Tháng 10, khỏi công dự án đường Vành đai 4

KTĐT - Chiều ngày 16/3, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi đã có buổi làm việc với Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI), các nhà đầu tư về Dự án đường vành đai 4.

Theo báo cáo của Tedi, dự án tuyến đường vành đai 4 là vành đai cao tốc của Vùng thủ đô, có chiều dài 135,8km. Tuyến đường này bắt đầu từ đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai qua khu đô thị Mê Linh, tới Đan Phượng, Chúc Sơn, Thường Tín (Hà Nội) và Như Quỳnh (Hưng Yên) nối với QL 18 tại Đông Sơn (Bắc Ninh). Quy mô Vành đai 4 gồm đường cao tốc 6 làn xe, qua 3 cầu (gồm cầu Hồng Hà qua sông Hồng, cầu Mễ Sở, cầu qua sông Đuống) và các nút giao cắt lập thể. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 50.700 tỷ đồng, chiếm 1.280ha đất. Trong đó đoạn qua địa phận Hà Nội dài 76 km với điểm đầu tại đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai nằm tại km3+695 thuộc địa bàn xã Tân Xuân huyện Sóc Sơn, cắt QL2 qua khu đô thị mới Mê Linh, cắt QL23 đến cầu Hồng Hà, qua địa phận huyện Đan Phượng giao với QL 32 tại km 19+500 thuộc xã Đức Thượng, đến địa phận huyện Hoài Đức và cắt đường Láng Hòa - Lạc tại km 10+820 và giao với QL6 tại km 15+700. Tiếp đến giao với QL21B tại km 2+700, đi vào huyện Thanh Oai vượt sông Nhuệ đến huyện Thường Tín, giao QL 1A tại km 19+250 và đường Pháp Vân - Cầu Giẽ tại km 190+470 tiếp đến qua cầu Mễ Sở vượt sông Hồng sang tỉnh Hưng Yên. Tuyến đường này có mặt cắt ngang điển hình là 120m, trong đó phần đường cao tốc gồm 6 làn xe đi giữa (dải phân cách giữa làn đường cao tốc rộng 4m) hai bên đường cao tốc là dải phân cách an toàn môi bên rộng 20m. Tiếp đến là phần đường đô thị chạy song song 2 bên với lòng đường rộng 12m và ngoài cùng là vỉa hè rộng mỗi bên 10m. Hiện tại trên tuyến đường vành đai 4 đoạn qua địa phận Hà Nội khi lập thiết kế dự án đang gặp vướng mắc chủ yếu là cắt qua các dự án của các quận, huyện và hệ thống đê sông Đáy (do chưa có quy hoạch hệ thống xả lũ). Cụ thể là tại vị trí giao với QL32, giao với đường Láng - Hòa Lạc, khu đô thị An Khánh và quận Hà Đông. Tại cuộc họp này các đại biểu đều thống nhất ý kiến về hướng tuyến của dự án đường vành đại 4 do TEDI lập là hợp ly, tuy nhiên cũng lưu ý đơn vị này nên tránh những đoạn tuyến đi vào khu vực đê và vùng xả lũ của sông Đáy. Đối với các vướng mắc của các quận huyện thì nên vị lợi ích chung của dự án là tạo ra hệ thống giao thông hoàn chỉnh cho thành phố không nên điều chỉnh nhiều về hướng tuyến. Bởi nếu điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến dự án cũng như khi hướng tuyến chỉnh phù hợp với quận, huyện này khi nắn sang huyện khác lại vướng dự án thì sẽ rất khó cho đơn vị tư vấn. Hiện tại, để dự án đường vành đai 4 sơm được triển khai đã có rất nhiều nhà đầu tư xin được vào đầu tư dự án theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) như UDIC, Quý đầu tư phát triển thành phố và Công ty cổ phần Him Lam. Hiện tại Chính phủ đã đồng ý cho Công ty cổ phần Him Lam vào thi công 20km đường vành đai 4 đoạn từ QL6 đến QL32. Kết thúc cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở Kế hoạch & Đầu tư thay mặt thành phố xem xét, ký kết hợp đồng với các nhà đầu tư. Viện Quy hoạch xây dựng, Sở QHKT cần phối hợp chặt chẽ với TEDI trong công tác triển khai dự án như hướng tuyến, rà soát chỉ giới để dự án sơm hoàn thành trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 6/2010. Trước mắt trong tháng 4 phải có được chỉ giới đoạn 20km do Công ty CP Him Lam đầu tư xây dựng. Ngoài ra, yêu cầu Công ty CP Him Lam từ nay đến tháng 6 phải lập và phê duyệt xong dự án và thiết kế, trong đó các sở ngành, quận huyện phải hỗ trợ tối đa cho công ty trong quá trình này để đến tháng 10/2010 có thể khởi công. Ngoài ra, yêu cầu Viện quy hoạch xây dựng nghiên cứu ngay quay hoạch hai bên tuyến đường này trong đó phân định rõ đâu là khu cây xanh, đâu là đất dự án đối ứng và dự án giãn dân từ nội thành ra xong trong tháng 4 tới đây. Trần Quý

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=47&newsid=206126