Thần tốc kiểm soát dịch

48 giờ sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã từng bước được kiểm soát.

Thần tốc kiểm soát dịch

Tiến hành phun khử khuẩn tại các địa điểm có liên quan đến bệnh nhân Covid-19.

Nhanh chóng, toàn diện

Ngày 23/6, 5 mẫu gộp xét nghiệm Covid-19 tại Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Lập tức kết quả trên đã được báo cáo với Ban Giám đốc bệnh viện, lãnh đạo Sở Y tế. Công tác chuyên môn, tách riêng từng mẫu ra để xét nghiệm đã được thực hiện. Song song với đó là việc chuẩn bị cho phương án xấu nhất sẽ xảy ra. Và tối ngày 23/6, Viện Pasteur Nha Trang trả kết quả xét nghiệm, Bình Thuận có 1 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Ngay lập tức, hệ thống phòng chống dịch đã được kích hoạt. Một cuộc họp khẩn giữa ngành y tế với TP. Phan Thiết, huyện Tuy Phong trong đêm đã được diễn ra, các phương án, biện pháp để điều tra dịch tễ, phun khử khuẩn, rồi đưa các F1 tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 được đưa ra. 21 giờ ngày 23/6, Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh đã được phun khử khuẩn, tạm thời không cho người từ bên ngoài vào để thuận tiện cho việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch tiếp theo. Công tác điều tra dịch tễ của bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được khẩn trương triển khai trước đó. Hơn 22 giờ, khi Viện Pasteur Nha Trang khẳng định kết quả xét nghiệm trước đó của Bệnh viện đa khoa tỉnh, các biện pháp kiểm soát nguồn lây được triển khai nhanh chóng. Bệnh viện đa khoa tỉnh đã thông báo đến cán bộ, nhân viên công tác tại Khoa Sản biết để họ chủ động khai báo. Tất cả các Đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và TP. Phan Thiết được lệnh lên đường làm nhiệm vụ.

Gần 23 giờ đêm, những người tiếp xúc gần có nguy cơ cao là người thân của bệnh nhân và đồng nghiệp đã được xác định và đưa đi cách ly. Đây là những việc phải làm đầu tiên, vì chỉ cần chậm trễ một chút thì nguy cơ lây lan dịch bệnh ra bên ngoài là rất lớn. Và thực tế, nhận định này hoàn toàn đúng, có đến 6 người thân của bệnh nhân này bị mắc Covid-19. Gần 0 giờ ngày 24/6, bên cạnh công tác truy vết các trường hợp tiếp xúc gần thì việc phong tỏa các địa điểm bệnh nhân đã từng đến cũng được khẩn trương triển khai.

Lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa Nhà thuốc Trường Giang lúc 23 giờ 18 phút ngày 23/6.

0 giờ 45 phút ngày 24/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã họp khẩn với Sở Y tế để nhận định tình hình, xác định tính chất mức độ của ca bệnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong yêu cầu các đơn vị phải tập trung mọi nguồn lực để điều tra truy vết nhanh, tiến hành xét nghiệm diện rộng, phong tỏa đầy đủ để đưa toàn bộ các trường hợp F1, F2 cách ly kịp thời. Phương hướng ứng phó với dịch bệnh lần này là truy vết thần tốc, xét nghiệm càng nhanh càng tốt, cố gắng khống chế tốt nguồn lây, không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.

1 giờ ngày 24/6, những nơi bệnh nhân này đã từng đến là Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh, Nhà thuốc Trường Giang, Khu C, Chung cư Văn Thánh và Khu nhà của bệnh nhân ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong đã được phun khử khuẩn và phong tỏa xong.

TP. Phan Thiết và huyện Tuy Phong đã có một đêm không ngủ, các biện pháp phòng chống dịch được thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác. Ngành chức năng đã xác định được 308 trường hợp F1 và đưa đi cách ly. Với những F1 có nguy cơ cao được cách ly tại 1 phòng riêng để tránh việc lây chéo trong khu cách ly. Hơn 24 giờ phát hiện ca nhiễm, những trường hợp có nguy cơ lớn làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng đã được kiểm soát.

Nghiêm ngặt bên trong, chặt chẽ bên ngoài

Tại cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, trực tuyến với các địa phương và sở, ngành liên quan đến ca nghi nhiễm Covid-19 sáng 24/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã yêu cầu giãn cách xã hội tại TP. Phan Thiết, huyện Tuy Phong theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế việc lây lan dịch tại cộng đồng. Các địa phương Phan Thiết, Tuy Phong kích hoạt hệ thống phòng chống dịch, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo tinh thần "làm nhanh, chặt chẽ, đầy đủ". Tiếp tục điều tra, làm kỹ, truy vết cho đủ, chính xác các địa điểm, các trường hợp tiếp xúc với các F0. Việc chuẩn bị vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ cho công tác xét nghiệm, điều trị được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trực tiếp cho sở, ngành liên quan. Phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến xấu hơn cũng được tính đến.

48 giờ sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19, tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát. Công tác điều tra dịch tễ được chuyển đến một bước mới, truy tìm nguồn lây Covid-19 cho bệnh nhân. Ngành y tế và ngành giao thông phối hợp điều tra chuyến xe chở bệnh nhân từ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai về Tuy Phong vào ngày 13/6. Đây là phương tiện duy nhất mà bệnh nhân không nhớ rõ thông tin, chỉ nhớ được thời gian lên và xuống xe. Ngày 25/6, qua trao đổi thông tin, hộp đen giữa Thanh tra giao thông 2 tỉnh Bình Thuận và Hải Phòng, chiếc xe BKS: 15B – 03684 của nhà xe Trung Đức (chạy tuyến cố định TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng) được xác định là phương tiện đã chở bệnh nhân từ Đồng Nai về Bình Thuận vào ngày 13/6. Cơ quan chức năng cũng xác định nguồn lây Covid-19 cho bệnh nhân công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh xuất phát từ việc đi trên chuyến xe này. Tìm được nguồn lây là thành công quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Xác định được nguồn lây thì việc khoanh vùng, dập dịch là việc nằm trong phương án đã được xây dựng từ trước.

Nhưng, từ việc phát hiện nguồn lây đã cho thấy một khe hở lớn trong việc kiểm soát các phương tiện vận tải hành khách đi trên tuyến quốc lộ 1A qua tỉnh. Tại cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, đã tổ chức họp trực tuyến với các địa phương và sở, ngành liên quan đến ca nghi nhiễm Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã đặt vấn đề xây dựng một quy trình kiểm soát các phương tiện đi trên quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh. “Ở đây, chúng ta không phải thực hiện việc “ngăn sông cấm chợ”, ngăn không cho các phương tiện ra vào tỉnh mà là thực hiện yêu cầu các phương tiện khai báo để thực hiện tốt việc kiểm soát dịch mà thôi”, Bí thư Tỉnh ủy gợi ý.

Một quy trình chung đã được đưa ra. Theo đó, các phương tiện khi đến ranh giới tỉnh sẽ được lực lượng chức năng dừng kiểm tra. Thay vì kiểm tra về chấp hành an toàn giao thông như trước thì người điều khiển phương tiện sẽ phải khai báo những điểm sẽ dừng để trả hàng, những vị trí sẽ dừng để trả khách suốt tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận. Người điều khiển phương tiện sẽ phải ký cam kết thực hiện đúng những gì đã khai báo, sau đó sẽ được tiếp tục hành trình. Đây sẽ là cơ sở để ngành chức năng theo dõi cũng như xử phạt các nhà xe cố tình vi phạm. Cùng với đó, tỉnh sẽ triển khai lập 3 điểm dừng chân cố định để nhà xe, tài xế dừng thực hiện vệ sinh cá nhân. Các điểm này sẽ được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhà xe biết, thực hiện. “Công tác phòng chống dịch đang ở cao điểm. Các ngành đang đẩy mạnh công tác điều tra, dập dịch. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta lơ là công tác kiểm soát các phương tiện ra vào địa phương. Vì vậy các ngành chức năng, địa phương phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chốt kiểm dịch thực hiện tốt chức năng của mình. Sở Giao thông Vận tải phối hợp Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định vị trí trạm dừng, đỗ dọc quốc lộ 1A cho phép các tuyến xe khách liên tỉnh được dừng, đỗ. Ngoài các vị trí này, xe khách liên tỉnh không được phép dừng, đỗ khi đi qua địa bàn tỉnh và có biện pháp xử lý nghiêm các xe vi phạm. Chúng ta phải thực hiện phương châm “Nghiêm ngặt bên trong, chặt chẽ bên ngoài”, vừa khống chế dịch trong tỉnh nhưng cũng không để nguồn lây từ bên ngoài lọt vào", Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong kết luận tại cuộc họp trực tuyến ngày 26/6.

Nguyễn Luân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/than-toc-kiem-soat-dich-138781.html