Tháng 6 ở Trường Sa: Thương nhớ và tin yêu

Trường Sa hôm nay là đại gia đình của những người lính ngày đêm giữ đảo; của tiếng nói cười trẻ thơ vang vọng và có cả những ngư dân can trường bám biển.

Những ngày đầu tháng 6, con tàu KN290 kéo vang 3 hồi còi rời cảng Cát Lái đưa 200 thành viên của Đoàn công tác số 17 vượt hơn nghìn hải lý mang tình cảm của đất liền đến với “khúc ruột” Trường Sa của Tổ quốc. Những cái vẫy tay, lời chúc, câu chào tạm biệt chúc một hải trình bình yên như muốn gửi gắm tình cảm thân thương của “Cả nước vì Trường Sa”.

Tàu rời cảng, trong tất cả mỗi người của hải trình đặc biệt này sẽ tạm rời xa người thân, sóng điện thoại, mạng Internet để gửi trọn lòng mình vào biển đảo, về những người lính vẫn thầm lặng ngày đêm bám trời, bám biển, sẵn sàng “hòa mình vào biển trời của Tổ quốc” để giữ cho được từng tấc đất thiêng liêng. Nơi đó có những con người của thế hệ hôm nay luôn tiếp nối truyền thống kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh luôn “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”.

Những người lính chắc tay súng để cho Quân kỳ "Quyết chiến, Quyết thắng" luôn tung bay kiêu hãnh

Đất liền dần xa khuất, chỉ còn sóng, gió và biển trời bao la. Biển nước mình đẹp quá, nước xanh thăm thảm một màu ngọc bích, bất chợt từng đàn cá Chuồn chao liệng trên những cánh sóng. Biển cũng như muốn nói giùm lên bao ngày nhớ thương của đất liền với Trường Sa. Dưới thân tàu, những con sóng bạc hiền hòa vỗ mạn tàu rồi lại hòa vào xanh thẳm, như triệu triệu người con trên đất nước này hòa trong hai tiếng Việt Nam. Tình yêu Tổ quốc vốn là thứ vô hình, nằm sâu trong tâm khảm, nhưng trong chuyến đi đặc biệt này, tựa hồ như ta cầm nắm, nhìn thấy, thổn thức ngay trong lồng ngực.

Đảo Song Tử Tây nhìn từ biển khi hoàng hôn buông xuống

Tháng 6 mùa này, biển vẫn dịu dàng nhưng đâu đó bắt đầu xuất hiện những con sóng “bạc mái đầu” khiến con tàu thêm nghiêng ngả. Song những con sóng không làm cho lòng người lay động, tình yêu của đất liền của 100 triệu trái tim Việt Nam gửi đến với những con người can trường đang ngày đêm bám biển, bám đảo giữ vững từng thước đấc của cha ông để gìn giữ cho con cháu muôn đời sau. Những chuyến cano vẫn vượt từng lớp sóng đến với điểm đảo. Nơi đó, có những mái chùa văng vẳng tiếng chuông. Những lớp học với tiếng trẻ thơ ê a học bài hòa cùng rì rào của biển cả với bao vần thơ lay động: “Con lớn lên sẽ làm bộ đội/ Cùng bao người, con hướng tới Trường Sa/ Theo lớp cha anh bảo vệ nước non nhà/ Yêu Tổ quốc như yêu cha và mẹ…”.

Các "công dân nhí" đang học bài tại Trường tiểu học Đá Tây trên đảo Đá Tây

Ở nơi ấy, mùa này, trong ào ạt của biển cả vẫn có những ngư dân can trường bám biển, vang lên tiếng nói cười giữa cái nắng chói chang. Nơi đó, có cả những mái ấm gia đình nơi đảo xa giúp “người đất liền” cảm nhận đủ đầy hơn về hạnh phúc. Vườn rau nhỏ xinh, hơi ấm từ căn bếp, đứa trẻ rám nắng hóng cha trở về từ biển trong ráng chiều buông… Hạnh phúc giản dị nhưng vô bờ, mênh mông như biển cả.

Những mái nhà đầm ấm trên các tuyến đảo, nơi có cả sóng truyền hình đưa Trường Sa gần hơn với đất liền

Ở nơi ấy, dù còn đó biết bao khó khăn, vất vả, biển vẫn “bão giông” song sức sống vẫn đang từng ngày đang đơm hoa, kết trái và lớn mạnh. Sức sống ấy được xây đắp bởi bàn tay cần cù, chịu khó của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Sức trẻ, tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm vượt khó của quân và dân đã giúp cho mỗi tấc đất, hòn đảo giữa biển khơi ngày càng thêm sức sống mới, đủ đầy và mạnh mẽ hơn.

Những đoàn tàu của bà con ngư dân vẫn ngày đêm can trường bám biển

Hải trình nào cũng có điểm đầu và điểm cuối, khi chia tay trên bến cảng hay trên chiếc cano nhỏ, trước sóng, trước gió biết bao người vẫn vang lên câu nói “Cả nước vì Trường Sa”. Và ở nơi đảo nhỏ tiền tiêu cũng vọng vang trở lại “Trường Sa vì Tổ quốc”, với lời thề một lòng giữ biển, giữ đảo.

Nơi đó, có những cái ôm, cái bắt tay thật chật và có cả những giọt nước mắt. Nước mắt không phải của sự chia ly mà để cho ngày gặp lại. Đâu đó, trên boong tàu có cả những lời hẹn ước, hẹn cùng nhau học tập tốt, huấn luyện tốt, chắc tay súng nơi tuyến đầu để mai này khi về đất liền sẽ gặp lại. Ba hồi còi tàu lại ngân vang, những cái vẫy tay, những ánh mắt nhòa đi… Cảm xúc ấy chỉ có thể là tình yêu Tổ quốc, bởi trong mỗi người đều có một phần máu thịt ở Trường Sa.

Báo Công Thương xin gửi tới bạn đọc những hình ảnh trong những ngày tháng 6/2023 tại huyện đảo Trường Sa.

Trường Sa mùa này, những con sóng như dữ dội hơn khiến các chiến sĩ Hải quân phải dùng xuồng máy để đưa các đại biểu lên các điểm đảo.

Đứng trước biển, con người luôn cảm thấy nhỏ bé, nhưng ở nơi đây tình yêu Tổ quốc lớn hơn tất cả - Trong ảnh là chiếc cano vượt sóng để vào các điểm đảo

Sức sống Trường Sa - Trong ảnh là gốc cây tra đang vươn mầm trên đá tại đảo Trường Sa

Những bông hoa bàng vuông cuối mùa vẫn kịp nở

Ở Trường Sa mùa này có cả những tiếng cười, có cả hơi ấm của đất liền

Các công dân nhí trên đảo

Những phút nghỉ ngơi của người lính thật ấm áp, chan hòa tiếng cười cùng các trẻ em

Nụ cười lính đảo giữa cái nắng chói chang của tháng 6

Trường Sa còn có cả những "bonsai mini" được trồng từ những cây tra, bàng vuông như một món quà của người dân gửi về với đất liền

Những cuộc gặp của tình cha, con, đồng đội bên nắng gió Trường Sa

Phiến đá khắc ghi những lời của cha ông, của tiền nhân trên đảo Trường Sa, thể hiện quyết tâm gìn giữ từng tấc đất quê hương của thế hệ hôm nay

Nguyễn Cường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thang-6-o-truong-sa-thuong-nho-va-tin-yeu-258822.html