dù chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi day dứt, canh cánh vẫn hiển hiện trong lòng của mỗi cựu chiến binh như Trần Tường Huấn, Vũ Doãn Tùng, Nguyễn Thắng Lợi. Chính vì vậy, dù đã ở tuổi 69, bản thân là thương binh 2/4, mắc căn bệnh tuyến giáp nhiều năm nay nhưng người cựu chiến binh Trần Tường Huấn vẫn cùng những người bạn trong nhóm “Tìm bạn về” và Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1, Quân khu 9 rong ruổi trên hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ, tìm đồng đội để đưa họ trở về với quê nhà.

Cho dù trong hoàn cảnh khốc liệt nhất của cuộc chiến, hay giữa thời bình, tình đồng đội, đồng chí của những người cựu chiến binh mãi trong sáng vô ngần.

Chia sẻ thêm về hành trình tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ ở các phần mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin, ông Trần Tường Huấn cho biết, đó là công việc rất khó, phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Hầu hết các thành viên trong ban liên lạc phải tự bỏ tiền, kinh phí với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng để tham gia chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ trải dài khắp mọi miền Tổ quốc.

Những cựu chiến binh này đã dành cả thanh xuân, đánh đổi sức khỏe thương tật và cả tính mạng cho nền độc lập, tự do, hạnh phúc của nước nhà. Trên chiến hào cùng nhau “chia lửa”, lúc khó khăn cùng giúp đỡ sẻ chia, trong hoạn nạn quên mình cứu đồng đội, trong vinh quang chia sẻ ngọt bùi, chiến đấu vì dân, quên mình vì Tổ quốc. Đó là những phẩm chất cao đẹp nhất của người bộ đội Cụ Hồ - những người lính chiến đấu quên mình trong thời chiến và tình cảm đồng chí, đồng đội thiêng liêng vẫn giữ mãi trong thời bình.

Lê Thoa - Tuấn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thang-7-tri-an-thieng-lieng-nghia-tinh-dong-doi-16923072708220331.htm